Với hơn 235 tỷ đồng thực hiện Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát đến năm 2025, Cà Mau đặt mục tiêu đến năm 2025 sửa chữa, xây mới 4.400 căn nhà.
U Minh là một trong những địa phương còn tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao trong tỉnh. Thời gian qua, công tác giảm nghèo của huyện đạt nhiều kết quả khả quan. Năm 2024, tỉ lệ hộ nghèo của huyện U Minh giảm còn 2,7% (nếu năm 2023 là 1.238 hộ nghèo, năm 2024 còn 723 hộ).
Chăm lo phát triển đời sống hộ nghèo là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, UBND huyện U Minh đã tích cực triển khai nhiều giải pháp thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững.
Kể từ khi UBND tỉnh phát động chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh, cả hệ thống chính trị huyện đã vào cuộc và xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, khẩn trương triển khai nhiều phương án.
Theo kết quả rà soát từ Ban chỉ đạo huyện, đến nay trên địa bàn huyện còn 1.019 căn nhà thuộc diện xóa nhà tạm, nhà dột nát. Trong đó, 778 căn cần xây mới, 241 căn sửa chữa, với tổng kinh phí hơn 53 tỷ đồng.
Để thực hiện có hiệu quả chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, các ngành có liên quan triển khai sâu rộng đến từng địa phương, xây dựng kế hoạch vận động, huy động nguồn lực cùng vào cuộc.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện U Minh Nguyễn Thanh Liêm, thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, huyện chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ thực hiện hoàn thành 75 căn trong năm 2024, phần còn lại sẽ thực hiện đến tháng 9/2025.
Để đạt kết quả như kế hoạch đề ra, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn, các ngành có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và mục tiêu của chương trình. Tiếp tục rà soát, cung cấp thông tin số liệu hộ người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số có nhu cầu nhà ở trên địa bàn huyện. Kiểm tra, giám sát thực hiện kế hoạch đảm bảo đạt mục tiêu đề ra.
Tích cực vận động các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân trong và ngoài huyện ủng hộ nguồn lực thực hiện chương trình. Khi hoàn thành xây dựng nhà ở theo tiến độ, tiến hành đánh giá, nghiệm thu, đưa vào sử dụng đảm bảo theo yêu cầu về diện tích và chất lượng nhà ở.
Trước đó, ngày 27/11, UBND tỉnh Cà Mau cũng ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 với mục tiêu phấn đấu đến tháng 8/2025, hoàn thành xây mới, sửa chữa nhà ở đối với các đối tượng đủ kiều kiện về đất ở: Nhà ở cho người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ; nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; hộ thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Theo đề án, tổng số lượng xóa nhà tạm, nhà dột nát là 4.400 căn. Trong đó, xây mới 3.463 căn, sửa chữa 937 căn. Cụ thể, hộ người có công với cách mạng 1.157 căn (xây mới 578 căn và sửa chữa 579 căn); hộ nghèo 1.322 căn (xây mới 1.206 căn và sửa chữa 116 căn); hộ cận nghèo 1.566 căn (xây mới 1.324 căn và sửa chữa 242 căn); hộ thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh 355 căn.
Mức hỗ trợ xây mới là 60 triệu đồng/căn; sửa chữa là 30 triệu đồng/căn. Đối với các hộ thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh: Vận động thêm nguồn lực xã hội hóa để bảo đảm bằng mức trên; không bổ sung mức hỗ trợ đối với các hộ đã hoàn thành xây mới, sửa chữa nhà ở trước khi kế hoạch này ban hành.
Nguyên tắc hỗ trợ trực tiếp đến hộ gia đình để hộ gia đình tự tổ chức xây dựng, sửa chữa nhà ở; chính quyền địa phương và các đoàn thể trực tiếp hỗ trợ, giám sát việc thực hiện.
Tổng kinh phí thực hiện 235.890 triệu đồng (gần 235,9 tỷ), bao gồm các nguồn lực: Ngân sách Nhà nước; quỹ đền ơn đáp nghĩa; quỹ vì người nghèo; xã hội hóa; vận động hợp pháp khác.
Đề án chia ra thành 2 giai đoạn. Trong giai đoạn 1, thực hiện đến cuối năm 2024, hoàn thành 400 căn (xây mới 200 căn và sửa chữa 200 căn), với kinh phí thực hiện 18.000 triệu đồng (nguồn quỹ vì người nghèo).
Giai đoạn 2 đến tháng 8/2025 xây mới, sửa chữa số còn lại là 4.000 căn với kinh phí thực hiện 217.890 triệu đồng (từ ngân sách Nhà nước, quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ vì người nghèo, xã hội hóa, vận động hợp pháp khác).
Ưu tiên hỗ trợ trước cho các đối tượng theo thứ tự: Hộ có đất, đủ điều kiện xây dựng; hộ có đất nhưng chờ vận động trong thân tộc hỗ trợ thêm kinh phí.
Đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo có cùng mức ưu tiên, việc hỗ trợ được thực hiện theo thứ tự: Hộ có đất nhưng chưa dự định được thời gian khởi công xây dựng; hộ có đất cho mượn xây cất nhà bằng thời gian sử dụng căn nhà trở lên; hộ không có đất.
Đình Sơn
Nguồn: https://vietnamnet.vn/ca-mau-no-luc-xoa-nha-tam-nha-dot-nat-2348543.html