Các nhà khoa học thuộc trường Đại học California, Đại học DePaul… vừa công bố kết quả nghiên cứu cho biết, megalodon – loài cá mập thời tiền sử có thân hình mảnh mai hơn so với tưởng tượng.
Otodus megalodon sống cách đây hơn 23 triệu năm, nhưng có rất ít bằng chứng tồn tại trong hồ sơ hóa thạch (chỉ có răng và đốt sống chứ không có bất kỳ bộ xương hoàn chỉnh nào). Đó là lý do tại sao một số ước tính về kích thước cơ thể của nó lại dựa trên cơ thể của loài cá mập trắng lớn hiện đại (Carcharodon carcharias), vốn có hình dáng dày và tròn trịa.
Nghiên cứu mới dựa trên việc đánh giá lại một bộ đốt sống hóa thạch chưa hoàn chỉnh của megalodon được tìm thấy ở Bỉ. Khi sử dụng máy quét CT trên một con cá mập trắng lớn còn sống để so sánh toàn bộ bộ xương đốt sống với các bản tái tạo cột sống của mẫu vật megalodon, các nhà khoa học phát hiện, cơ thể megalodon gầy hơn so với loài cá mập trắng lớn hiện đại. Theo đó, cá thể này trên thực tế có chiều dài ít nhất là 11,1m. Trong khi nghiên cứu trước đây ước tính loài megalodon đặc biệt này dài 9,2m. Như vậy, đốt sống của megalodon sẽ không đủ khỏe để đỡ toàn bộ trọng lượng cơ thể như ước tính. Phát hiện mới này đánh dấu một bước đột phá khoa học lớn trong nỗ lực giải mã megalodon.
HẠNH CHI