Giá cà phê hôm nay 12/3: Giảm tạm thời, nhu cầu thế giới với Robusta Việt Nam rất lớn
Giá cà phê kỳ hạn tiếp tục hiệu chỉnh khi có thêm các thông tin cơ bản hỗ trợ. Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London tiếp tục hiệu chỉnh. Kỳ hạn giao tháng 5 giảm thêm 18 USD, xuống 3.279 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 7 giảm thêm 15 USD, còn 3.175 USD/tấn, các mức giảm rất đáng kể. Khối lượng giao dịch dưới mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cùng xu hướng giảm. Kỳ hạn giao tháng 5 giảm thêm 0,2 cent, xuống 185 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 7 giảm thêm 0,30 cent, còn 183,15 cent/lb, các mức giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch khá cao trên mức trung bình.
Giá cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên hôm nay giảm tại các tỉnh thành được khảo sát. Các địa phương đang thu mua cà phê với giá trong khoảng 90.200 – 91.100 đồng/kg. Cụ thể, sau khi giảm 300 đồng/kg, các tỉnh Lâm Đồng, Gia Lai và Đắk Lắk hiện có giá cà phê tương ứng là 90.2000 đồng/kg, 90.900 đồng/kg và 91.000 đồng/kg. Thương lái thu mua cà phê tại Đắk Nông với giá cao nhất là 91.100 đồng/kg sau khi giảm 400 đồng/kg.
Giá cà phê kỳ hạn kéo dài sự hiệu chỉnh từ cuối tuần trước khi có dự báo các vùng trồng cà phê chính ở Brazil tuần qua đã có mưa trên mức trung bình lịch sử giúp giảm bớt lo ngại khô hạn trước khi bước vào mùa đông năm nay.
Tổng cục Hải quan Việt Nam báo cáo xuất khẩu cà phê tháng 2 đã đạt 160.584 tấn (khoảng 2.676.400 bao), giảm 32,6% so với tháng trước và giảm 19,73% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế xuất khẩu cà phê 2 tháng đầu năm dương lịch 2024, Việt Nam đã xuất khẩu đạt tổng cộng 398.819 tấn, tăng 16,39% so với cùng kỳ năm trước.
Hiệp hội các nhà xuất khẩu cà phê (Cecafé) ở Brazil báo cáo xuất khẩu cà phê hạt trong tháng 2 đạt 3,626 triệu bao, tăng 48,9% so với cùng kỳ năm trước, trong 2 tháng đầu năm xuất khẩu cà phê Arabica natural đạt tổng cộng 6,076 triệu bao, tăng 35% so với cùng kỳ và xuất khẩu cà phê Conilon Robusta đạt tổng cộng 1,031 triệu bao, tăng 531,4% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy sự chậm trễ của các chuyến tàu chở cà phê xuất khẩu cũng không thể ngăn cản dòng chảy cà phê từ Brazil đến các thị trường tiêu dùng chính trên thế giới.
Dự kiến, các thị trường hàng hóa nói chung sẽ còn biến động mạnh mẽ trước phiên họp chính sách vào cuối tháng 4 sắp tới của Fed – Mỹ với niềm tin lãi suất sẽ được cắt giảm.
Nhu cầu của thị trường thế giới với cà phê Robusta của Việt Nam rất lớn, là nguyên nhân dẫn đến giá cà phê trong nước tăng cao so với nhiều năm trong lịch sử, tăng liên tục từ đầu năm đến nay với mức tăng khoảng 50%.
Các đại lý trong nước ghi nhận sự sụt giảm đáng kể lượng cà phê tồn kho vào đầu vụ và cho biết, đây là dấu hiệu cho thấy niên vụ 2023/24 có thể sẽ cho sản lượng ít hơn một chút so với niên vụ trước đó.
Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), xuất khẩu cà phê toàn cầu đạt tổng cộng 12,6 triệu bao trong tháng 1, tăng 32,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Luỹ kế trong 4 tháng niên vụ cà phê 2023-2024 (tháng 10/2023 đến tháng 1/2024) đạt hơn 45,1 triệu bao, tăng 13,1% so với 39, 9 triệu bao của cùng kỳ niên vụ 2022-2023.
Đà tăng xuất khẩu gần đây chủ yếu phản ánh các điều kiện sản xuất đã trở lại bình thường sau một năm sụt giảm.
ICO dự báo sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2023-2024 tăng 5,8% so với niên vụ trước lên 178 triệu bao, trong đó sản lượng của cà phê Arabica tăng 8,8% lên 102,2 triệu bao và Robusta tăng 2,1% lên 75,8 triệu bao. Tiêu thụ dự kiến tăng 2,2% lên 177 triệu bao, thị trường cà phê thế giới sẽ thặng dư 1 triệu bao trong niên vụ 2023-2024.