Châu Nhật Tín là gương mặt quen thuộc của khán giả học sinh, sinh viên khi thực hiện các chương trình “Sân khấu học đường”, quảng bá ca khúc viết về sử Việt và TP HCM.
* Phóng viên: Vì sao anh đặt tên ca khúc là “Yêu thành phố, viết sử ca”?
– CHÂU NHẬT TÍN: Tôi sinh ra và lớn lên tại Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, tôi đến TP HCM học tập và gắn bó với nơi này. Tôi nghĩ nhiều thế hệ đã viết lên những trang sử oanh liệt về TP HCM, mình là người trẻ, là công dân của thành phố mang tên Bác, nên phải có trách nhiệm viết tiếp những trang sử hào hùng của thành phố này. Do vậy mà ca khúc “Yêu thành phố, viết sử ca” ra đời.
* Thế mạnh của anh là viết nhạc trẻ, nên anh có đưa vào ca khúc “Yêu thành phố, viết sử ca” những đoạn rap. Theo anh, xu hướng này có phù hợp?
– Tuổi trẻ hiện nay thích rap. Song việc đưa hình tượng những anh hùng dân tộc vào rap là một thử thách lớn, càng khó hơn khi viết về một chủ đề ca ngợi thành phố của chúng ta. Xu hướng thích rap của giới trẻ là động lực để tôi viết rap trong ca khúc này và tôi kỳ vọng sẽ được các bạn trẻ đón nhận.
* Là một diễn viên kịch, lại sáng tác được ca khúc, anh có nghĩ sẽ viết nhạc kịch về TP HCM?
– Nhóm chúng tôi còn có nhiều ca sĩ cũng thích nhạc kịch, nên chúng tôi sẽ sớm sáng tác nhạc kịch về câu chuyện nghĩa tình của người TP HCM. Dù đời sống vẫn còn khó khăn, vất vả nhưng mỗi khi đồng bào miền Trung, miền Bắc… bị thiên tai là người dân TP HCM luôn đi đầu trong công tác cứu trợ. Tôi sẽ viết câu chuyện nghĩa tình này thành một kịch bản nhạc kịch để chúng tôi vừa hát, vừa nhảy múa nhằm lan tỏa hình ảnh đẹp này đến số đông khán giả trẻ.
* Anh có nghĩ sức lan tỏa từ những ca khúc viết về TP HCM sẽ giúp thế hệ trẻ hăng say học tập, lao động, góp phần xây dựng TP HCM ngày càng phồn vinh?
– Đó là điều không riêng tôi mong mỏi, mà bất cứ nhạc sĩ nào khi tham gia cuộc vận động sáng tác ca khúc mang chủ đề “Đất nước trọn niềm vui” do Báo Người Lao Động tổ chức cũng đều hướng tới. Tôi thích câu hát của nhạc sĩ Vũ Hoàng trong ca khúc “Khát vọng tuổi trẻ”: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay…”.
* Anh có góp ý với Ban tổ chức cuộc vận động điều gì để đạt hiệu quả tốt nhất?
– Tôi nghĩ thế mạnh của Báo Người Lao Động là có được sự ủng hộ của số đông bạn đọc, công chúng. Giải Mai Vàng đã bước vào tuổi 30, một số ca khúc của cuộc vận động sẽ được chọn để quảng bá thì chưa đủ. Tôi nghĩ sau đó ca sĩ, nghệ sĩ đoạt Giải Mai Vàng có thể tiếp tục đồng hành với Ban tổ chức, biểu diễn tại nhiều địa phương, cộng đồng cư dân ở khắp nơi, qua đó nhân rộng những ca khúc của cuộc vận động rất ý nghĩa này trong năm 2025.
Cuộc vận động sáng tác ca khúc “Đất nước trọn niềm vui” do Báo Người Lao Động tổ chức nhằm chào mừng, kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 – 30.4.2025). Tính đến nay BTC đã nhận được 68 ca khúc của 49 tác giả trên mọi miền đất nước gửi bài về tham dự.
Để cuộc vận động tiếp tục nhận được sự hưởng ứng của các nhạc sĩ, đồng thời làm căn cứ để Ban Tổ chức xét chọn tác phẩm xuất sắc nhất, Báo Người Lao Động mở cuộc bình chọn tác giả có tác phẩm được bạn đọc yêu thích nhất.
BTC sẽ chọn ra 20 tác phẩm xuất sắc vào vòng chung kết. Vòng chung khảo sẽ diễn ra vào tháng 2-2025, trong thời gian nhận tác phẩm, sàng lọc sơ khảo, BTC sẽ chọn những tác phẩm hay để dàn dựng, giới thiệu trong Lễ trao Giải Mai Vàng lần thứ 30 (dự kiến ngày 8-1-2025). Song song đó, BTC cũng đưa các tác phẩm lên nền tảng mạng xã hội của báo để giới thiệu cho cộng đồng và quảng bá tại các chương trình Giao lưu âm nhạc tổ chức tại Báo Người Lao Động.
Nguồn: https://nld.com.vn/ca-si-nhac-si-chau-nhat-tin-viet-tiep-nhung-trang-su-cua-thanh-pho-196241009212909028.htm