Trong số 3 sản phẩm công nhận lại sản phẩm OCOP cấp quốc gia năm 2024, tỉnh Sơn La có sản phẩm cà phê bột nguyên chất của HTX Cà phê Bích Thao.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành quyết định phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP cấp quốc gia năm 2024.
Trong số 3 sản phẩm công nhận lại sản phẩm OCOP cấp quốc gia năm 2024, tỉnh Sơn La có sản phẩm cà phê bột nguyên chất của HTX Cà phê Bích Thao, xã Hua La, thành phố Sơn La (sản phẩm được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận lần đầu vào năm 2020).
Sản phẩm đạt OCOP 5 sao sẽ được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp giấy chứng nhận, được sử dụng biểu trưng, tem OCOP quốc gia trên bao bì, nhãn mác và các tài liệu giới thiệu, quảng bá về sản phẩm theo quy định. Kết quả phân hạng có giá trị 36 tháng kể từ ngày công nhận.
Sản phẩm cà phê bột nguyên chất của HTX Cà phê Bích Thao (Sơn La) tiếp tục đạt OCOP 5 sao. (Ảnh: CTV) |
Theo Nguyễn Xuân Thao, Giám đốc HTX cà phê Bích Thao, năm 2017, một số hộ liên kết trồng cà phê tại bản Hoàng Văn Thụ. HTX cà phê Bích Thao thành lập với 11 thành viên, quy mô 50 ha cà phê. Cũng trong năm này, HTX cà phê Bích Thao là 1 trong 6 đơn vị được Sở Khoa học và Công nghệ cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Sơn La. Các sản phẩm được bảo hộ gồm: Cà phê nhân, cà phê hạt rang và cà phê bột.
Theo phương châm, không chạy theo số lượng, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật nâng cao chất lượng cà phê và khắc phục ô nhiễm môi trường. Đầu năm 2021, HTX đã khởi công xây dựng Nhà máy chế biến cà phê quy mô gần 1.120 m², công suất 20 tấn cà phê nhân/ngày, với tổng vốn đầu tư 16 tỷ đồng, trong đó: UBND Thành phố hỗ trợ 2,1 tỷ đồng còn lại vốn huy động của HTX.
Dây chuyền chế biến theo quy trình khép kín, gồm: Máy sát, sàng kích thước, sàng trọng lượng, máy bắn màu công nghệ của Đức và Mỹ, máy rang, xay cà phê, có kho bảo quản, khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Ngoài ra, HTX cũng đầu tư xây dựng 3 nhà kính trong đó, 2 nhà kính ngay sau Nhà máy với diện tích 700 m²/nhà và 1 nhà kính ở xã Mường Do (Phù Yên) rộng 1.500 m². Đặc biệt, HTX sử dụng phương pháp chế biến ướt, phơi trong nhà kính thân thiện môi trường.
Hiện nay, Sơn La chỉ có hơn 30.000 ha diện tích cà-phê Arabica, sản lượng chỉ bằng 5% tổng lượng cà-phê cả nước nhưng diện tích cà-phê Arabica hiện đứng đầu cả nước. Đây là giống cà-phê đặc sản, được thế giới ưa chuộng và được bán với giá cao hơn cà-phê Robusta. Đến nay, HTX đã trồng được 150 ha cà-phê đặc sản.
Cây cà-phê được chăm sóc bằng phân hữu cơ; quy trình thu hái, sơ chế được tuân thủ nghiêm ngặt để giữ được lượng đường tự nhiên và phẩm chất nội tại của hạt cà-phê. Công đoạn tách vỏ không sử dụng nước như phương pháp truyền thống giúp giảm thiểu tác động tới môi trường.
Sở hữu được những hạt cà-phê quý là chưa đủ, điều đặc biệt khiến ông Nguyễn Xuân Thao luôn tìm tòi các giải pháp để nâng tầm hạt cà-phê. Nhận thấy nhu cầu của thị trường thế giới là ưa chuộng các sản phẩm sạch, theo hướng hữu cơ, thay vì sản xuất cà phê theo tập quán thông thường, HTX đã định hướng sản xuất cà-phê chất lượng cao theo hướng hữu cơ, tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm cà-phê. Đồng thời áp dụng quy trình sản xuất cà-phê hữu cơ theo chuỗi khép kín, đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP, UTZ để bảo đảm chất lượng sản phẩm cho người tiêu dùng.
Gia Hân
nguồn: https://congthuong.vn/ca-phe-bich-thao-son-la-tiep-tuc-dat-ocop-5-sao-362145.html