(MPI) – Chiều ngày 02/01/2025, tham dự và phát biểu tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên lần thứ tư diễn ra chiều ngày 02/01/2025, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó Chủ tịch Hội đồng điều phối Vùng cho biết, trong năm 2024 các chỉ tiêu về kinh tế, xã hội và môi trường của vùng Tây Nguyên đã đạt được một số kết quả; một số chỉ tiêu quan trọng của Vùng tăng so với thực hiện các năm trước.
Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành trung ương và địa phương.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu. Ảnh: Chinhphu.vn |
Trình bày Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội vùng Tây Nguyên và tình hình hoạt động của Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, tốc độ tăng GRDP của Vùng đạt 4,6%, quy mô GRDP đạt 484,6 nghìn tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt 78,5 triệu đồng/năm, tăng 16% so với năm 2023.
Cơ cấu kinh tế vùng chuyển dịch tập trung vào phát triển các thế mạnh của vùng là nông, lâm nghiệp và dịch vụ, tỷ trọng của 2 khu vực này trong năm 2024 đạt khá: nông, lâm nghiệp 37,2%, dịch vụ 37,15%.
Ước thực hiện thu NSNN trên địa bàn Vùng Tây Nguyên đạt 32.451 tỷ đồng, tăng 1,7% so với dự toán giao. 5/5 địa phương trong Vùng hoàn thành và hoàn thành vượt dự toán được giao.
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 70,6%. Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột có tiến độ thực hiện tốt và giải ngân hơn 96% kế hoạch năm. Toàn vùng có 26.833 doanh nghiệp đang hoạt động; Tổng vốn khu vực đầu tư nước ngoài đăng ký đạt 1,9 tỷ USD với 170 dự án.
Vùng có 362/589 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 61,5% số xã. Giảm tỷ lệ nghèo đạt mục tiêu 1,5%.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, bên cạnh những kết quả nêu trên, năm 2024 Vùng vẫn còn những tồn tại, khó khăn mang tính nội tại của Vùng như tốc độ tăng trưởng kinh tế của Vùng thấp và luôn thuộc nhóm thấp của cả nước, chưa đạt mức bình quân mục tiêu trong giai đoạn 2021-2030; GRDP bình quân đầu người vẫn ở mức thấp nhất trong 6 vùng kinh tế – xã hội; Tỷ lệ nghèo đa chiều còn cao (khoảng 10,2%), cao thứ hai cả nước; Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới còn thấp; Huy động nguồn vốn đầu tư phát triển còn hạn chế, nhất là đầu tư nước ngoài; Hệ thống hạ tầng giao thông, thông tin kết nối chưa đồng bộ; tiến độ chuẩn bị đầu tư một số công trình giao thông trọng điểm còn chậm; chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.
Nguyên nhân là ngoài yếu tố nội tại về quy mô kinh tế, dân số, khoảng cách địa lý xa các trung tâm phát triển, thì còn nguyên nhân khác là Vùng chưa khai thác được hết các tiềm năng lợi thế của mình nhất là về phát triển công nghiệp chế biến, bô xít, năng lượng tái tạo; dịch vụ du lịch. Các cơ chế chính sách ưu đãi, đặc thù nội trội cho vùng chưa được ban hành kịp thời.
Về một số nội dung hoạt động của Hội đồng Vùng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, kết hoạt động điều phối Vùng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, cụ thể như phát huy vai trò là đối mối điều phối các hoạt động liên kết vùng, giải quyết các vấn đề chung của Vùng; Tổ chức thảo luận và thông qua quy hoạch và kế hoạch thực hiện Quy hoạch Vùng trong năm 2024.
Liên kết hợp tác trong việc thực hiện, đề xuất các dự án quan trọng, liên vùng của Vùng như đối với 4 cao tốc đang thực hiện trên địa bàn Vùng hiện nay; Tăng cường kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Bắc Trung Bộ, tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư chung của Vùng.
Có 3/3 nhiệm vụ cụ thể của các Bộ đã được Chủ tịch Hội đồng Vùng giao tại Thông báo kế luận đều đã được triển khai, trong đó đã hoàn thành 2 nhiệm vụ là Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Vùng và Báo cáo rà soát chính sách đặc thù Vùng; còn 01 nhiệm vụ đang thực hiện là rà soát, xử lý vướng mắc về chồng lấn quy hoạch bô xít tại Đắk Nông và Lâm Đồng.
Thông qua ý kiến thảo luận của Hội đồng Vùng, ý kiến của các địa phương, nhiều cơ chế, chính sách đã được các Bộ, ngành tích cực nghiên cứu sửa đổi trình cấp có thẩm quyền ban hành như: Luật Đầu tư công sửa đổi, Luật sửa đổi 04 luật, Luật sửa đổi 9 Luật… theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa trình tự, thủ tục đúng theo tinh thần địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, bên cạnh các kết quả đã đạt được, một số nhiệm vụ đề ra trong kế hoạch hoạt động của Hội đồng Vùng còn thực hiện chậm so với yêu cầu. Tại Quyết định số 97 ngày 19/8/2024, Chủ tịch Hội đồng điều phối Vùng đã giao 17 nhiệm vụ cho các thành viên Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên thực hiện trong năm 2024, thì đến nay có 01 nhiệm vụ đã hoàn thành, 03 nhiệm vụ đã trình Thủ tướng Chính phủ, 10 nhiệm vụ đề xuất tiếp tục thực hiện trong năm 2025.
