Hình thành thói quen xấu trước khi VAR xuất hiện
Theo xu thế chung của bóng đá thế giới, VAR trở thành một phần không thể thiếu trong các trận đấu. Tại các giải đấu tầm châu lục, VAR bắt đầu triển khai sử dụng một cách rất phổ biến. Đội tuyển VN ở các cấp độ đã nhiều lần thi đấu dưới sự giám sát của VAR và không ít lần nhận “trái đắng” từ công nghệ này. Điều này phần lớn xuất phát từ thói quen chơi bóng lâu nay của nhiều cầu thủ ở các giải quốc nội, đặc biệt là V-League, nơi mà VAR vẫn chưa thể phủ sóng toàn bộ trận đấu.
Chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương cho biết: “Tốc độ trong thi đấu bóng đá ngày càng nhanh, quyết liệt và mạnh mẽ hơn. Do đó, để đảm bảo việc điều hành bóng đá được chính xác, khách quan, FIFA mới quyết định đưa VAR vào hỗ trợ cho công tác trọng tài. Bên cạnh đó, việc sử dụng VAR cũng giáo dục cho người chơi tinh thần fair-play. Thi đấu với mục đích chiến thắng, nhưng vẫn trên tinh thần chơi đẹp”.
Điều kể trên càng trở nên phù hợp với đặc thù bóng đá VN. Những tình huống tiểu xảo, phạm lỗi thô thiển, thậm chí mang tính triệt hạ đối thủ… vẫn xuất hiện, ngay cả tại sân chơi có VAR như V-League. “Do điều kiện hoàn cảnh khách quan, bóng đá VN mới có VAR nhưng còn chưa hoàn chỉnh. Về mặt điều hành, trước đây lực lượng trọng tài chưa thực sự nghiêm khắc với những hành vi phạm lỗi thô bạo của cầu thủ. Chính vì thế, cầu thủ VN từ lâu nay đã hình thành thói quen xấu, thường dùng tiểu xảo, lợi dụng lúc trọng tài không để ý hoặc góc quan sát của trọng tài không tốt để đánh nguội đối thủ bằng nhiều hình thức (cùi chỏ, bàn tay, ngáng, đạp…). Do đó, các đội tuyển VN khi ra đấu trường quốc tế sẽ dễ gặp bất lợi, vì những hành vi xấu của cầu thủ không thể qua mắt được VAR”, ông Xương cho biết.
CÁC CLB MUỐN CHO CẦU THỦ THÊM THỜI GIAN
VAR dù xuất hiện ở V-League từ cuối mùa giải 2023, nhưng dường như các đội bóng vẫn chưa thực sự chú trọng giáo dục cầu thủ về công nghệ hỗ trợ trọng tài này. Trước khi mùa giải khởi tranh, ban tổ chức V-League đã cử giám sát và trọng tài đến các đội giải thích tường tận, chiếu tình huống minh họa… nhưng nhận thức của cầu thủ về VAR vẫn chưa thực sự cao. Do đó, vai trò của các đội bóng là cực kỳ quan trọng, bởi chỉ có CLB mới là nơi giám sát cầu thủ mỗi ngày, và có nhiệm vụ truyền đạt kỹ càng trong mỗi buổi tập về công dụng của VAR.m
Theo ông Đoàn Minh Xương, chỉ khi thực sự coi trọng VAR, cầu thủ VN mới học được cách tiết chế hành vi và dần bỏ những thói quen xấu. Đây cũng chính là yếu tố quan trọng để khiến hình ảnh bóng đá VN trở nên đẹp đẽ hơn.
HLV Nguyễn Đức Thắng (CLB Thể Công Viettel) nhấn mạnh, nhiều cầu thủ VN phải thay đổi nhận thức chơi bóng, khi VAR là “khắc tinh” của lối đá tiểu xảo.
Trong khi đó, HLV Nguyễn Thành Công (CLB Hà Tĩnh) cho rằng: “VAR có thể giúp giảm được bạo lực sân cỏ. Các cầu thủ cần phải kiểm soát hành vi khi thi đấu trên sân. Tuy nhiên, đã là thói quen thì không thể bỏ trong một sớm một chiều. Cầu thủ cũng là con người, những cảm xúc trên sân đôi khi rất khó để kiểm soát. Do đó, cần phải có thời gian để các cầu thủ bỏ được những thói quen xấu”.
CHƠI KHÔN NGOAN THÌ KHÔNG NGẠI VAR !
Chuyên gia Đoàn Minh Xương chia sẻ: “Bóng đá VN muốn giữ được sự ổn định về mặt thành tích thì cũng cần phải triệt tiêu lối chơi xấu xí. VAR chắc chắn sẽ tiếp tục xuất hiện ở những đấu trường đỉnh cao của châu lục, thế giới. Các đội tuyển VN nếu không muốn phải trả giá, thì bắt buộc phải có sự điều chỉnh, bắt đầu từ sân chơi V-League được xem là nền tảng. Có 3 điều cần làm: đưa VAR vào áp dụng rộng rãi ở giải quốc nội, trước mắt là phải phủ sóng V-League; công tác trọng tài cần nghiêm khắc hơn; các CLB phải tăng cường giáo dục ý thức chơi bóng cho cầu thủ, đây là yếu tố cần lưu tâm nhất. Trong điều kiện khách quan hiện nay, khi VAR chưa được áp dụng rộng rãi thì ý thức, tinh thần thi đấu của cầu thủ có vai trò cực kỳ quan trọng”.
Tương tự, HLV Nguyễn Đức Thắng cho rằng: “Những buổi tập hằng ngày sẽ hình thành nên thói quen của cầu thủ. Thi đấu chính là thể hiện thói quen trong tập luyện. Tôi luôn nhắc các cầu thủ của mình chơi bóng quyết liệt nhưng khôn ngoan, chứ không chơi xấu. Trên sân tập, mình có thể nhận thấy các hành động, cách ứng xử của cầu thủ và cần phải sửa ngay tại lúc đó, để hạn chế những điều không đáng có khi vào sân. Qua quá trình trau dồi, giáo dục, các cầu thủ sẽ bỏ được thói quen xấu và không cần quan tâm đến có VAR hay không”.
HLV Nguyễn Thành Công thì nói: “Ban lãnh đạo và ban huấn luyện phải quán triệt tinh thần chơi bóng của cầu thủ, đặc biệt là sự hiện diện của VAR. Với tôi, tôi không bao giờ cổ súy cho những hành vi phi thể thao. Cầu thủ chỉ nên tập trung chơi bóng”. (còn tiếp)
BẮT ĐẦU TỪ ĐÀO TẠO TRẺ
Chuyên gia Đoàn Minh Xương cho biết: “Việc giáo dục tăng cường nhận thức về chơi bóng không tiểu xảo, đá đẹp còn phải được thực hiện ngay cả ở các giải đấu ngoài chuyên nghiệp và đặc biệt là ở giải đấu trẻ. Các cầu thủ trẻ chính là nền tảng của sân chơi V-League hoặc nhiều cấp độ đội tuyển VN. Do đó, nếu cầu thủ trẻ được giáo dục kỹ lưỡng, thói quen đá xấu không hình thành ngay từ đầu thì sau này sẽ không cần phải lo lắng về VAR”.