Ai hưởng lợi?
Ngày 15.6, các hệ thống báo giá cà phê trong nước cho biết, tại các tỉnh Tây nguyên giá vẫn tiếp tục tăng 100 – 200 đồng/kg, phổ biến xoay quanh mốc 64.000 – 65.000 đồng/kg. Tuần trước đó, giá cà phê ghi nhận đã tăng bình quân tới 3.600 đồng/kg. Tại Đắk Nông, địa phương có mặt bằng giá cao nhất khu vực Tây nguyên bình quân lên đến 65.200 đồng/kg.
Trước đó, ngày 8.6, thông tin “El Nino xuất hiện” do Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) công bố đã làm giá cà phê robusta trên thị trường thế giới vốn ở mức rất cao lại tiếp tục tăng thêm 10 – 12 USD/tấn trong mấy ngày gần đây. Hiện giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 7 trên 2 sàn giao dịch London (Anh) và New York (Mỹ) ở mốc 2.725 – 2.728 USD/tấn, tăng 46% so với hồi đầu năm nay và là mức cao nhất mọi thời đại. Báo chí thế giới dẫn lời các nhà phân tích lý giải do nguồn cung cà phê khan hiếm đẩy giá lên cao. Thêm vào đó, thông tin thời tiết bất lợi, nắng nóng và khô hạn kéo dài, khiến nguồn cung càng thu hẹp đã đẩy giá tăng không ngừng.
Thực tế tại H.Krông Nô (Đắk Nông), ông Nguyễn Đắc Đạt, Giám đốc Công ty TNHH MTV thương mại Nga Thanh, thông tin: Giá cà phê không chỉ 65.000 – 66.000 đồng/kg mà có doanh nghiệp lớn ở TP.HCM thu mua đến 70.000 đồng/kg. Ông khẳng định “bà con nông dân ở đây làm gì còn hàng để bán”.
“Vụ thu hoạch cà phê đã kết thúc cách đây khoảng hơn một tháng. Thời điểm đó, giá cà phê từ mức 48.000 – 49.000 vọt lên 51.000 đồng/kg, bà con hài lòng với giá đó nên vét hết kho để bán rồi. Nhưng chỉ trong 10 ngày cuối tháng 5, giá tăng thêm 10.000 đồng, vọt lên mức 61.000 – 62.000 đồng/kg, ngoài sức tưởng tượng của dân trồng và kinh doanh cà phê. Hiện tại, cà phê Tây nguyên đã thu hoạch xong và nằm hết trong kho của các ông trùm và doanh nghiệp FDI ở Đồng Nai, Bình Dương. Giờ bà con chỉ lo chăm sóc vườn, mong vụ sau tiếp tục trúng giá”, ông Đạt cho hay.
Có người mua, nên bán
Lý do khiến thị trường diễn biến nêu trên là câu hỏi của không ít người cả trong và ngoài ngành cà phê. Đã có không ít ý kiến giải thích rằng giá cà phê robusta tăng mạnh trong thời gian qua là do nguồn cung cà phê nói chung thiếu hụt. Thứ hai, do giá cà phê arabica cao trong khi kinh tế khó khăn, người tiêu dùng thế giới buộc phải chuyển sang cà phê robusta với mức giá mềm hơn. Thứ 3, do El Nino. Với những luận chứng trên, nhiều người cho rằng giá cà phê đặc biệt là robusta (VN là nguồn cung lớn nhất thế giới) sẽ tiếp tục ở mức cao đến khi El Nino còn tồn tại.
Tuy nhiên, những lập luận như vậy chưa thuyết phục được nhiều người trong giới kinh doanh cà phê. Ông Đạt thừa nhận là một doanh nghiệp địa phương nên ông thật sự không chắc chắn về nhiều thứ, nhưng theo kinh nghiệm và hiểu biết của ông, giá hiện tại là không thực tế. “Nó là cuộc chơi của các ông lớn trên thị trường thế giới”, ông Đạt nhận định.
