Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định rõ mục tiêu “đưa Cà Mau sớm trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển, trung tâm năng lượng tái tạo của vùng đồng bằng sông Cửu Long, trung tâm xuất khẩu năng lượng tái tạo của cả nước”, đồng thời khẳng định Cà Mau sẽ “có ba vùng kinh tế và năm cực tăng trưởng”.
Cà Mau đặt mục tiêu trở thành trung tâm xuất khẩu năng lượng tái tạo của cả nước. Ảnh minh họa: Thanh Tùng/VNS
Trung tâm xuất khẩu năng lượng tái tạo của cả nước
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1386/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Một trong những quan điểm phát triển quan trọng được nêu trong bản quy hoạch này là “phát huy hợp lý, hiệu quả tiềm năng, lợi thế so sánh, cơ hội nổi trội, riêng biệt, lợi thế về biển, đảo làm nền tảng phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Cà Mau nhanh, bền vững và toàn diện, đưa Cà Mau sớm trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển, trung tâm năng lượng tái tạo của vùng đồng bằng sông Cửu Long, trung tâm xuất khẩu năng lượng tái tạo của cả nước; ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi mô hình tăng trưởng hướng đến phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với các động lực tăng trưởng, trọng tâm là phát triển kinh tế biển, du lịch, các ngành công nghiệp có tiềm năng, lợi thế”.
Trên cơ sở đó, Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định mục tiêu tổng quát là “đến năm 2030, Cà Mau trở thành tỉnh phát triển khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; có nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển; hệ sinh thái được bảo tồn, thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu. Quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc”.
Quy hoạch cũng nêu rõ các mục tiêu cụ thể của Cà Mau như phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2030 trên 7,5%/năm. Quy mô GRDP năm 2030 gấp 2-2,5 lần so với năm 2020. GRDP bình quân đầu người đạt trên 146 triệu đồng. Về xã hội, tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt trên 80%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 65%, trong đó tỷ lệ lao động đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 30%.
Trong tầm nhìn đến năm 2050, Cà Mau sẽ là tỉnh kinh tế phát triển, xã hội văn minh, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu; các giá trị văn hóa mang bản sắc của con người Cà Mau được giữ gìn và phát huy. Môi trường sinh thái, đa dạng sinh học được bảo vệ, bảo tồn. Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, hạ tầng số phát triển đồng bộ, hiện đại. Chính trị, quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.
Cà Mau sẽ có ba vùng kinh tế và năm cực tăng trưởng
Theo Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cà Mau sẽ có ba vùng kinh tế gồm: Vùng phát triển dịch vụ-đô thị-công nghiệp trung tâm; Vùng phát triển đô thị-công nghiệp-kinh tế ngư, nông, lâm nghiệp ven biển Tây; và Vùng phát triển công nghiệp-đô thị-kinh tế ngư, nông, lâm nghiệp ven biển Đông.
Du khách trải nghiệm với bình minh trên Đất Mũi-cực Nam Tổ quốc. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN
Với cực tăng trưởng là thành phố Cà Mau, vùng phát triển dịch vụ-đô thị-công nghiệp trung tâm sẽ là vùng có đô thị trung tâm của tỉnh; trung tâm hành chính, kinh tế, khoa học-công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế của tỉnh; đầu mối phân phối hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho toàn tỉnh.
Với cực tăng trưởng là đô thị Sông Đốc, vùng phát triển đô thị-công nghiệp-kinh tế ngư, nông, lâm nghiệp ven biển Tây sẽ là vùng nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá; vùng nông nghiệp ngọt – lợ luân phiên; vùng lâm nghiệp phát triển theo mô hình bền vững gắn với bảo tồn Vườn Quốc gia U Minh Hạ.
Với các cực tăng trưởng là đô thị Năm Căn-Khu kinh tế Năm Căn, đô thị Tân Thuận và đô thị Đất Mũi-Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, vùng phát triển công nghiệp-đô thị-kinh tế ngư, nông, lâm nghiệp ven biển Đông sẽ là đầu mối lưu thông hàng hóa đường biển, dịch vụ logistics thông qua cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, Khu kinh tế Năm Căn; vùng nuôi trồng thủy sản, rừng sản xuất; vùng trọng điểm phát triển du lịch của tỉnh.
