Đến nay, toàn tỉnh Cà Mau đã công nhận được 119 sản phẩm OCOP, trong đó có 6 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận có sự tăng trưởng đáng kể về giá trị và doanh thu góp phần tạo thu nhập ổn định cho nguồn lao động nông thôn. Bên cạnh việc hoàn thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm, việc mở rộng thị trường luôn là vấn đề được chủ thể và các cấp, các ngành quan tâm.
Việc ứng dụng chuyển số trong quảng bá và tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh Cà Mau đã đạt được các kết quả tích cực. Các hoạt động như: mua bán trên các sàn thương mại điện tử; thanh toán không dùng tiền mặt; sử dụng hóa đơn điện tử, nộp thuế điện tử, mã vạch, mã QR truy xuất nguồn gốc… được chủ thể, người tiêu dùng ứng dụng ngày càng nhiều. Các sản phẩm OCOP là sản phẩm đặc sản, đặc trưng mang thương hiệu của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh đã có mặt trên các sàn thương mại điện tử madeincamau.com, Postmart, Sendo, Shopee, Lazada, Tiki, Alibaba, Amazon…
Chị Trần Thị Xa – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã ba khía Đầm Dơi (xã Quách Phẩm Bắc, huyện Đầm Dơi) cho biết: Từ khi tham gia vào chương trình OCOP, được tiếp cận với các nền tảng số, tôi nhận thấy, thị trường thông qua chuyển đổi số có thể rộng lớn hơn mình nghĩ. Chỉ sau thời gian ngắn ứng dụng bán hàng trực tuyến qua Facebook, Zalo, Tiktok và các sàn thương mại điện tử, đơn hàng đã tăng lên đáng kể, thương hiệu về sản phẩm ba khía Đầm Dơi được khách hàng nhận diện tốt hơn.
Theo chị Xa, chuyển đổi số đã thật sự tạo được cơ hội lớn cho chủ thể OCOP, việc bán hàng qua các nền tảng mạng xã hội sẽ dễ thu hút sự quan tâm của thị trường trên cộng đồng mạng.
Anh Khưu Văn Chương, Công ty SK NONI (xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời) cho biết: Với sản phẩm nước cốt nhàu của Công ty SK NONI, ngoài tìm thị trường bằng phương thức trực tiếp như trước đây thì ứng dụng các nền tảng số được chúng tôi áp dụng và đạt được nhiều kết quả tích cực. Lượng hàng được tiêu thụ tăng lên rõ rệt, thị trường mở rộng ở một số địa phương trong nước.
Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau (iPEC) Trương Hà Phương Anh cho biết: Việc ứng dụng công nghệ để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP là rất cần thiết. Trung tâm đã thành lập Fanpage để kết nối, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh, đưa vào vận hành kênh bán hàng sản phẩm OCOP của tỉnh, giúp chủ thể có thể dễ dàng giới thiệu sản phẩm.