Với đặc điểm nóng ẩm của mùa hè là thời điểm thuận lợi của nhiều loại vi trùng sinh sôi và phát tán; hệ miễn dịch và sức đề kháng của trẻ còn kém, cộng thêm sự hiếu động trong các trò chơi nên rất dễ mắc nhiều loại bệnh như tiêu chảy cấp, tay chân miệng, sốt xuất huyết, rôm sảy, viêm đường hô hấp, viêm não do siêu vi, rối loạn tiêu hóa do ngộ độc thực phẩm… Do đó, cha mẹ cần lưu ý và biết cách phòng ngừa, bảo vệ trẻ.
Theo thống kê tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang, chỉ riêng trong tháng 4-2023, thời điểm bước vào mùa nắng nóng đã có gần 2.000 trẻ đến khám ngoại trú, điều trị các bệnh có liên quan thời tiết và có khoảng 300 trẻ nhập viện điều trị nội trú dài ngày.
Thăm khám trẻ nhập viện điều trị bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang. |
VIÊM NÃO NHẬT BẢN B
Viêm não Nhật Bản là căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao và để lại nhiều biến chứng nguy hiểm nhất ở trẻ em. Vi rút gây bệnh được muỗi truyền từ động vật sang người. Biểu hiện thường gặp là sốt cao, đau đầu, nôn ói, rối loạn tri giác, co giật rồi đi vào hôn mê nhanh chóng; một số trường hợp có biểu hiện liệt thần kinh… Khi trẻ có những biểu hiện trên, cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị nhằm hạn chế tỷ lệ tử vong và di chứng sau này.
BỆNH TAY CHÂN MIỆNG
Thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, chủ yếu do vi rút Coxackie A16 và Enterovirus 71 gây ra với biểu hiện điển hình loét miệng, sẩn ban, bóng nước ở vị trí đặc biệt dễ nhận thấy như lòng bàn tay, bàn chân, mông, khuỷu tay, đầu gối…Vi rút lây qua đường ăn uống, đường hô hấp. Bệnh tay chân miệng thường diễn tiến lành tính, tuy nhiên khi trẻ sốt cao, nôn ói, co giật, giật mình, chới với, ăn uống kém, ngủ bất thường, có những biểu hiện cử động bất thường thì nhanh chóng cho trẻ nhập viện nhằm phát hiện sớm những biến chứng nặng như viêm não, màng não, viêm cơ tim, viêm phổi, phù phổi…
SỐT XUẤT HUYẾT DENGUE
Sốt xuất huyết Dengue là bệnh nhiễm trùng cấp tính gây ra do vi rút Dengue. Muỗi vằn hút máu người bệnh rồi chích, truyền vi rút Dengue sang trẻ, gây bệnh sốt xuất huyết Dengue. Khi trẻ bị sốt cao đột ngột, liên tục 2 ngày trở lên, nổi chấm đỏ ở da, bầm da, chảy máu mũi, máu răng, đau bụng, ói có máu, tiêu phân đen…phụ huynh nên đưa trẻ vào bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và làm xét nghiệm máu kiểm tra.
TIÊU CHẢY CẤP
Nắng nóng làm cho thức ăn dễ bị hư thiu, môi trường ô nhiễm làm phát tán mầm bệnh tiêu chảy, trong khi trẻ thì khát nước nên dễ uống những loại nước giải khát không đảm bảo vệ sinh… Đây là những yếu tố dẫn đến trẻ bị tiêu chảy cấp. Khi trẻ bị tiêu chảy cấp, phụ huynh nên nhanh chóng bù nước điện giải bằng đường uống dung dịch Oresol (nước biển khô) có bán tại các nhà thuốc, dễ sử dụng và rất hiệu quả; truyền dịch chỉ thực hiện khi mất nước nặng, trẻ nôn nhiều, không thể uống được hoặc đi ngoài rất nhiều, không thể bù kịp bằng đường uống. Việc sử dụng kháng sinh và các men tiêu hóa, men vi sinh cần phải theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc cầm tiêu chảy.
BỆNH NGOÀI DA
Bệnh ngoài da hay gặp nhất là rôm sảy. Thương tổn là các sẩn màu đỏ hồng, có mụn nước nhỏ, đôi khi có mụn mủ trắng xen lẫn. Da của trẻ bị viêm nên thường có cảm giác bứt rứt khó chịu, ngứa và quấy khóc, thông thường rôm sảy có thể tự khỏi nhưng cũng có một số trường hợp phải được điều trị. Xử trí rôm sảy chỉ đơn giản là tắm rửa sạch sẽ bằng xà phòng có độ pH phù hợp hay dung dịch thuốc tím pha loãng nhằm thông các ống thoát đổ ra ngoài của các tuyến trên bề mặt da. Khi trẻ bị rôm sảy, nhiều bậc phụ huynh cũng có thói quen dùng phấn rôm xoa ngoài da trẻ để không bị ẩm ướt do nhiều mồ hôi. Tuy nhiên, việc lạm dụng phấn rôm có thể gây những tác hại khó ngờ khi hít phải bụi phấn rôm, trẻ sẽ bị ho, khó thở, nôn và có thể tím tái, phù phổi.
QUAI BỊ – SỞI – RUBELLA
Là 3 loại bệnh gây ra bởi vi rút và rất dễ lây lan. Trẻ có thể bị mắc bệnh khi tiếp xúc với dịch tiết bắn ra khi người bệnh ho, hắt hơi, nhảy mũi. Với 3 loại bệnh này, hầu hết trẻ khi mắc bệnh đều hồi phục hoàn toàn sau một thời gian, nhưng ở trẻ có sức đề kháng kém hoặc mắc phải vi rút có độc lực cao, bệnh có thể diễn tiến nặng gây ra nhiều biến chứng nặng cho trẻ như: Sởi có thể gây viêm phổi, tiêu chảy, suy dinh dưỡng nặng…; quai bị có thể gây vô sinh về sau, viêm màng não, viêm tuỵ…; rubella bẩm sinh sẽ có dị tật như: điếc, mù, tim bẩm sinh… Ngày nay, cả 3 bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng một mũi vắc xin kết hợp.
NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM
Đặc trưng của mùa hè là có nhiệt độ cao, độ ẩm lớn. Môi trường này dễ làm cho thức ăn bị hư, ôi thiu nếu không bảo quản cẩn thận thì rất thuận lợi cho sự phát triển của các loại vi trùng dẫn tới nhiễm trùng, nhiễm độc thức ăn. Vì vậy, tình trạng ngộ độc thực phẩm dễ gặp nhất ở những trẻ thích ăn uống vỉa hè, lề đường… không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi bị ngộ độc thực phẩm, trẻ thường có những biểu hiện chóng mặt, nôn mửa, tiêu chảy, sốt, đau quặn bụng… Các triệu chứng này có thể kéo dài tới 2 ngày, khi có các biểu hiện nặng của ngộ độc thực phẩm cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
TS.BS ĐỖ QUANG THÀNH
.