Bên cạnh đó, Cà Mau sẽ hình thành và phát triển hai hành lang kinh tế theo trục Bắc – Nam và hướng Đông – Tây dựa trên các tuyến giao thông đường bộ cao tốc, đường bộ trục ngang, đường ven biển, kết nối cảng biển, cảng hàng không, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp gắn với các đô thị, các trục liên kết phát triển và các cực tăng trưởng; kết nối với hành lang ven biển phía Nam của Tiểu vùng Mê Công mở rộng (Hành lang kinh tế Hà Tiên – Rạch Giá – Cà Mau) góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Cà Mau và cả vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Các hành lang kinh tế này gồm: Hành lang kinh tế Bắc – Nam (thành phố Cà Mau – Cái Nước – Năm Căn – Đất Mũi) và Hành lang kinh tế Đông – Tây (Tân Thuận – Sông Đốc). Hành lang kinh tế Bắc-Nam là hành lang kinh tế động lực, quan trọng đóng góp lớn cho phát triển kinh tế – xã hội, dựa trên liên kết các khu vực phát triển của tỉnh gồm: Thành phố Cà Mau, huyện Cái Nước, Khu kinh tế Năm Căn, Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau và kết nối cảng biển tổng hợp Hòn Khoai; là cơ sở phát triển mạng lưới giao thông kết nối phát triển hệ thống đô thị và các khu chức năng chính; là trục phát triển theo tuyến cao tốc Cần Thơ – thành phố Cà Mau – Năm Căn – Đất Mũi.
Trong khi đó, Hành lang kinh tế Đông-Tây sẽ là hành lang kinh tế kết nối khu vực phía Đông và phía Tây của tỉnh thông qua tuyến đường trục Đông – Tây từ Tân Thuận kết nối với Sông Đốc, tạo động lực đầu tư kết cấu hạ tầng gắn kết thúc đẩy phát triển các khu, cụm công nghiệp, các trung tâm du lịch, dịch vụ logistics, nông nghiệp, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo nhằm khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế từ biển; phát triển các khu đô thị, điểm dân cư ven biển, hình thành chuỗi đô thị ven biển.
Các trục liên kết phát triển của Cà Mau bao gồm: Trục quốc lộ 1, trục kinh tế – đô thị quốc lộ 63, trục kinh tế – đô thị biển, ven biển phía Nam kết nối thành phố Cà Mau với thành phố Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) và các trục kinh tế biển, ven biển khác.
TP. Cà Mau sẽ trở thành đô thị loại 1
Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cũng đề cập tới phương án phát triển hệ thống đô thị. Cụ thể, Cà Mau sẽ “phát triển và phân bố hợp lý hệ thống đô thị bền vững, có kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, thông minh; hình thành chuỗi đô thị động lực, chuỗi đô thị ven biển kết nối với hệ thống đô thị của vùng đồng bằng sông Cửu Long và quốc gia; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại. Khi có đủ điều kiện theo quy định, phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Cà Mau có 29 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt 36%”.
Trên cơ sở định hướng trên, Cà Mau dự kiến sẽ xây dựng thành phố Cà Mau trở thành trung tâm tổng hợp, chuyên ngành phát triển tương xứng với chức năng đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ thành lập thị xã Sông Đốc (đô thị loại III) là đô thị kinh tế biển và là đô thị động lực của tiểu vùng ven biển phía Tây, sinh thái và hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ kinh tế biển; thành lập thị xã Năm Căn (đô thị loại III) là đô thị động lực của tiểu vùng ven biển phía Đông, mang bản sắc đặc thù sông nước và hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn kết phát triển với Khu kinh tế Năm Căn và là điểm dừng chân của trục thành phố Cà Mau – Đất Mũi trong các hoạt động kinh tế và du lịch; thành lập thị trấn Tân Thuận (huyện Đầm Dơi) là đô thị loại IV, chuyên ngành về năng lượng, công nghiệp, thủy sản và logistics.
Ngoài ra, tỉnh sẽ phát triển thị trấn Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển) là đô thị loại IV, trung tâm hành chính, kinh tế của huyện Ngọc Hiển, phát triển thương mại dịch vụ, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản./.
Hoàng Hà