Ngày 29-3, dưới bài viết Người già chê người trẻ hát nhạc Trịnh Công Sơn, người trẻ không nghe nổi Khánh Ly, Bảo Yến và một vài diễn đàn khác, độc giả tiếp tục để lại rất nhiều bình luận cho rằng chỉ có Thái Thanh, Khánh Ly, Lệ Thu, Bảo Yến, Ngọc Lan, Trịnh Vĩnh Trinh, Tuấn Ngọc, Sĩ Phú… hát hay.
Khán giả liệt kê thêm lứa kế cận hát hay như Cẩm Vân, Nguyễn Lệ Thu, Nhã Phương, Họa My, Thanh Lan…
Hồng Nhung, Tùng Dương, Hà Trần, Lân Nhã… được điểm trong danh sách “nghe được”.
Còn lứa ca sĩ trẻ sau này, đặc biệt các nghệ sĩ gen Z hát nhạc Trịnh thì “phát khiếp”.
Riêng Thanh Lam và Lệ Quyên, không thuộc danh sách trẻ nhưng cũng khiến khán giả “hoảng hốt”.
Thành danh cũng bị soi
* Không nhiều thì ít, thời nào mà chẳng có nghệ sĩ trẻ hát nhạc Trịnh, nhưng vì sao lại là thời điểm này để gia đình đưa ra quan điểm “chuyển giao”, thưa bà?
– Dù muốn hay không, ta cũng phải nhìn ra một thế hệ thành danh với nhạc Trịnh đang dần từ giã sân khấu. Trong số đó, có những người đã mất rồi. Tôi ví dụ chị Thái Thanh, Lệ Thu, Ngọc Lan…
Đây là điều khiến gia đình trăn trở bao lâu nay. Không lẽ nhạc Trịnh chỉ dừng lại đó?
Trong mấy năm gần đây, thay vì chuộng nhạc K-pop và Âu Mỹ, các bạn trẻ có xu hướng quay về nghe nhạc Việt Nam nhiều hơn.
Thời gian qua cũng có khá nhiều bạn trẻ hát nhạc Trịnh.
Tôi chưa vội nói hay hoặc dở nhưng rõ ràng, đó là những tín hiệu đáng mừng.
* Gia đình ấn tượng với nghệ sĩ trẻ nào nhất?
– Vài năm trước là Hà Lê và dự án Trịnh Contemporary. Tôi vẫn còn nhớ lần đầu tiên Hà Lê đến thăm gia đình. Bạn ấy rất hồi hộp khi mở những bài nhạc Trịnh mà mình hát ra, chờ phản ứng của các thành viên trong gia đình.
Chị Diệu (nhà thiết kế Trịnh Hoàng Diệu) vốn là người “khó tính” nhất nhà, thế mà nghe xong chị “wow” vì bất ngờ và thích thú.
Mới đây nhất, có thể kể đến nhà sản xuất Onionn, Tùng Leo. Tôi đã gặp các em nhiều lần và phải nói đó là những buổi gặp thú vị.
* Các bạn trẻ hát thường bị chê “phá nát” nhạc Trịnh. Vì sao các bạn trẻ dễ bị soi, dễ bị chỉ trích?
– Không cứ là nghệ sĩ trẻ mà nghệ sĩ thành danh cũng bị soi. Chẳng hạn, gần đây nhất, khán giả bắt lỗi ca sĩ Mỹ Linh hát sai lời. Tôi nghĩ, tất cả chỉ trích, góp ý đều xuất phát từ tình yêu với nhạc Trịnh. Phải yêu lắm mới soi, mới bắt lỗi, mới lên tiếng chỉ trích dù chỉ là một lỗi nhỏ.
Tuy nhiên có những sự sai mà chúng ta có thể thể tất được. Mỹ Linh hay một số ca sĩ khác hát sai lời, có khi không xuất phát từ bản thân họ mà do nhiều nguyên nhân khác (chẳng hạn bắt nguồn từ tập nhạc hoặc cuốn sách nào đó in sai lời cũng nên).
