Cá nướng sông Đà
Từ lâu nay, sông Đà nói chung và lưu vực lòng hồ sông Đà ở Hòa Bình nói riêng, nổi tiếng với rất nhiều loại cá ngon như cá thiểu, trắm đen, cá măng, cá lăng, cá nheo… Cá sông Đà nướng là món ăn nức tiếng gần xa, nhất là vào mùa nước về - tháng 9, 10 hằng năm.
Cá ở đây sống trong môi trường tự nhiên, ăn phù du sinh vật trôi theo dòng nước nên thịt chắc, thơm, có vị ngọt, ít mỡ. Theo kinh nghiệm của những người bán hàng, để chọn cá nướng, điều kiện đầu tiên phải là cá tươi. Những con cá da bạc lấp lánh trong nước được mang lên làm sạch, kẹp trong những thanh tre nhỏ, để ráo nước sau đó đem phơi nắng cho se lại, sau đó mới nướng vàng ruộm trên than hoa.
Khi tới nhiều bản làng ở Hòa Bình, khách du lịch dễ bị thu hút bởi hình ảnh những dãy hàng bán cá nướng san sát luôn đỏ rực than, mùi thơm tỏa nức mũi. Các loại cá đều được ướp muối, nhà nào cầu kỳ thì tẩm ướp các loại gia vị như gừng, sả, riềng, hành, hạt dổi. Khi nướng, người làm phải luôn tay quạt than và lật cá, để không bị cháy cạnh hoặc ám nhiều khói sẽ mất mùi thơm tự nhiên.
Như thói quen của người Mường Hòa Bình từ xưa tới nay, món cá nướng phải được bày trên lá chuối mới giữ được vị thơm đặc trưng của thịt cá. Nếu khách đặt mua về, người dân sẽ bọc những con cá trong lá chuối, sau đó mới lót ngoài bằng lớp giấy bạc hay giấy báo. Để đảm bảo tươi ngon, người bán thường dặn dò khách phải ăn ngay trong ngày, không nên bảo quản cá đã nướng trong tủ lạnh vì cá rất dễ bị khô, đắng.
Cơm lam
Hòa Bình nổi tiếng có loại gạo nương vô cùng dẻo thơm, là nguyên liệu chính để tạo nên món cơm lam hấp dẫn thực khách gần xa. Hiện nay, cơm lam được làm phổ biến để phục vụ du khách tại các nhà hàng, trạm dừng chân khắp các vùng như Tân Lạc, Lạc Sơn, Mai Châu, Kim Bôi.
Gạo nếp nương được ngâm qua đêm 8-10 tiếng, trộn cùng với cùi dừa thái sợi và nén vào trong ông nứa dài khoảng 30 cm. Nứa phải lựa những ống nứa bánh tẻ, không được quá già hoặc quá non. Bởi hương thơm từ ống nứa sẽ quyện cùng hương thơm của gạo nếp khi nướng.
Khi nén gạo vào ống, người ta bỏ thêm một chút nước cốt dừa rồi nút ống lại bằng mía hoặc lá chuối, nướng trong khoảng 2 tiếng trên bếp củi là chín cơm. Để thêm phần phong phú thì cơm lam có thể ăn chung cùng với thịt gà, măng chua… nhưng ngon nhất vẫn là cơm lam chấm muối vừng.
(Ảnh: Vietnamesegod/Vietnam_discoverer)
Gà nấu măng chua hạt dổi
Gà nấu măng chua hạt dổi là một món ăn đặc trưng của nhiều bản làng tại Hòa Bình. Ở đây, hầu như trong góc bếp của mỗi gia đình bản địa đều có măng chua. Măng chua Hòa Bình ngon hơn nhiều nơi khác bởi được muối bằng nước suối, có thể bảo quản hàng năm mà khi ăn vẫn thấy măng trắng, mùi vị chua thơm ngon, hoàn toàn không vẩn váng.
Bà con thường kết hợp nấu gà đồi với măng chua. Loại gà này thịt săn chắc, dai, thơm, được làm sạch rồi thái miếng vừa ăn, ướp cùng chút gia vị đơn giản và măng chua trong 45-60 phút. Khi thịt đã ngấm gia vị, người dân phi thơm hành mỡ rồi cho măng cùng thịt gà vào đảo đều cho đến khi săn lại. Đổ ngập nước vào thịt gà, đun lửa liu riu cho đến khi gà chín mềm, tỏa mùi măng chua thơm nức.
Ảnh: Trang Lê
Một gia vị quan trọng khác của món ăn là hạt dổi, giúp tạo vị hăng nhẹ và mùi thơm đặc trưng của núi rừng. Hạt dổi được cho vào nướng chín trên than đỏ rồi đập giập, rắc nhẹ lên bát canh nóng đang còn bốc khói nghi ngút.
Những ngày mùa thu đông, mưa phảng phất, gió se se lạnh, món ăn này như càng thêm hấp dẫn. Khi ăn, thực khách cảm nhận được thịt gà chín mềm quyện mùi măng, mùi hạt dổi.
Thịt trâu nấu lá lồm
Lá lồm (lá giang) có thể xa lạ với người miền xuôi, nhưng lại mọc phổ biến ở vùng núi rừng ở Hòa Bình. Đó là dạng cây leo thành bụi, giống lá mơ, xuất hiện ở ven cánh rừng, hoặc trên sườn đồi. Nhiều gia đình cũng mang lá lồm về vườn nhà trồng, làm nguyên liệu chế biến món ăn.
Thịt trâu nấu lá lồm là đặc sản ngon của dân tộc Mường ở Hòa Bình. Thịt trâu được đem thui, cạo sạch, sau đó, đem bung cho mềm. Loại thịt trâu nấu món này phải thật tươi, khi cầm vào còn ấm và dẻo. Khi miếng thịt đã chín thì người ta thái miếng nhỏ hơn, cho vào nồi đất hầm kĩ. Lá lồm được giã nhỏ cho vào nồi cùng tấm gạo để hầm chung với thịt trâu cho đến khi gạo nở ra và sánh lại.
Thịt trâu hầm nhừ kĩ, ngấm với vị chua lá lồm, vị thơm dẻo của gạo, tạo nên một món ăn rất hấp dẫn, thu hút thực khách ngay lần đầu thưởng thức.
Tổng hợp
Nguồn
Bình luận (0)