Tập trung 5 nhiệm vụ để tháo gỡ khó khăn trong kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu Xuất khẩu thủy sản sụt giảm, VASEP đề xuất gì? |
Chế biến, xuất khẩu tôm Cà Mau vẫn còn gặp khó do khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. |
Sáng 3/5, tổng hợp từ Sở Công thương Cà Mau cho biết, dù đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ nhưng trong những tháng đầu năm 2023, tình hình xuất khẩu của tỉnh Cà Mau vẫn gặp khó.
Khép lại quý I năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh chỉ đạt 275 triệu USD, bằng 21,15% kế hoạch, giảm đến 26,15% so với cùng kỳ 2022.
Trong đó, xuất khẩu thủy sản đạt hơn 238 triệu USD, bằng 19,88% kế hoạch, giảm 11,88% so với cùng kỳ; xuất khẩu phân bón chỉ đạt 36,45 triệu USD, bằng 38,37% kế hoạch, giảm đến hơn 64% so với cùng kỳ năm trước.
Các thị trường giảm nhiều đối với xuất khẩu của Cà Mau, như: Mỹ giảm 61,9%; EU giảm 31,1%; Nhật Bản giảm 50,2%; Australia giảm 64,2%; Canada giảm 73,5%…
Khó khăn, vướng mắc lớn nhất hiện nay đối với xuất khẩu của Cà Mau, đặc biệt ở lĩnh vực thuỷ sản là vấn đề tiếp cận vốn. Hiện, các tổ chức tín dụng thắt chặt nguồn vốn do thiếu tài sản đảm bảo; một số tổ chức tín dụng lãi suất cao hơn 9% nên doanh nghiệp khó tiếp cận; hạn mức cho vay thấp nên doanh nghiệp khó chủ động về vốn khi cần thu mua nguyên liệu.
Một số nguyên nhân khác được cho đã tác động không nhỏ đến xuất khẩu thuỷ sản của Cà Mau, như: chi phí đầu vào cho sản xuất, nuôi trồng đều tăng cao do ảnh hưởng giá xăng dầu tăng và tình hình lạm phát tại các thị trường lớn còn tăng cao. Thị trường đầu ra còn yếu do kinh tế một số nước chưa phục hồi, đơn hàng thiếu, một số nhà nhập khẩu còn tồn kho lớn…
Sản phẩm tôm tự nhiên dưới tán rừng ngập mặn huyện Ngọc Hiển (tỉnh Cà Mau) được nhiều tổ chức quốc tế chứng nhận là tôm sinh thái. |
Chung tay gỡ khó đối với xuất khẩu thuỷ sản của Cà Mau, thời gian qua, tỉnh triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn.
Theo Nghị định số 31 thì đến nay, trên địa bàn Cà Mau có 7 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thuỷ sản được tiếp cận gói hỗ trợ, với tổng vốn vay khoảng 622 tỷ đồng, trong đó tiền lãi đã hỗ trợ gần 3,5 tỷ đồng.
Ngoài sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, nhiều ngân hàng thương mại cũng linh hoạt trong chính sách cho vay đối với hoạt động chế biến, xuất khẩu.
Theo báo cáo từ các ngân hàng thương mại, đến cuối tháng 3/2023, dư nợ cho vay đối với hoạt động trên tại Cà Mau là 113 khách hàng với hơn 6.570 tỷ đồng, mức lãi suất giao động từ 4,5-14%/năm (trung bình 8,48%/năm).
Thời gian tới, các chi nhánh Ngân hàng thương mại ở Cà Mau cần thêm 1.500 tỷ đồng vốn cho vay lĩnh vực chế biến, xuất khẩu thủy sản; dư nợ cần cơ cấu kéo dài thời gian trả nợ gần 200 tỷ đồng…
Tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau diễn ra vào cuối tháng 4/2023 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt đã chỉ rõ, trong định hướng phát triển thời gian tới, Cà Mau xác định thuỷ sản vẫn là ngành kinh tế mũi nhọn.
Hiện tỉnh đang quyết liệt các các giải nhằm tăng năng suất, giảm rủi ro từng loại hình nuôi, đồng thời tiếp tục phát huy lợi thế các loại hình nuôi tôm thân thiện với môi trường nhằm cung ứng mặt hàng tôm chất lượng cao.
Lãnh đạo tỉnh Cà Mau kiểm tra mô hình nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng ngập mặn huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. |
Trong lĩnh vực xuất khẩu thuỷ sản, Cà Mau định hướng tập trung khai thác thị trường nội địa và đa dạng các mặt hàng sản phẩm bằng cách tiếp cận sâu những thành phố lớn, những địa phương không có mặt hàng thuỷ sản.
Đối với lĩnh vực tín dụng, người đứng đầu chính quyền tỉnh yêu cầu các ngân hàng tiến hành rà soát cụ thể, rõ ràng từng doanh nghiệp để xúc tiến nhanh các chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp tiếp cận vốn vay, sử dụng vốn hỗ trợ từ Nhà nước một cách có hiệu quả nhất.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản. |
“Lĩnh vực sản xuất, chế biến xuất khẩu và cung ứng vốn phải có sự liên kết chặt chẽ với nhau, không thể tách rời. Sự liên kết này phải trên nguyên tắc lợi nhuận hài hoà, rủi ro cùng chia sẻ” – Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt, gợi mở. |