Sáng 15/6, Trường Đại học Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) tổ chức gặp mặt lãnh đạo, cựu viên chức, cựu học viên, sinh viên, doanh nghiệp và đối tác hướng tới kỷ niệm 60 năm thành lập nhà trường (1964-2024) đồng thời có những hiến kế giúp công tác đào tạo của trường ngày càng phát triển.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, GS.TS. Phạm Văn Điển – Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp giới thiệu lịch sử hình thành và phát triển của nhà trường. Theo đó, Trường Đại học Lâm nghiệp được thành lập ngày 19/8/1964. Giai đoạn từ 1964 đến 1984, Trường đặt trụ sở tại khu sơ tán Đông Triều (Quảng Ninh). Giai đoạn này Trường thực hiện nhiệm vụ đào tạo nhân lực bậc đại học cho ngành Lâm nghiệp, toàn trường có 3 khoa, đào tạo 4 ngành học trong lĩnh vực Lâm nghiệp.
Giai đoạn 1984 đến nay, Trường có trụ sở tại thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội. Với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao trong lĩnh vực lâm nghiệp, nông nghiệp và phát triển nông thôn…
Hiện nay, Trường Đại học Lâm nghiệp cũng đã thành lập 2 phân hiệu tại tỉnh Đồng Nai và Gia Lai.
GS.TS. Phạm Văn Điển khẳng định, trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Lâm nghiệp luôn giữ vững vị thế đầu ngành về lâm nghiệp. Đến nay, Trường đã đào tạo và cung cấp cho đất nước trên 60.000 kỹ sư và cử nhân, gần 6.500 thạc sĩ, trên 150 tiến sĩ và đào tạo cho nước bạn Lào, Campuchia trên 500 kỹ sư, thạc sĩ và tiến sĩ. Khối ngành về nông, lâm nghiệp, tài nguyên và môi trường chiếm lần lượt khoảng 50%, 20%, 60% đối với bậc đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.
Với triết lý giáo dục “thực tiễn – sáng tạo – trách nhiệm – hiệu quả”, GS.TS. Phạm Văn Điển cho biết, thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục mở rộng “không gian phát triển” cả về hình thức, nội dung và hội nhập.
Theo GS.TS. Phạm Văn Điển, để ôn lại truyền thống, tôn vinh các thành tựu 60 năm xây dựng và phát triển, tri ân và ghi nhận sự đóng góp của các thế hệ người học, viên chức, người lao động của nhà trường; kết nối các thế hệ sinh viên, học viên, đối tác cũng như quảng bá hình ảnh nhà trường với xã hội và bạn bè quốc tế, Trường Đại học Lâm nghiệp sẽ tổ chức lễ kỷ niệm vào ngày 16/11.
Bên cạnh buỗi lễ kỷ niệm 60 ngày thành lập, Trường cũng sẽ có chuỗi các hoạt động được tổ chức như: Hội trại thanh niên tại Trụ sở chính, các Phân hiệu Đồng Nai và Gia Lai; Triển lãm thành tựu ngành nông nghiệp; Hội thảo quốc tế và gặp mặt cựu giáo chức, sinh viên các Khoa, Viện…
Chia sẻ cảm nghĩ tại buổi gặp mặt, nhiều thế hệ giáo viên của nhà trường và cựu các sinh viên, học viên qua nhiều thế hệ không giấu được sự tự hào về ngôi trường với bề dày lịch sử, đã đào tạo ra nhiều cán bộ tài năng, góp phần xây dựng ngành lâm nghiệp nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung cho nước nhà.
Vinh dự khi là một trong 150 sinh viên được tham dự lễ khai giảng đầu tiên của Trường Đại học Lâm nghiệp tại Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, thầy Nguyễn Văn Tự – nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp bày tỏ phấn khởi khi được gặp gỡ lại những cựu học viên, sinh viên và thầy, cô giáo của Trường Đại học Lâm nghiệp qua các thời kỳ.
