Thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, trước tình trạng thiếu máu ở các bệnh viện miền Tây – Đồng bằng sông Cửu Long và cũng là lần đầu tiên khu vực này gặp phải tình trạng trên, ngay khi nhận được công văn của Viện huyết học truyền máu Cần Thơ (Cần Thơ), ông Nguyễn Tri Thức – Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đã có chỉ đạo Trung tâm Truyền máu (TTTM) hỗ trợ cho Cần Thơ.
Từ tháng 4 và tháng 5/2023, TTTM Bệnh viện Chợ Rẫy đã hỗ trợ cho Cần Thơ 4000 đơn vị máu thành phẩm.
Số lượng máu này được trích từ 2% số lượng máu dự trữ để ứng phó thiên tai, thảm họa.
Dựa theo yêu cầu cung cấp của Cần Thơ, dự kiến trong tháng 6, 7 và 8, Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ tiếp tục cung ứng 1000 đơn vị máu mỗi tháng.
Thông thường, mỗi năm, trung tâm đều có sự chuẩn bị về hóa chất – vật tư, nguồn nhân lực đủ để phục vụ cho Bệnh viện Chợ Rẫy và khu vực miền Đông Nam Bộ.
Mỗi tháng, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận được khoảng 13.000 – 15.000 đơn vị máu. Tuy nhiên, trong giai đoạn hè, vì các yếu tố khách quan, lượng máu tiếp nhận chỉ được khoảng 80%.
Số lượng này đủ để cung cấp cho miền Đông Nam Bộ và ngoài ra còn phải đảm bảo 2% chế phẩm máu dự phòng để xử lý trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa.
Do đó, trong tình huống khẩn cấp của Cần Thơ, Bệnh viện Chợ Rẫy đang trích phần dự trữ này để hỗ trợ.
Về số lượng tiểu cầu, hiện nay, TTTM đã đáp ứng được 27/34 khối tiểu cầu cho Cần Thơ (20 khối tiểu cầu vừa chuyển xuống cho Cần Thơ vào sáng ngày 8/6). Đây là sự cố gắng rất nhiều của TTTM, do trung bình một ngày đơn vị chỉ sản xuất được tối đa 60-65 khối tiểu cầu, trong khi đó, nhu cầu sử dụng tại Bệnh viện Chợ Rẫy khoảng 50 khối/ngày.
Hiện tại, khả năng tiếp nhận của TTTM vẫn duy trì theo thông báo cung ứng trước cho Cần Thơ là mỗi tháng 1.000 đơn vị máu, riêng về tiểu cầu do có 1 số quy định nghiêm ngặt về thời hạn sử dụng nên việc điều phối, cung ứng cũng gặp khó khăn. Tuy nhiên, trong trường hợp Cần Thơ cần gấp hồng cầu lắng, tiểu cầu, TTTM Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn sẽ cố gắng điều phối và hỗ trợ.