Sau thời gian tạm ngưng phục vụ tại chỗ để phòng dịch Covid-19, ngày 28.10, hàng quán TP.HCM được đón khách trở lại. Trong bối cảnh khoảng 1.000 ca F0/ngày, ông bà chủ quán ăn vẫn lo lắng về dịch, nhưng đóng cửa mãi thì sống sao? Các quán ăn và cả thực khách khi đến hàng quán tại TP.HCM đã chủ động phòng dịch bằng cách áp dụng 5K tuyệt đối.
Buôn bán khác biệt sau dịch
Anh Trần Quốc Thịnh (40 tuổi, chủ 9 quán ăn Lẩu gà ớt hiểm 109) nhận xét, sau đợt dịch bùng phát vừa qua ở TP.HCM, tình hình buôn bán khác hẳn so với thời gian trước đó. Qua quan sát tại chuỗi quán ăn của mình, anh Thịnh cho biết, khách hàng tới hàng quán ít hơn, ưu tiên lựa chọn quán có không gian thoáng.
Thực khách được bố trí ngồi giãn cách |
CTV |
Trước dịch, khách hàng đến quán anh Thịnh phần đông là nhóm khách gia đình, nhưng hiện nay, nhóm khách này ít đi ra ngoài, thay vào đó là các nhóm bạn trẻ và đồng nghiệp.
Gần 1 tháng mở đón khách, anh Thịnh vẫn dè chừng, sắp xếp các bàn cách xa từ 2 – 2,5m, ở khu vực lối vào có mã QR và nước rửa tay xịt khuẩn, nhân viên phục vụ đeo khẩu trang, giữ khoảng cách với khách và test Covid-19 mỗi tuần một lần.
Nhân viên luôn chủ động 5K |
CTV |
Anh ví dụ: “Ở quán trên đường Hoàng Diệu 2 (TP Thủ Đức) công suất có thể đón 160 khách cùng lúc nhưng nay tôi chỉ bày bàn ghế đón tối đa 50 – 60/khách. Quán tại đường Trần Huy Liệu (Q.Phú Nhuận) tôi cũng chỉ bày các bàn giãn cách ở tầng trệt, khu vực lửng và tầng 1 chưa đón khách trở lại. Dù bày bàn ít hơn như vậy nhưng cũng chưa bao giờ full vì khách vắng hơn nhiều”.
Ngoài ra, khách được khuyên hạn chế thanh toán bằng tiền mặt, thay vào đó là chuyển khoản, thanh toán qua ví điện tử để phòng tránh dịch. Ông chủ chuỗi quán ăn cho rằng, tâm lý của chủ quán, nhân viên và khách hàng đều thoải mái hơn sau đợt dịch này vì giờ có thuốc điều trị, ai đến quán cũng đều tiêm 2 mũi vắc xin. Mặt khác, hàng quán đều phải đáp ứng các điều kiện an toàn mới được mở cửa.
Các quán đều chủ động xếp bàn cách xa nhau để khách yên tâm khi đến quán |
CTV |
“Dịch bệnh dần được kiểm soát nên tôi không quá lo lắng. Tôi cũng lên sẵn kịch bản nếu nhân viên phục vụ, khối văn phòng nhiễm Covid-19 thì cách ly, chăm lo, hỗ trợ thế nào. Điều tôi thấy mừng là người dân TP.HCM thích ứng nhanh, hàng quán mở nhưng không ai chủ quan, dù hàng quán là nơi có thể tiếp xúc nhiều người nhưng khách vẫn đến ăn uống trong tâm thế luôn cảnh giác, chủ động 5K. Mỗi người đều góp chung ý thức như vậy, mong rằng dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát”, anh Thịnh bày tỏ.
Càng sợ dịch càng phải cẩn thận
Anh Trần Quang Định (33 tuổi, chủ 3 quán Cháo lòng 18A Nam Định) cho biết, thời gian đầu TP.HCM mới cho đón khách trở lại, anh vẫn còn dè chừng. Đến vài hôm sau nữa, thấy tình hình tương đối ổn định anh mới rục rịch phục vụ khách tại bàn, nhưng không phục vụ đồ uống có cồn trong thời gian này.