Sau khi tốt nghiệp ra trường, thầy Tự tiếp tục ở lại cống hiến hơn 30 năm sự nghiệp của mình tại Trường Đại học Lâm nghiệp, bởi vậy, bao sự đổi thay, thăng trầm của nhà trường thầy đều thấu hiểu. “60 năm hình thành và phát triển, nhà trường có những thời điểm khác nhau, tuy nhiên ngành lâm nghiệp thời nào cũng sinh ra hào kiệt. Rất nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp từ mái trường này đã làm đến những chức vụ rất cao ở Trung ương, tỉnh, huyện, góp phần vào xây dựng đất nước và của ngành lâm nghiệp”, thầy tự hào nói.
Tuy không phải là cựu sinh viên của Trường Đại học Lâm nghiệp, nhưng Nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hứa Đức Nhị cũng bày tỏ sự tự hào khi thời gian ông còn làm Thứ trưởng được giao phụ trách chỉ đạo ngành lâm nghiệp.
Ông Nhị cho biết, chính “cơ duyên” này đã cho ông có “tình yêu” với rừng và cho đến sau này, khi nghỉ chế độ, ông tiếp tục làm việc, cống hiến cho ngành lâm nghiệp với chức vụ Chủ tịch Hội Chủ rừng Việt Nam.
Theo ông Nhị, để Trường Đại học Lâm nghiệp phát triển bền vững phải có “định hướng nhất định”, xuất phát từ nhu cầu của người học và của xã hội, chứ không nên “chạy theo kinh tế thị trường”. Bên cạnh đó, nhà trường cần có hệ thống tổ chức ngành phù hợp hơn.
Là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp, ông Lê Quốc Khánh – Tổng Giám đốc Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam cho biết rất vui mừng khi được hợp tác với Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam trong hoạt động đào tạo. Đồng thời cho hay, doanh nghiệp sẵn sàng chào đón các sinh viên, học viên của nhà trường đến thực tập cũng như trao các suất học bổng cho sinh viên đạt thành tích cao trong học tập và hỗ trợ cơ sở vật chất cho nhà trường.
“Trường Đại học Lâm nghiệp là cơ sở đào tạo đầu ngành của cả nước về lâm nghiệp, bởi vậy, chúng tôi cam kết sẽ đồng hành, hỗ trợ nhà trường trong hoạt động đào tạo, ngoài kiến thức được học trong trường các em sinh viên có thể thực tập, trao dồi kiến thức thực tiễn tại môi trường làm việc của Công ty, góp phần giúp các em tự tin, yêu nghề, gắn bó với ngành”, ông Khánh chia sẻ.
Trong 60 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Lâm nghiệp đã xây dựng và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Chiến lược phát triển trường giai đoạn 2006 -2020, tầm nhìn đến năm 2030 và được điều chỉnh, bổ sung giai đoạn 2013 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Với những thành tựu đã đạt được, Trường Đại học Lâm nghiệp đã được tặng nhiều danh hiệu cao quý: Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới năm 2009; Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 2014, hạng Nhì năm 2004, hạng Ba năm 1994; Huân chương Lao động hạng Nhất năm 1989, hạng Ba năm 1984 và 1996; Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2006 cho Cơ sở 2; Cờ Thi đua của Chính phủ năm 2008. Trường cũng được Nhà nước CHDCND Lào tặng: Huân chương Tự do năm 1984; Huân chương Hữu nghị năm 2000. Trường còn được tặng cờ thi đua của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 1993; Bộ Quốc phòng năm 2000; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (năm 2003, 2007, 2013) và nhiều Bằng khen của các Bộ, Ban, Ngành, các đơn vị hành chính tỉnh, huyện…
Nguồn: https://danviet.vn/cac-chuyen-gia-hien-ke-nang-cao-chat-luong-dao-tao-nguon-nhan-luc-phuc-vu-nganh-lam-nghiep-20240615155045326.htm