Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng phát triển châu Á tại Việt Nam. Ảnh Báo Kiểm toán |
(PLVN) – Trả lời phỏng vấn Báo Pháp luật Việt Nam, ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng, những bất ổn của kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024. Vì vậy, các chính sách của Việt Nam cần chủ động, linh hoạt hơn nữa để có thể kích thích nhu cầu trong nước và cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh.
Xin ông cho biết những rủi ro cần chú ý đối với triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam năm 2024?
– Ông Nguyễn Bá Hùng: Trong báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á tháng 12/2023 vừa công bố mới đây, ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2024 ở mức 6,0%, với giả định sự phục hồi nhất định của khu vực bên ngoài, trong khi sự phục hồi trong nước có thể lấy lại đà so với năm 2023. Tuy nhiên, rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn tồn tại cả bên ngoài lẫn bên trong nền kinh tế.
Những đánh giá mới nhất của ADB cho thấy tăng trưởng kinh tế không đồng đều ở các nền kinh tế lớn trên thế giới, do đó tạo ra những bất ổn cho triển vọng của khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Khu vực Đông Nam Á dự kiến sẽ có mức tăng trưởng 4,3% trong năm 2023, giảm so với dự báo trước đây là 4,6%, và có thể đạt 4,7% năm 2024. Căng thẳng địa chính trị thế giới gia tăng sẽ tiếp tục gây áp lực lên thị trường hàng hóa toàn cầu, đồng thời dẫn đến sự xáo trộn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Như vậy có thể thấy lực cản mạnh đến từ suy thoái kinh tế toàn cầu và sụt giảm nhu cầu bên ngoài làm cho thương mại toàn cầu yếu đi, cản trở hoạt động sản xuất hướng đến xuất khẩu. Là nền kinh tế định hướng xuất khẩu và có độ mở lớn như Việt Nam, những yếu tố bất ổn từ bên ngoài sẽ ảnh hưởng nhiều đến thương mại và đầu tư của Việt Nam.
Ở trong nước, các vấn đề mang tính hệ thống liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công và những yếu kém về cơ cấu của nền kinh tế thực cũng là những rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Nói một cách rõ ràng hơn là các biện pháp tài chính và đầu tư công kém hiệu quả hơn do bị chậm trễ và khó khăn trong thực hiện dẫn đến kích thích nền kinh tế ít hơn mong đợi. Bên cạnh đó, lĩnh vực xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Khi sức cầu bên ngoài sụt giảm đáng kể thì kim ngạch của các doanh nghiệp trong nước chưa thể bù đắp phần giảm kim ngạch của các doanh nghiệp FDI.
Trong bối cảnh như vậy, những yếu tố chính mà nếu Việt Nam khai thác tốt có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng là gì, thưa ông?
– Ông Nguyễn Bá Hùng: Kinh tế toàn cầu năm 2024 được dự báo sẽ suy yếu, tăng trưởng chậm hơn so với năm 2023. Điều này có nghĩa là nhu cầu bên ngoài khó có thể phục hồi đáng kể, bất chấp những dấu hiệu tích cực gần đây. Những bất ổn của kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024. Vì vậy, các chính sách của Việt Nam cần chủ động, linh hoạt hơn nữa để có thể kích thích nhu cầu trong nước và cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh. Chúng tôi đánh giá cao việc điều hành chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ trong năm 2023 và tin rằng dựa trên những kinh nghiệm tích cực trong năm vừa qua, các chính sách tiền tệ và tài khóa sẽ tiếp tục được tăng cường và phối hợp chặt chẽ để việc thực thi đạt hiệu quả cao hơn.
Một vấn đề quan trọng mà Việt Nam nên cân nhắc là những lợi ích lâu dài của việc tăng cường đầu tư công, đặc biệt là nâng cấp và phát triển cơ sở hạ tầng có chất lượng. Trong ngắn hạn, giải ngân vốn đầu tư công sẽ thúc đẩy nhu cầu trong nước, từ đó sẽ giúp nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ hơn. Đà tăng trưởng có thể được bổ sung bằng những cải cách sâu rộng hơn nhằm cắt giảm các thủ tục quan liêu, đẩy nhanh các dịch vụ công và giảm bớt chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, thu hút nhiều hơn FDI. Những cải cách cơ cấu như vậy không những hỗ trợ nhiều hơn nữa quá trình phục hồi kinh tế mà sẽ góp phần cải thiện năng suất và giảm bớt những hạn chế về nguồn cung.
Trong dài hạn, việc thúc đẩy đầu tư công vào quá trình chuyển đổi năng lượng xanh cũng như cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế sẽ tạo động lực tăng trưởng bền vững hơn.
Xin trân trọng cảm ơn ông!