Năm học 2022-2023, cả nước có 2.949 trường học cấp THPT. Tới năm học 2023-2024, con số này tăng lên 2.981 trường.
Đây cũng là cấp học duy nhất tăng số trường học trong năm học vừa qua.
Ở cấp THCS, số trường giảm từ 10.761 xuống 10.753, giảm 8 trường.
Ở cấp Tiểu học, số trường giảm từ 12.366 xuống 12.166, giảm 200 trường.
Việc số trường tiểu học và THCS giảm có nguyên nhân chủ yếu là một số địa phương sáp nhập địa giới hành chính dẫn đến việc sáp nhập các trường học trên địa bàn.
Trong khi đó, số trường THPT tăng do việc tăng dân số cơ học, đặc biệt tập trung ở các vùng đô thị, thúc đẩy việc xây dựng, thành lập các trường mới.
Cũng theo báo cáo tổng kết năm học 2023-2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), cả nước có gần 18,5 triệu học sinh, giảm hơn 300.000 so với năm học trước. Tuy nhiên mức giảm chủ yếu ở cấp tiểu học.
Cấp THCS có hơn 6,5 triệu học sinh, tăng gần 500.000.
Cấp THPT xấp xỉ 3 triệu học sinh, tăng hơn 100.000. Trong đó, 5 địa phương có số lượng học sinh cấp THPT ở mức rất cao là: Hà Nội (293.825 học sinh), TPHCM (251.930 học sinh), Thanh Hóa (103.636 học sinh), Nghệ An (109.764 học sinh) và Đồng Nai (88.899 học sinh).
Có thể thấy, việc tăng 32 trường chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế khi số trường cần có tương ứng cho số học sinh này vào khoảng gần 50 trường.
Về mặt hạn chế, tồn tại ở mảng giáo dục phổ thông trong năm học 2023-2024, báo cáo của Bộ GD&ĐT nêu, sau khi sắp xếp, sáp nhập, quy hoạch lại các trường, điểm trường, tại một số địa bàn dân cư phân tán, giao thông bị chia cắt, ảnh hưởng đến việc đi học của học sinh.
Bên cạnh đó, một số trường gặp khó khăn do việc giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ quản lý, đội ngũ nhân viên văn phòng, kế toán… dôi dư sau sáp nhập chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả.
Trong năm học vừa qua, việc triển khai thực hiện dạy học các môn học tích hợp trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 như môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí, giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp… ở một số địa phương còn gặp khó khăn.
“Việc tổ chức các hoạt động trong giờ học đôi khi vẫn còn có biểu hiện hình thức, thiếu hiệu quả, chưa đúng bản chất.
Nguyên nhân là do nhận thức và năng lực của một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên còn hạn chế, giáo viên hiện hành chưa đáp ứng yêu cầu đảm nhận toàn bộ môn học; dẫn tới việc triển khai thực hiện các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT còn chưa đúng với tinh thần đổi mới, gây khó khăn, kém hiệu quả trong quá trình tổ chức thực hiện so với năm học 2022-2023″, báo cáo nêu.
Tuy nhiên, năm học vừa qua ghi nhận chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn của học sinh phổ thông ngày càng được cải thiện.
Đặc biệt, công tác thi chọn học sinh giỏi quốc gia, tổ chức các đoàn học sinh giỏi tham dự Olympic quốc tế và khu vực tiếp tục được đổi mới ở tất cả các khâu theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả.
Các đoàn dự thi Olympic khu vực và quốc tế trong năm qua đã giành được 10 Huy chương Vàng, 14 Huy chương Bạc, 9 Huy chương Đồng và 1 Bằng khen.
Trong đó, đội tuyển Olympic Sinh học quốc tế đứng thứ 3/81 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự; đội tuyển Olympic Hóa học quốc tế đứng thứ 2/89 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự.
“Qua kết quả đánh giá của một số tổ chức quốc tế, chất lượng giáo dục phổ thông ở nước ta vượt mức trung bình của các nước khối OECD và dẫn đầu ở khu vực ASEAN”, báo cáo ghi.
Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 đã được Bộ GD&ĐT tổ chức vào sáng nay, 19/8, tại Hà Nội.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/ca-nuoc-tang-32-truong-cap-3-trong-nam-hoc-2023-2024-20240819102424547.htm