Tại Nghị quyết số 152 ngày 15/11/2022 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 23 ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chính phủ đã đề ra 19/23 nhiệm vụ, đề án cụ thể cần trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong các năm 2023, 2024, trong đó có 11 nhiệm vụ, đề án được các cơ quan chủ trì hoàn thành trình Thủ tướng Chính phủ, được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định; 08 nhiệm vụ chuyển sang tiếp tục thực hiện trong năm 2025.
Về nguyên nhân khách quan: Một số đề án có phạm vi rộng, mang tính định hướng phát triển dài hạn; một số vấn đề tồn tại lâu năm, cần có thời gian nghiên cứu, cần có ý kiến tham vấn của các tổ chức, nhà khoa học, chuyên gia có kinh nghiệm. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân chủ quan, sự phối hợp giữa các bộ, các địa phương còn chậm, sự vào cuộc chưa quyết liệt của các bộ, ngành và địa phương trong tổ chức triển khai, thực hiện.
Về một số dự án trọng điểm, có tính chất kết nối vùng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo chi tiết 10 dự án trọng điểm, liên kết vùng, trong đó đã báo cáo, phân tích đầy đủ những thuận lợi, khó khăn, tồn tại, hạn chế, cũng như đề xuất các giải pháp để tổ chức triển khai thực hiện. Do đó, đề nghị các Bộ, địa phương tiếp tục sớm hoàn thiện thủ tục đầu tư và đẩy nhanh tiến độ các dự án đang thi công, đã được bố trí vốn.
Trên cơ sở các kết quả đạt được trong năm qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất một số nội dung, giải pháp triển khai thực hiện trong thời gian tới nhằm tiếp tục triển khai các hoạt động của Hội đồng điều phối Vùng một cách thiết thực, hiệu quả, nâng cao vai trò điều phối, liên kết của Hội đồng điều phối Vùng, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các tỉnh, khắc phục các điểm nghẽn trong phát triển của Vùng.
Theo đó, các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ đã được giao tại kế hoạch hoạt động năm 2024 của Hội đồng điều phối Vùng và đề xuất các nhiệm vụ “trọng tâm và xứng tầm” để đưa vào Kế hoạch hoạt động Vùng năm 2025 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chủ tịch Hội đồng Vùng ban hành.
Tổ chức thực hiện tốt Quy hoạch và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Vùng và của từng địa phương. Tập trung nguồn lực thực hiện 06 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá đã đặt ra tại Quy hoạch vùng; chủ động xây dựng các nhiệm vụ, đề án trọng tâm có tính chất liên vùng như đã nêu trên để đưa vào Báo cáo chính trị phục vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh, thành phố và đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2026-2030 để tổ chức thực hiện.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu, rà soát, đề xuất cơ chế, chính sách pháp luật, chính sách đặc thù Vùng để tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động phát triển của vùng, nhất là các chính sách về đất đai, quản lý đất rừng, đất nông lâm trường, chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số, tái định cư. Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các Tổ công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rà soát, đề xuất tháo gỡ ngay các khó khăn, dự án vướng mắc để hoàn thành đúng tiến độ.
Các địa phương trong vùng tập trung tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả thực chất các Luật và Nghị quyết đã được Quốc hội thông qua, trong đó đẩy mạnh triển khai Luật Đất đai, Luật Đầu tư công sửa đổi, Luật sửa 4 Luật lĩnh vực Kế hoạch – Đầu tư và Luật sửa 9 Luật liên quan đến lĩnh vực Tài chính với nhiều cơ chế, chính sách đột phá với tư duy mới, phân cấp phân quyền triệt để cho địa phương. Bây giờ chỉ là khâu tổ chức thực hiện tại các địa phương.
Các Bộ, địa phương tập trung phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công năm 2025 và giải ngân số vốn đã được giao. Tỉnh Lâm Đồng tập trung hoàn thiện thủ tục đầu tư khởi công 2 dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương; Tỉnh Đắk Nông phối hợp chặt chẽ với tỉnh Bình Phước và Bộ Giao thông vận tải đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư khởi công cao tốc Chơn Thành – Gia Nghĩa. Đồng thời, đề nghị các địa phương cần bố trí đủ nguồn lực ngân sách địa phương ưu tiên bố trí cho 10 Dự án quan trọng, liên kết Vùng để tăng tốc, bứt phá, tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông liên kết vùng trong giai đoạn tới.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, trước yêu cầu và bối cảnh mới, nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, thịnh vượng, để đạt được mục tiêu này thì ngay trong năm 2025 các địa phương phải xây dựng ngay các kịch bản tăng trưởng và phấn đấu tăng trưởng hai con số theo đúng Công điện số 140/CĐ-TTg ngày 28/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phấn đấu tăng trưởng kinh tế hai con số năm 2025, trong đó tập trung hoàn thành cao nhất các mục tiêu đã đề ra, đồng thời đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới, phát huy hết các tiềm năng lợi thế để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các địa phương và cả nước./.
Nguồn: https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2025-1-2/Bo-truong-Nguyen-Chi-Dung-cac-chi-tieu-quan-trong-0lplpe.aspx