Tham dự Hội thảo có ông Ngô Mạnh Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước; bà Laura Beckwith, Cơ quan Hợp tác ngành Nước của Úc; ông John Riddiford, Chủ tịch Nhóm Chuyên gia Quản lý lưu vực sông và lưu vực sông của Hiệp hội nước quốc tế; ông Ani Nair – Chuyên gia về Thiết kế nước rút, Công ty tư vấn quốc tế Isle Utilities (Úc); đại diện Cục Quản lý tài nguyên nước và hơn 40 chuyên gia, các Nhà khoa học trẻ đến từ các Trường Đại học, Viện nghiên cứu trong lĩnh vực tài nguyên nước.
Báo động an ninh nguồn nước ở Việt Nam
Việt Nam là một trong những quốc gia hứng chịu nhiều thảm họa thiên tai lớn nhất Đông Nam Á, Thái Bình Dương và rủi ro thiên tai đang gia tăng. Việc bảo đảm nguồn nước, cấp nước an toàn đang gặp nhiều thách thức lớn như: thiếu nước, phân bố nước không đều theo không gian, thời gian (lượng nước trong 3-5 tháng mùa lũ chiếm tới 70%-80%, trong khi đó 7-9 tháng mùa kiệt chỉ xấp xỉ 20%-30% lượng nước cả năm); tác động của biến đổi khí hậu; ô nhiễm nguồn nước (hầu hết các sông chính ở Việt Nam đều đã và đang bị ô nhiễm với các mức độ khác nhau, chủ yếu ở các vùng trung và hạ lưu, khu vực tập trung đông dân cư và các khu công nghiệp, các làng nghề)….
Bên cạnh đó, nguồn nước của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc lớn vào nước ngoài do phần lớn các hệ thống sông lớn của Việt Nam đều là các sông xuyên biên giới mà Việt Nam là quốc gia ở hạ nguồn (tổng lượng nước từ nước ngoài chảy vào Việt Nam là 520 tỷ m3, chiếm khoảng 60% tổng lượng dòng chảy của các sống của nước ta) dẫn đến những mâu thuẫn sử dụng nước trên lưu vực sông.
Cùng với đó, khả năng tiếp cận nước sạch an toàn chưa cao; bảo vệ rừng, nguồn sinh thủy lưu vực sông, hiệu quả sử dụng nước thấp; vấn đề về nguồn lực để giải quyết tổng thể vấn đề an ninh nguồn nước, hệ lụy là tài nguyên nước Việt Nam đang quá thừa, quá thiếu, quá bẩn và đang là mối đe dọa, là nguyên nhân làm chậm tăng trưởng kinh tế – xã hội.
Những thách thức nêu trên có thể cùng đồng thời xảy ra và sẽ là các thách thức lớn đối với công tác quản lý tài nguyên nước của Việt Nam những năm tới, nhất là trong bối cảnh phải bảo đảm mục tiêu tăng trưởng xanh và an ninh nguồn nước cho phát triển bền vững.
Trước những thách thức đó, việc tăng cường năng lực cho các cán bộ làm công tác quản lý tài nguyên nước và các nhà khoa học trẻ, chuyên gia trẻ tham gia giải quyết và ứng phó với các thách thức về tài nguyên nước là rất cấp thiết.
Giải quyết thách thức tài nguyên nước Việt Nam
Nắm bắt nhu cầu đó, Hội thảo “Mạng lưới Chuyên gia trẻ ngành nước 2023 – Giải quyết thách thức tài nguyên nước Việt Nam” được tổ chức hôm nay sẽ góp phần tăng cường đối thoại mối liên kết giữa các chuyên gia trẻ cùng các bên liên quan để đóng góp giải pháp để giải quyết các thách thức về tài nguyên nước.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý tài nguyên nước Ngô Mạnh Hà cho biết, ngày 27/11/2023, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Sự kiện này đánh dấu một bước tiến rất lớn về tư duy, cách tiếp cận, thay đổi phương thức quản trị tài nguyên nước. Trong thời gian tới, Cục sẽ triển khai nhiều nội dung công việc, trong đó việc xây dựng mạng lưới các nhà khoa học, tri thức trẻ trong lĩnh vực tài nguyên nước đáp ứng các yêu cầu về đào tạo đội ngũ kế cận, nâng cao năng lực cho các cơ quan quản lý tài nguyên nước là nhiệm vụ rất được quan tâm, chú trọng.
