Nhanh chóng sơ cứu, xét nghiệm máu, tiêm vaccine… là các bước cần làm để bảo vệ sức khỏe khi nghi ngờ bị phơi nhiễm virus viêm gan B.
Bác sĩ, Tiến sĩ Vũ Trường Khanh (Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội) cho biết, viêm gan virus B có diễn biến thầm lặng, dấu hiệu nhận biết không rõ ràng nên khả năng lây chéo trong cộng đồng cao. Virus viêm gan B (HBV) sống rất lâu và dai dẳng, có thể tồn tại bên ngoài cơ thể khi máu đã khô đến 7 ngày.
Bất cứ ai đều có thể bị phơi nhiễm HBV khi có sự tiếp xúc giữa vùng da bị tổn thương hoặc niêm mạc (mắt, mũi, miệng) với máu, mô hay dịch tiết cơ thể (tinh dịch, dịch tiết âm đạo) của người bệnh qua quan hệ tình dục mà không có biện pháp phòng ngừa, sử dụng hoặc bị thương bởi các dụng cụ y tế không được tiệt trùng. Dùng chung dao cạo râu, bàn chải đánh răng, dụng cụ kiểm tra đường máu hoặc điều trị nha khoa, dịch vụ thẩm mỹ (làm nail, xăm hình, xỏ khuyên tai...) nếu sử dụng dụng cụ, máy móc không đảm bảo tiệt trùng cũng có thể làm lây lan bệnh.
HBV có thời gian ủ bệnh khoảng 3-6 tháng, tùy từng thể trạng, sau đó bắt đầu hoạt động và gây viêm gan virus B cấp tính. Nếu sau 6 tháng, cơ thể không thể tự miễn dịch với virus, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn mạn tính. Bệnh thường khởi phát với biểu hiện sốt nhẹ, chán ăn, khó tiêu, đầy bụng, rối loạn tiêu hóa, kéo dài từ vài tuần đến 6 tháng. Sau khoảng 7-10 ngày xuất hiện vàng da, người bệnh sẽ hết sốt. Tuy nhiên, theo bác sĩ Khanh, HBV chỉ bộc lộ triệu chứng ở khoảng 30-50% trường hợp. Nhiều người bệnh viêm gan virus B không có triệu chứng, nhưng vẫn có thể truyền virus sang người khác. Khi nghi ngờ phơi nhiễm HBV, bác sĩ gợi ý nhanh chóng thực hiện các bước sau:
Sơ cứu nhanh vùng bị phơi nhiễm
Cách sơ cứu xử trí vùng phơi nhiễm HBV khác nhau tùy thuộc vào loại phơi nhiễm và phương tiện phơi nhiễm (niêm mạc, vùng da nguyên vẹn hay da bị tổn thương).
Nếu là tổn thương do kim tiêm hoặc vật sắc nhọn, bạn nên rửa ngay vùng da bị tổn thương bằng xà phòng dưới vòi nước đang chảy; để máu ở vết thương tự chảy, không nặn hay bóp vết thương.
Nếu máu hoặc dịch cơ thể của người nghi nhiễm HBV bắn lên vùng da bị tổn thương, bạn cần rửa vùng da bị tổn thương ngay bằng xà phòng dưới vòi nước đang chảy. Tuyệt đối không cọ, chà xát hay bôi thuốc sát khuẩn khu vực bị tổn thương.
Nếu máu hoặc dịch cơ thể bắn vào mắt, bạn không nên dụi mắt mà cần xả nước nhẹ nhưng thật kỹ dưới dòng nước đang chảy hoặc nước muối sinh lý 0,9% vô khuẩn trong ít nhất 15 phút.
Nếu máu hoặc dịch cơ thể bắn vào miệng, mũi, bạn cần súc miệng bằng nước nhiều lần; xịt rửa mũi bằng nước muối sinh lý 0,9% vô khuẩn. Không nên đánh răng hoặc sử dụng các thuốc khử khuẩn.
Nếu máu hoặc dịch cơ thể bắn lên vùng da lành, bạn nên rửa khu vực bị vấy máu hoặc dịch bằng xà phòng dưới vòi nước đang chảy, không chà xát mạnh để tránh bị tổn thương.
