Trước tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, chủ động thực hiện các biện pháp chống nóng, nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của thời tiết đến sức khỏe người bệnh và người nhà bệnh nhân.
Bệnh viện Đa khoa TP Thanh Hoá bố trí thêm hệ thống quạt, cây nước tại khu vực chờ khám bệnh để giảm bớt sự oi bức cho bệnh nhân những ngày nắng nóng.
Có mặt tại Bệnh viện Đa khoa TP Thanh Hóa, mới đầu giờ sáng, đã có hàng trăm bệnh nhân xếp hàng lấy số chờ tới lượt khám. Theo báo cáo của bệnh viện, thời điểm này, trung bình mỗi ngày có khoảng 500-600 lượt bệnh nhân tới khám bệnh, hơn 400 bệnh nhân điều trị nội trú. Nắng nóng mọi người thường dễ mắc các bệnh về hô hấp, huyết áp, tim mạch… do thường xuyên thay đổi môi trường đột ngột từ điều hòa ra ngoài trời khiến cơ thể khó thích nghi. Đặc biệt, người lao động phải làm việc ngoài trời nắng trong thời gian dài rất dễ bị say nắng, sốc nhiệt, rối loạn nước điện giải, hạ canxi, trong đó, một số trường hợp đã phải nhập viện cấp cứu.
Trao đổi với Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Thanh Hóa Lê Tiến Toàn, được biết, để bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân trên địa bàn, bệnh viện đã được đầu xây dựng khu nhà khám bệnh, cận lâm sàng, quản lý hành chính mới với quy mô 5 tầng nổi, 1 tầng hầm, tổng diện tích sàn 4.440m2, tổng mức đầu tư gần 50 tỷ đồng, với đầy đủ các phòng, phân khu chức năng, hệ thống điện được nâng cấp, lắp đặt 100% điều hòa nhiệt độ ở các khoa phòng; sảnh chờ, hành lang đều có quạt, hệ thống nước uống nóng lạnh…, đáp ứng tốt nhu cầu việc và khám chữa bệnh cho Nhân dân.
Bệnh nhân khám bệnh tại Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa.
Tại Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa, từ đầu tháng 5 đến nay, trung bình mỗi ngày, bệnh viện có khoảng 200-250 lượt bệnh nhân đến khám, điều trị. Dưới thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng gay gắt như hiện nay, nền nhiệt ngoài trời tăng cao, có thời điểm nhiệt độ lên ngưỡng 41 độ C, vì thế, bệnh viện luôn cố gắng giảm bớt sự mệt mỏi của bệnh nhân khi đến đến khám bệnh hoặc nằm viện trong thời gian này.
Trưởng phòng Điều dưỡng Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa Lê Thị Quỳnh Nga cho biết: Để chủ động phòng, chống nắng nóng cho người dân đến khám, chữa bệnh, Bệnh viện rà soát, bảo dưỡng lại hệ thống quạt, điều hòa, rèm che nắng tại các buồng bệnh, hành lang. Đồng thời, bố trí linh hoạt nguồn nhân lực tại những khoa có đông người bệnh và trong các khung giờ cao điểm để người bệnh được khám bệnh nhanh chóng, hạn chế tối đa thời gian chờ đợi.
Bệnh viện Đa khoa huyện Thường Xuân bảo đảm các buồng, phòng có điều hòa, hệ thống quạt mát tại một số khu vực điều trị nội trú, phục vụ chu đáo cho bệnh nhân.
Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thường Xuân, ngay từ những ngày đầu bước sang mùa hè nắng nóng, bệnh viện đã rà soát, kịp thời sửa chữa hệ thống điện, điều hòa, quạt, mành che nắng tại các buồng bệnh, hành lang có bệnh nhân ngồi chờ, bảo đảm thoáng mát cho bệnh nhân khi đến khám chữa bệnh. Bệnh viện cũng bố trí linh hoạt nguồn nhân lực để tăng số bàn khám tại các khu vực tập trung đông người, tại giờ cao điểm để nhanh chóng giải quyết công việc, hạn chế tối đa thời gian chờ đợi của người bệnh.
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Thường Xuân Nguyễn Thành Thắng, cho biết: Để bảo đảm công tác phòng chống nắng nóng, thoáng mát cho người bệnh, tại một số khu vực điều trị nội trú như khoa cấp cứu hồi sức tích cực, khoa sản, khoa nhi… bảo đảm các buồng, phòng có điều hòa, hệ thống quạt mát, nước uống đầy đủ… phục vụ chu đáo cho bệnh nhân. Bệnh viện cũng nỗ lực nâng cao chất lượng điều trị, giảm số ngày điều trị trung bình, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong KCB; bảo đảm đủ cơ số thuốc cấp cứu, giường bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện cấp cứu để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp do thời tiết nắng nóng bất thường gây ra. Tuy nhiên, trong những ngày nắng nóng vừa qua bệnh viện nhiều lần bị mất điện đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác khám, điều trị cho bệnh nhân.
Theo khảo sát, tại một số cơ sở y tế khác trên địa bàn tỉnh cũng đã chuẩn bị mọi phương tiện chống nóng cho bệnh nhân đến khám và điều trị như tăng cường quạt, lắp đặt thêm điều hòa, hệ thống phun sương, cung cấp đầy đủ nước uống… Đồng thời, các cơ sở y tế còn sắp xếp lại giường bệnh cho hợp lý, bố trí thêm nhân lực tại một số khoa tập trung đông người, động viên cán bộ, y, bác sĩ khoa khám bệnh đi làm trước giờ hành chính để tiếp đón bệnh nhân, hạn chế thời gian chờ đợi của người bệnh; tăng cường tuyên truyền cho người dân các biện pháp chủ động phòng, chống nắng nóng…
Theo dự báo, thời tiết còn tiếp tục nắng nóng, các bác sĩ khuyến cáo người dân nên hạn chế ra ngoài trời nắng nóng nếu không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải ra ngoài trời nóng thì nên đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang… chống nóng. Đồng thời, cần uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời. Tuy nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng.
Ngoài ra, mọi người dân cần lưu ý không nên để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp, không để quạt thổi trực tiếp gần người, phòng bệnh đường hô hấp. Thực hiện ăn chín, uống sôi, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để bảo đảm đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Khi có các dấu hiệu như nóng sốt, ho, chảy nước mũi, hắt hơi, nên cách ly người bệnh tại nhà; thực hiện chăm sóc sức khỏe, uống nhiều nước, nghỉ ngơi dưỡng sức và bổ sung dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
Tô Hà