Phó Cục trưởng, Cục Quản lý tài nguyên nước Ngô Mạnh Hà cho biết, thời gian vừa qua, Cơ quan hợp tác ngành nước của Ốt-xtrây-li-a (AWP) với vai trò là một đối tác phát triển tích cực, đã hợp tác chặt chẽ và hiệu quả với Cục Quản lý tài nguyên nước trong quá trình cập nhật thông tin, kiến thức về kinh nghiệm quản lý tài nguyên nước tiên tiến tại Ốt-xtrây-li-a để áp dụng vào thực tiễn tại Việt Nam.
Do đó, Hội thảo này dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia ngành nước của Ốt-xtrây-li-a là một sự kiện mở đầu cho sự hình thành Mạng lưới chuyên gia trẻ ngành nước nhiệt thành, sáng tạo. Trong đó, các chuyên gia trẻ được lựa chọn đại diện cho các cán bộ, nghiên cứu viên, nhà khoa học trẻ, giảng viên, sinh viên có độ tuổi từ 21 đến 35 tuổi thuộc các cơ quan, viện nghiên cứu, các trường đại học …đang công tác, học tập trong các lĩnh vực quản lý tài nguyên nước, quản lý tài nguyên thiên nhiên, biến đổi khí hậu, môi trường và các lĩnh vực liên quan.
Thông qua Hội thảo này, ông Ngô Mạnh Hà mong muốn các chuyên gia, các chuyên gia trẻ sẽ tăng cường đối thoại, tham gia đóng góp ý kiến, đưa ra các giải pháp hữu hiệu trong quản lý bền vững tài nguyên nước tại Việt Nam, mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững cho môi trường. Đồng thời, góp phần kiến tạo những nhà lãnh đạo tương lai cho ngành nước, khơi nguồn cho những hợp tác văn hóa đa vùng miền và kích hoạt một cộng đồng toàn cầu với cam kết giải quyết các vấn đề liên quan đến ngành nước và trao quyền cho thế hệ trẻ lãnh đạo và định hình một tương lai mạnh mẽ hơn phát triển hơn cho ngành nước trong thời gian tới.
Nhân dịp Hội thảo này, ông Ngô Mạnh Hà trân trọng cảm ơn Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT), Cơ quan hợp tác ngành nước của Úc (AWP) cùng các đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế đã, đang và sẽ dành sự quan tâm hỗ trợ, hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực tài nguyên nước góp phần không nhỏ trong công cuộc bảo vệ nguồn tài nguyên hết sức quý báu này.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, các nhà khoa học trẻ đã được nghe đại diện Cục Quản lý tài nguyên nước chia sẻ về hiện trạng công tác quản lý tài nguyên nước tại Việt Nam và giới thiệu các thông tin, chính sách, thể chế pháp lý mới về quản lý tài nguyên nước; được tiếp cận các tư duy mới để giải quyết vấn đề trong lĩnh vực tài nguyên nước mà đã được áp dụng thành công ở một số quốc gia tiên tiến dưới sự hướng dẫn các chuyên gia nước ngoài.
Cùng với đó, các bạn trẻ được trực tiếp làm việc với các chuyên gia, trao đổi kinh nghiệm với các nhà lập chính sách, đồng thời đưa ra nhiều ý tưởng đổi mới đột phá, giải pháp cụ thể trong việc giải quyết thách thức ngành nước. Đây chính là những kinh nghiệm quý báu góp phần định hình chiến lược và chính sách để giải quyết các vấn đề về an ninh ngành nước, biến đổi khí hậu, thách thức môi trường thúc đẩy sự phát triển bền vững.