Ông Nguyễn Quang Bình, chuyên gia về thị trường cà phê, phân tích: Thời gian qua, giá cà phê robusta trong và ngoài nước “nhảy” như một con ngựa bất kham. Nhiều người nói nguyên nhân do nguồn cung khan hiếm, thời tiết bất lợi, dân “ghiền” cà phê cần một loại sản phẩm giá mềm hơn… nhưng đó chỉ là phần nổi của cơn sốt giá. Nếu chúng ta đặt cà phê trong bối cảnh thị trường hàng hóa toàn cầu, đặc biệt là thị trường tài chính, thì có thể thấy những khía cạnh khác đầy thú vị. Đơn cử, các nước xuất khẩu cà phê như Brazil, mức lãi suất điều hành hiện tại là 13,75%, cao gấp 2 – 3 lần so với mức lạm phát. Ngược lại, các nước nhập khẩu như EU và Mỹ, trước đây lãi suất 0%, nay lên 3 – 4%, bên cạnh đó các ngân hàng thắt chặt tín dụng làm cho các nhà nhập khẩu bị “ngộp” lãi suất.
“Tín dụng thu mua hàng xuất khẩu không còn rộng rãi. Rủi ro kinh doanh hàng hóa thương phẩm ngày càng lớn. Hàng thương phẩm không ra được chính là hệ lụy của thiếu vốn, ít tiền phục vụ công tác thu mua dẫn đến thị trường khan hàng. Hàng càng khan, giá càng tăng. Kết quả là giá cà phê robusta trên thị trường xuất khẩu lẫn trên sàn kỳ hạn liên tục lập đỉnh mới. Các diễn biến trên thị trường thế giới cho thấy, các quỹ đầu tư tài chính đã chọn sàn robusta làm nơi trú ẩn an toàn. Những đợt bán thanh lý trên các sàn kim loại vàng, cổ phiếu, tiền thu hồi được chuyển về sàn robusta. Chính vì thế, khối lượng hợp đồng mua khống trên sàn cũng ở mức đỉnh trong thời gian gần đây”, ông Nguyễn Quang Bình dự đoán.
Với góc nhìn đó, ông Bình khuyến cáo: Giá tăng nhưng trên sàn không có hàng và người mua cũng rất ít, đặc biệt là sàn London. Vì vậy, đối với các doanh nghiệp VN hiện tại giá đang rất tốt nếu có người mua thì nên bán, vì thứ nhất điều kiện tài chính đang khó khăn; bên cạnh đó các chi phí về logistics đang có khả năng tăng theo giá dầu sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến giá cà phê.
Xuất khẩu cà phê đang chuyển hướng mạnh
Trong tháng 5, xuất khẩu cà phê của VN đạt 149.667 tấn, trị giá gần 385 triệu USD. Giá cà phê xuất khẩu trong tháng 5 đã tăng lên mức cao nhất 7 tháng trở lại đây với bình quân 2.570 USD/tấn, tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 12,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giá này đạt xấp xỉ mức đỉnh 2.591 USD/tấn đạt được vào tháng 10 năm 2022.
Theo Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê của VN đạt 866.121 tấn, trị giá hơn 2 tỉ USD, giảm 3,9% về lượng và 0,4% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 5 tháng đầu năm, giá xuất khẩu cà phê đã tăng 3,6% lên mức bình quân 2.323 USD/tấn.
Diện tích trồng cà phê của VN thời gian gần đây bị thu hẹp nhiều hơn so với số liệu thống kê của ngành nông nghiệp vì những năm gần đây cà phê không thể cạnh tranh lại với các loại cây ăn trái khác như sầu riêng, chanh dây, bơ… Bên cạnh đó, sản lượng cà phê dùng để xuất khẩu theo hình thức truyền thống cũng giảm mạnh do phong trào chế biến cà phê rang xay để lưu thông và phân phối nội địa tăng mạnh. Các dòng sản phẩm cà phê chất lượng cao xuất khẩu ra nước ngoài cũng rất nhiều. Hiện các dòng cà phê này có giá xuất khẩu khá cao và giá cao hơn nhiều so với giá niêm yết trên các sàn giao dịch quốc tế.
Chuyên gia Nguyễn Quang Bình