Thực tế cho thấy, nhà nước luôn tạo điều kiện để báo chí có nguồn thu, bù đắp phần nào cho chi phí xuất bản. Hiện nay, nguồn thu chính của các cơ quan báo chí Việt Nam đến từ quảng cáo, từ phát hành báo in; hợp đồng truyền thông, nội dung được tài trợ, tiếp thị liên kết; quảng cáo điện tử và một số nguồn thu phi truyền thống khác.
Riêng với nguồn thu từ quảng cáo, do sự phát triển của các nền tảng kỹ thuật số và mạng xã hội, các doanh nghiệp có nhu cầu quảng cáo có nhiều lựa chọn hơn và không còn phụ thuộc nhiều vào các tờ báo và đài phát thanh, truyền hình như trước đây. Điều này dẫn đến sự sụt giảm đáng kể doanh thu quảng cáo của các cơ quan báo chí.
Tại tỉnh Lai Châu, một trong những tỉnh khó khăn nhất vùng Tây Bắc, các cơ quan báo chí hiện cũng gặp khá nhiều khó khăn liên quan đến phát triển nguồn thu. Như Báo Lai Châu, hiện một tờ báo có giá bán 2.000đ/1 tờ, doanh thu bán báo trên dưới 800 triệu đồng/năm, thu qua quảng cáo tuyên truyền khoảng gần 300 triệu đồng.
Việc bán báo chủ yếu cho các Chi bộ, Đảng bộ của các Sở, Ban, Ngành đoàn thể trong tỉnh, các doanh nghiệp, người dân không đặt mua và chưa thực sự quan tâm đặc biệt đến báo đảng địa phương. Dịp Tết Nguyên đán, phát hành các ấn phẩm báo xuân, doanh thu từ quảng cáo mới chỉ dừng lại ở số tiền ít ỏi (trên dưới 30 triệu đồng), đây được coi là mức thu thấp nhất cả nước.
Nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hà, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Lai Châu, Giám đốc Đài Phát thanh-Truyền hình Lai Châu cho biết: tại Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Lai Châu các nguồn thu từ nguồn cộng tác với Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, nhuận bút từ VTV5, nguồn thu từ thông báo, quảng cáo, tuyên truyền hỗ trợ,… Doanh thu năm 2023 của Đài PT-TH tỉnh Lai Châu trên 3,5 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2024 có nguồn thu gần 2 tỷ đồng, trong đó nguồn thu từ quảng cáo chiếm tỉ lệ khá ít.
Theo nhà báo Đoàn Thị Phương Hoa, Chánh văn phòng Hội Nhà báo tỉnh Điện Biên đánh giá, hầu hết các đài truyền hình đều không khai thác được hết thời lượng quảng cáo trong 1 ngày trên kênh, chương trình theo quy định cho phép của Luật Quảng cáo. Mặc dù báo in, báo điện tử hay phát thanh, truyền hình đều dựa khá nhiều vào nguồn thu quảng cáo. Tuy nhiên, hiện nay các cơ quan báo chí đang phải đối mặt với nguy cơ sụt giảm doanh thu mạnh mẽ, trong bối cảnh các nền tảng mạng xã hội đã lấy đi khoảng 70% doanh thu của báo chí chính thống.
“Các cơ quan báo chí cần phát triển nội dung trên các nền tảng điện tử để quảng bá, từ đó có quảng cáo và tăng doanh thu. Để duy trì được nguồn thu từ quảng cáo cơ quan báo chí cần quan tâm đến nâng cao về chất lượng từ chính những bài quảng cáo. Nhưng tạo ra những sản phẩm quảng cáo mới, hấp dẫn công chúng thì nguồn lực sản xuất mới và nhân lực số là vô cùng quan trọng, vì vậy nên cần chú ý đến khâu đào tạo bồi dưỡng làm báo chí hiện đại” – nhà báo Đoàn Thị Phương Hoa cho biết.
Tại Báo Tuyên Quang, trong thời gian gần đây báo đã chú trọng đến phát triển quảng cáo trên Báo Tuyên Quang điện tử. Tận dụng các lợi thế và tiện tích quảng cáo trên báo mạng, bất cứ đơn vị doanh nghiệp nào muốn quảng cáo, tiếp thị sản phẩm đều thực hiện một quy trình đăng tải thông tin quảng cáo nhanh chóng, thuận tiện. Các bài viết về sản phẩm, dịch vụ hàng hóa được xây dựng với hình thức phong phú, nội dung mới lạ.
Điều này giúp tăng độ tiếp cận, nhận diện thương hiệu, tính tương tác, độ phủ sóng được rộng rãi hơn. Các bài viết có hình ảnh bắt mắt, sống động gây ấn tượng mạnh với thị giác của người đọc. Các bài quảng cáo được đăng tải giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí quảng cáo, đặc biệt là chi phí thấp hơn nhiều so với những loại hình truyền thông khác… với hướng đi này, quảng cáo dần trở thành nguồn thu quan trọng của Báo Tuyên Quang.
Tương tự tại Báo Hànộimới, trong thời gian qua công tác quảng cáo luôn được báo quan tâm, trở thành một trong những nguồn thu quan trọng, ổn định và bền vững. Hiện hoạt động quảng cáo trên các ấn phẩm của Báo Hànộimới đã đáp ứng tích cực nhu cầu đăng thông tin, quảng cáo của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội và cả nước.
Với đặc thù, thế mạnh của tờ báo Đảng Thủ đô có số lượng phát hành lớn, phạm vi lan tỏa rộng, Báo Hànộimới đã không ngừng nâng cao chất lượng các ấn phẩm, tận dụng diện tích trang tin, bài dành cho nhu cầu đăng thông tin quảng cáo của khách hàng, có cơ chế, chính sách ưu đãi với khách hàng, giải quyết hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan nên đã thu hút các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đăng thông tin tuyên truyền.
Nhà báo Nguyễn Minh Đức – Tổng Biên tập báo Hànộimới, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Nội cho biết, đứng trước khó khăn về nguồn thu quảng cáo, Báo đã từng bước ứng dụng công nghệ số, cụ thể là hình thức quảng cáo trực tuyến hiển thị. Hình thức quảng cáo hiển thị có ưu điểm là dễ đo lường, từ chi phí trên từng tương tác quảng cáo, trên mỗi người dùng đến chi phí trên mỗi đơn hàng.
“Bên cạnh đó, hình thức quảng cáo này cũng có khả năng tiếp cận (reach) lớn do có thể giúp thương hiệu chủ động tiếp cận vô số khách hàng tiềm năng bất kể họ có chủ động tìm hay muốn thấy thương hiệu hay không. Hình thức quảng cáo này tuy mới được Báo triển khai nhưng cũng đã đạt được những kết quả nhất định”, nhà báo Nguyễn Minh Đức chia sẻ.
Có thể khẳng định, trong những khó khăn về nguồn thu, nhiều cơ quan báo chí ở địa phương vẫn cố gắng quan tâm đến hoạt động quảng cáo, xác định rõ quảng cáo chính là nguồn thu chủ yếu, các cơ quan báo chí của địa phương mình. Đi cùng với đó họ đã và đang nỗ lực chuyển đổi số để làm báo đa phương tiện, đa nền tảng. Trên cơ sở đó đẩy mạnh phát triển quảng cáo số, tăng doanh thu nhờ sự đa dạng về thông tin trên môi trường Internet.
Nguồn: https://www.congluan.vn/cac-co-quan-bao-dang-dia-phuong-voi-bai-toan-tang-nguon-thu-tu-quang-cao-post315053.html