Thực khách thay đổi thói quen sau dịch |
CTV |
Sợ buôn bán lỡ có nhân viên hay bản thân nhiễm Covid-19 sẽ ảnh hưởng đến các thành viên khác trong gia đình, anh Định cũng dè dặt hơn, bày bàn ghế cách xa nhau và phục vụ khoảng 60 – 70% công suất so với trước dịch. Nhân viên mang khẩu trang, chủ động rửa tay mỗi khi chạm vào vật gì đó.
Ông Trần Thọ Phi Hổ (56 tuổi, chủ Quán Tre Lẩu Tôm tại Q.Bình Thạnh) cho hay, trong quán, ông là người sợ Covid-19 nhất vì nơi buôn bán cũng là nơi ở của cả gia đình và nhân viên.
Quán ăn gia đình của ông Phi Hổ bố trí bàn ghế giãn cách, gần bằng một nửa so với trước dịch |
Vũ Phượng |
Nếu như trước dịch, quán của ông bày ra tới 40 bàn để đón khách thì nay mỗi ngày chỉ bày tối đa 16 bàn. “Lượng khách sau dịch không quá đông nên cũng hiếm hoi lắm mới có ngày quán full 16 bàn, khách tới sau thấy vậy cũng tự đi về vì muốn đảm bảo giãn cách. Khi vào quán, khách cũng chỉ ngồi theo nhóm gia đình, đồng nghiệp và tự chọn những góc cách xa bàn bên cho yên tâm. Quán và khách cùng chủ động phòng dịch, người dân Sài Gòn giờ ai cũng sợ dịch hết rồi”, ông chủ quán lẩu tôm bộc bạch.
Từ khi đón khách tới nay, ngày nào ông Phi Hổ cũng pha Cloramin B để lau chùi bàn ghế, để 5 chai cồn rửa tay khắp các vị trí trong quán, riêng quầy thu ngân 1 chai gel để ai đụng vào tờ tiền là rửa tay và 1 chai cồn dạng xịt để xịt lên các tờ tiền polymer.
Chủ quán cẩn trọng xịt cồn lên các tờ tiền polymer |
Vũ Phượng |
Chủ quán nói: “Mỗi lần xịt tiền xong tôi phải phơi rải ra trên bàn chờ cho khô mới cất đi. Với tiền giấy không xịt được thì tôi để riêng một ngăn khác, tiếp xúc tiền xong thì dùng gel rửa tay. Ban đầu còn chưa quen lắm nhưng giờ thì cả tôi hay nhân viên cứ động vào tiền là rửa tay, đi qua chai cồn là xịt, không chủ quan được”.
Nhân viên ở quán lẩu tôm của ông Thọ được bao ăn ở tại quán, thời gian này, mọi người đều gần như thực hiện “3 tại chỗ”, không đi ra ngoài để đảm bảo an toàn cho mình và người xung quanh.
Đi ngang qua chai cồn, nhân viên cũng đều xịt rửa tay như một thói quen |
Vũ Phượng |
“Giờ tôi còn sợ dịch hơn trước đó nữa. Qua giãn cách, tôi sút 12kg, tóc bạc trắng do ngồi một chỗ mà đủ chuyện phải suy nghĩ, lo cho nhân viên. Càng sợ dịch tôi càng cẩn thận, cập nhật tin Covid thường xuyên. Quanh mình ai cũng có thể là F0, hàng quán mở, hằng ngày tiếp xúc nhiều người nên phải tự bảo vệ mình, vừa chống dịch vừa làm kinh tế chứ đóng cửa miết thì cuộc sống sẽ thế nào. Tôi cũng bất ngờ vì người dân TP.HCM thích ứng nhanh, quán ăn vẫn có lượng khách ổn định khi mở cửa trở lại”, ông Phi Hổ chia sẻ.