Xét nghiệm máu
HBV có 3 loại kháng nguyên là HBsAg, HBeAg và HBcAg, tương ứng với 3 loại kháng thể anti-HBs, anti-HBc và anti-HBe. Sự hiện diện của các kháng nguyên, kháng thể này có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định bệnh, thể bệnh, diễn biến của bệnh. Sau khi thực hiện bước sơ cứu kể trên, bạn cần làm xét nghiệm máu để kiểm tra có sự hiện diện của HBV hay không sau khi phơi nhiễm 1-9 tuần. Thông thường, bác sĩ sẽ xem xét HBsAg và ALT. Bạn nên nhịn ăn trước khi làm xét nghiệm máu từ 4-6 tiếng và thực hiện xét nghiệm sau 6 tháng để đánh giá lại.
Điều trị dự phòng bằng vaccine, globulin miễn dịch viêm gan B
Globulin miễn dịch kháng viêm gan B (HBIG) thường được dùng để điều trị dự phòng ngay sau phơi nhiễm với máu hoặc dịch của người mắc viêm gan virus B. Chẳng hạn, trẻ sinh ra có mẹ có HBsAg dương tính, nhân viên y tế phơi nhiễm với máu của người bệnh, sau quan hệ tình dục với người mắc bệnh...
Theo Tiến sĩ Khanh, nếu xét nghiệm HBsAg cho kết quả âm tính có nghĩa là bạn không mắc bệnh. Tuy nhiên, bạn vẫn cần tiêm vaccine viêm gan virus B để ngăn ngừa nhiễm bệnh nếu xét nghiệm chưa có kháng thể (anti-HBs). Nếu từng tiêm vaccine, bạn nên kiểm tra kháng thể virus xem còn đủ mạnh hay không. Nếu mức kháng thể anti-HBs đạt trên 10 mIU/mL, nghĩa là bạn đã đạt mức miễn dịch bảo vệ, chưa cần tiêm tiếp vaccine hoặc HBIG.
Nếu chưa tiêm phòng, không chắc chắn đã tiêm hoặc chưa có miễn dịch bảo vệ, bạn cần tiêm một liều HBIG trong vòng 24 giờ đầu sau khi nghi ngờ bị phơi nhiễm (200-400 IU), đồng thời tiêm vaccine phòng viêm gan B tại một vị trí tiêm khác. Sau 14 ngày quan hệ tình dục với người bệnh viêm gan virus B hoặc sau 7 ngày phơi nhiễm HBV qua đường máu, truyền từ mẹ sang con mới tiêm HBIG sẽ không còn hiệu quả ngừa nhiễm bệnh.
Bạn cần tiêm đủ 3 liều vaccine trong vòng 6 tháng sau theo lịch chỉ định của bác sĩ. Nếu có tiền sử không đáp ứng với vaccine viêm gan virus B, bạn cần tiêm thêm một liều HBIG vào tháng tiếp theo.
Chủ động đề phòng lây nhiễm trong cộng đồng
Khi nghi ngờ phơi nhiễm HBV, bạn nên chủ động hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người khác, nhất là khi có vết thương hở. Nam, nữ nên quan hệ tình dục an toàn bằng cách sử dụng bao cao su; không dùng chung các đồ dùng sinh hoạt như bàn chải đánh răng, dao cạo râu, bấm móng tay... để tránh lây nhiễm. Nếu đang mang thai hoặc có ý định mang thai, phụ nữ nên thông báo với bác sĩ để có phương án dự phòng lây nhiễm từ mẹ sang con.
Tiến sĩ Khanh cho biết, thai phụ bị viêm gan virus B có tỷ lệ lây nhiễm HBV cho thai nhi cao, tăng dần từ lúc mang thai cho đến khi sinh. Tỷ lệ lây nhiễm trong 3 tháng cuối tăng lên 60-70%. Nguy cơ trẻ sơ sinh nhiễm bệnh lên đến 90% nếu không có biện pháp bảo vệ kịp thời ngay sau sinh. Khoảng 50% số trẻ này có thể bị viêm gan virus B mạn tính, nguy cơ hình thành xơ gan khi trưởng thành.
Tuân thủ lộ trình điều trị
Tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ như tái khám đúng lịch, dùng thuốc đúng chỉ định, kết hợp xây dựng chế độ sinh hoạt lành mạnh, ăn uống khoa học có thể khống chế được virus gây bệnh, cải thiện hệ miễn dịch. Người phơi nhiễm HBV nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách có thể tiến triển thành viêm gan virus B cấp và nguy cơ cao trở thành mạn tính nếu phơi nhiễm khi đã ở tuổi trưởng thành, có thể dẫn đến xơ gan hoặc ung thư gan.
Trịnh Mai
Source link
Bình luận (0)