Mỗi một thế hệ yêu nhạc Trịnh theo cách riêng của mình. Rất khó để thay đổi quan điểm đã được định hình, nhất là thế hệ lớn tuổi. Họ muốn “bảo vệ” nhạc Trịnh theo cách mà họ nghĩ hay nhất, đúng nhất. Gia đình rất trân trọng và tôn trọng suy nghĩ của họ.
Cho đời chút ơn | Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn | Trịnh Vĩnh Trinh hát
Tre già thì măng mọc thôi
* Có nhiều ý kiến cho rằng vấn đề nằm ở người trẻ hiện nay quá chú trọng tới yếu tố kĩ thuật thay vì tinh thần, tư tưởng của âm nhạc Trịnh Công Sơn. Điều họ nói đâu phải vô lí hoàn toàn, thưa bà?
– Đúng vậy. Có một số ca sĩ trẻ sở hữu kĩ thuật thanh nhạc tốt nhưng hát chưa thành công vì họ chưa thực sự bước vào hoặc cảm được không gian, tinh thần âm nhạc Trịnh Công Sơn.
Nhưng cũng có những người làm ruộng, họ không được học nhạc bài bản nhưng họ hát nghe rất cảm động, rất hay. Vì sao vậy?
Vì nhạc của anh Sơn gần gũi với mọi lớp người, bất cứ ai cũng nhìn thấy thấp thoáng bóng dáng tâm hồn mình trong đó.
Họ hát nhạc Trịnh, đồng thời cũng là hát lên nỗi lòng của mình.
* Cách đây không lâu có dự án âm nhạc Gen Z và Trịnh quy tụ các nghệ sĩ gen Z được yêu thích hiện nay như Mỹ Anh, Juky San, Kiên Trịnh, Hoàng Duyên, Obito và Hoàng Dũng. Bà nghe “được” không?
– Tôi có nghe hết. Về cá nhân, tôi thấy các em hát lạ và tôi tôn trọng.
Đó là một thế hệ hoàn toàn khác biệt với thế hệ của chúng tôi. Các bạn có quyền biểu đạt nhạc Trịnh theo cách mà các bạn ấy nghĩ. Miễn sao đừng đi quá giới hạn tới mức bóp méo, làm sai lệch ca từ nhạc Trịnh là được.
Tôi rất thích câu trả lời của nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn trong bài viết trên báo Tuổi Trẻ ngày 29-3.
Rằng: “Những gì các em làm chưa chắc đã sai. Ta không chấp nhận, không nghe nổi, không có nghĩa các em dở. Nếu không chấp nhận thì cũng đừng vội đánh giá và ném đá”.
Và Trần Mạnh Tuấn đúng, ta nên nên mừng vì các em, các cháu còn nghe, còn muốn làm mới nhạc Trịnh; không có ai nghe và làm mới mới là điều đáng buồn.
Điều đó nhắc nhở ta rằng, đừng nên định kiến quá. Và ai hay ai dở, thời gian sẽ trả lời tất cả.
KIÊN – diễm xưa (GEN Z VÀ TRỊNH – lấy cảm hứng từ Trịnh Công Sơn & Em Và Trịnh)
*Lúc còn sống, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đón nhận các ca sĩ trẻ đến với âm nhạc của ông ra sao? Ông từng nói gì về điều này không?
– Anh Sơn lúc nào cũng thích và tôn trọng những cái mới mẻ. Dù ở lứa tuổi nào.
Trần Mạnh Tuấn, Quang Dũng, Hồng Nhung và nhiều ca sỹ khác cũng đến với anh Sơn khi còn rất trẻ.
Chính vì thế, tôi và gia đình đã và đang duy trì những hoạt động như gặp gỡ, khuyến khích các ca sỹ trẻ, góp chút ý kiến cho các em hiểu thêm nhạc Trịnh.
Như anh Sơn đã từng nói với một danh ca rất gần gũi với nhạc Trịnh: “Tre già thì măng mọc thôi”…
* Cảm ơn ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh.