Cách đây 2 – 3 thập niên, báo giới còn hào hứng loan tin về sự xuất hiện của một cầu thủ sinh ra ở một nước nhưng khoác áo đội tuyển một nước khác tại châu Âu. Bây giờ đấy là tình trạng toàn cầu, vì xã hội hiện đã khác hẳn.
Bức tranh xã hội đầy màu sắc
Vào năm 2010, Tổng thống Đức Christian Wulff đã trao tặng “Lá nguyệt quế bạc” (Silver Laurel Leaf Award) cho các thành viên đội tuyển Đức. Đó là phần thưởng cao quý nhất trong lĩnh vực thể thao của nước Đức, chỉ dành cho những ai có chiến tích tuyệt vời.
Năm ấy, Đức đoạt hạng ba World Cup. Trong 14 lần tham dự World Cup trước đó, Đức đã vô địch 3 lần, về nhì 4 lần. Vậy hạng ba World Cup 2010 thì có gì xuất sắc đến mức phải tặng huân chương đặc biệt? Cả Tổng thống Wulff lẫn Thủ tướng Angela Merkel khi ấy đều giải thích trên mặt báo: “Đội Đức “này” chính là tấm gương phản ánh chuẩn xác một xã hội Đức đa màu sắc, đa văn hóa”!
Trong danh sách đội Đức dự World Cup 2010, có đến một nửa là các cầu thủ gốc Tunisia, Thổ Nhĩ Kỳ, Nigeria, Ba Lan, Brazil, Ghana, Bosnia, Tây Ban Nha. Đặc biệt, Jerome Boateng (Đức) và người anh ruột Kevin-Prince Boateng (Ghana) đã trở thành cặp anh em đầu tiên trong lịch sử trực tiếp đối đầu nhau trên sân cỏ World Cup (năm 2010).
Đáng lẽ kỷ lục tương tự đã xuất hiện sớm hơn, và không thuộc về anh em nhà Boateng. Trước thềm World Cup 2006, cả làng bóng Hà Lan trông ngóng kết quả xin nhập tịch của tài năng trẻ Salomon Kalou (người Bờ Biển Ngà). Nhưng Bộ trưởng Bộ Di trú Hà Lan Rita Verdonk khước từ mọi sự thỉnh cầu, tuyên bố Salomon Kalou phải đáp ứng mọi yêu cầu và có đủ thời gian quy định mới được cấp hộ chiếu Hà Lan.
Khi ấy, anh ruột của Salomon là Bonaventure Kalou khoác áo Bờ Biển Ngà – đội cùng bảng với Hà Lan tại VCK World Cup 2006. Vì Salomon Kalou không kịp gia nhập quốc tịch Hà Lan nên không được dự World Cup. Anh bỏ Feyenoord, chuyển sang Chelsea và 1 năm sau thì gia nhập đội tuyển Bờ Biển Ngà.
Câu chuyện về Salomon Kalou và các tuyển thủ Đức cho thấy: đôi khi đó là vấn đề xã hội, chính trị, hơn là vấn đề bóng đá. Mỗi nơi mỗi khác, thậm chí ở một nơi nhưng khác thời điểm thì cũng khác. Tất cả tạo thành một bức tranh đa dạng màu sắc.
Những trường hợp điển hình
Hà Lan (trong nhiệm kỳ của bà Bộ trưởng Di trú Rita Verdonk) quyết không ưu tiên cho Salomon Kalou nhanh chóng nhập tịch để khoác áo đội tuyển, nhưng trong các thập niên 1980-1990 thì bóng đá Hà Lan “cất cánh” nhờ sự xuất hiện đồng loạt của các cầu thủ sinh ra tại Surinam hoặc có nguồn gốc nước này. Surinam là thuộc địa cũ của Hà Lan, tuyên bố độc lập vào năm 1975.
Từng vào chung kết World Cup 2 lần liên tiếp (1974, 1978), nhưng đội tuyển Hà Lan lập tức “về vị trí cũ” sau khi chia tay thế hệ của Johan Cruyff, Johan Neeskens, liên tục vắng bóng ở các giải lớn. Chỉ đến khi Ruud Gullit và Frank Rijkaard xuất hiện thì đội tuyển Hà Lan, với những nét chuyên môn khác hẳn trước đó, mới lại bay bổng. Hà Lan vô địch EURO 1988 và kể từ đó không bao giờ trở về đẳng cấp tầm thường như trước nữa. Gullit và Rijkaard chính là thế hệ cầu thủ gốc Surinam đầu tiên trong đội tuyển Hà Lan. Sau họ là Patrick Kluivert, Clarence Seedorf, Edgar Davids, Michael Reiziger, Winston Bogarde… Từ thời Gullit đến tận bây giờ, chưa bao giờ đội tuyển Hà Lan thiếu vắng cầu thủ mang dòng máu Surinam.
Nhưng không phải Hà Lan, mà Pháp mới là nền bóng đá có mối quan hệ xã hội chặt chẽ nhất với các thuộc địa cũ. Thành phần vô địch World Cup 1998 của Pháp gồm toàn các hảo thủ có nguồn gốc hoặc sinh ra tại Senegal (Patrick Vieira), Ghana (Marcel Desailly), Algeria (Zinedine Zidane), Guadeloupe (Thierry Henry, Bernard Diomede, Lilian Thuram), New Caledonia (Christian Karembeu)… Chức vô địch World Cup mà họ đem về năm 1998 được xem là thắng lợi to lớn cho cả nước Pháp lẫn châu Âu, bởi khi ấy chủ nghĩa cực hữu của nhân vật Jean-Marie Le Pen (“hãy trả lại đội tuyển Pháp cho người Pháp”) đang có chiều hướng phát triển, đe dọa tính ổn định về chính trị, xã hội của cả châu Âu.
Ở chiều hướng ngược lại là Senegal trong lần đầu tiên tham dự World Cup (2002). Không chỉ gây bất ngờ bằng việc thắng ĐKVĐ Pháp ngay trận khai mạc, Senegal còn vào tận tứ kết. Danh sách đội Senegal khi ấy gồm đến 21/23 cầu thủ đang thi đấu tại Pháp, nhiều người thậm chí chưa từng trở về Senegal, trừ việc khoác áo đội tuyển. Họ là “cầu thủ Pháp”, hơn là “cầu thủ Senegal”. Nhưng tất nhiên, họ đều đủ tư cách về mặt giấy tờ và nghiễm nhiên khoác áo đội Senegal theo luật định.
TRỞ THÀNH CÂU CHUYỆN TOÀN CẦU
Thụy Sĩ chưa bao giờ có thuộc địa. Nhưng tại EURO 2024 vừa qua, đội tuyển Thụy Sĩ có 3 cầu thủ gốc Albania và các cầu thủ gốc Hy Lạp, Tây Ban Nha, Chile, Thổ Nhĩ Kỳ, Tunisia, CH Dominique, Cameroon, Nigeria, Ghana, Senegal, Nam Sudan, CHDC Congo. Đấy là hệ quả của trào lưu di dân trong vài thập niên gần đây. Cũng với nguyên nhân tương tự, nhưng theo chiều hướng ngược lại, có đến 18 cầu thủ sinh ra ở nước ngoài nhưng vẫn khoác áo đội tuyển Albania tại EURO 2024.
Trong thập niên 1990, báo chí còn hào hứng viết về Donato, chỉ bởi anh là cầu thủ gốc Brazil nhưng khoác áo đội Tây Ban Nha tại EURO 1996, hoặc vì sao cầu thủ gốc Nigeria Emmanuele Olisadebe lại xuất hiện trong đội tuyển Ba Lan tại World Cup 2002? Bây giờ, hầu như không còn đội tuyển nào quay lưng với nguồn cầu thủ đến từ bên ngoài nền bóng đá của họ nữa. Ngay cả đội tuyển Brazil còn có Andreas Pereira (sinh ra tại Bỉ, lớn lên và chơi bóng chủ yếu ở châu Âu, chỉ có bố là người Brazil), hoặc Đức (tại EURO 2024) có cầu thủ Waldemar Anton sinh ra ở tận… Uzbekistan! (còn tiếp)
Nguồn: https://thanhnien.vn/ca-the-gioi-dang-dung-cau-thu-nhap-tich-185241001004328584.htm