Một con cá mập ở Australia tấn công và nhiều khả năng giết chết người đàn ông đi lướt sóng sau khi cắn nạn nhân nhiều lần và kéo anh ta xuống nước.
Các nhân chứng cho biết con cá mập quay lại chỗ nạn nhân 3 lần, một hành vi khác thường trong vụ tấn công hiếm gặp, theo Live Science. Simon Baccanello, giáo viên 46 tuổi, biến mất khi đang lướt sóng ngoài khơi bang Nam Australia hôm 14/5. Ông là một trong hơn chục người lướt sóng trên mặt nước ở thời điểm đó. Một cư dân tên Jaiden Miller chứng kiến vụ tấn công kể lại: “Tôi thấy ván trượt của Baccanello dựng ngược, có nghĩa anh ấy ở dưới nước. Anh ấy đang vật lộn tìm cách quay lại mặt nước. Chúng tôi trông thấy con cá mập vùng vẫy ở phía sau. Rõ ràng nó nhả ra và trở lại, tấn công anh ấy lần thứ ba”.
Trong thông báo hôm 15/5, cảnh sát bang Nam Australia kết luận nạn nhân đã chết sau khi lực lượng cứu hộ không tìm được thi thể mà chỉ tìm được một mảnh đồ bơi và tấm polystyrene màu trắng được cho là vật liệu ván trượt. Những ca tử vong do cá mập tấn công cực kỳ hiếm gặp. Trên toàn thế giới chỉ có 5 vụ cá mập gây chết người trong năm 2022, theo dữ liệu của Bảo tàng Florida.
Phần lớn số vụ cá mập tấn công là kết quả do nhận dạng nhầm lẫn. Từ bên dưới, người đi bơi và lướt sóng gần như rất khó phân biệt với hải cẩu, con mồi ưa thích của cá mập, theo nghiên cứu công bố năm 2021. Trong hầu hết trường hợp, cá mập sẽ nhận ra con người không phải thức ăn và bơi đi xa. Mất máu sau vụ tấn công là nguyên nhân chính gây tử vong.
Gavin Naylor, giám đốc Chương trình nghiên cứu cá mập Florida ở Bảo tàng Florida, cho biết cá mập tiến hành tấn công nhiều lần vào một người là điều khác thường nhưng không phải chưa từng có. Nếu nhát cắn xuất phát từ hành vi săn mồi hoặc bảo vệ lãnh thổ, chúng có thể cắn nhát đầu tiên và quay trở lại cắn thêm lần nữa”, Naylor giải thích. “Lý do cá mập quay trở lại chỗ nạn nhân tùy thuộc từng loài. Ví dụ, cá mập trắng (Carcharodon carcharias) thường phục kích hải cẩu với một nhát cắn gây bất ngờ từ bên dưới, sau đó đợi con mồi chảy máu và trở nên yếu đi rồi quay trở lại. (Hải cẩu là loài vật đáng gờm có thể làm cá mập bị thương, bởi vậy cá mập trắng sẽ tránh đi cho tới lúc con mồi suy yếu)”.
Trạng thái cảm xúc của con vật cũng ảnh hưởng tới mức độ hung dữ của nó và khả năng nó quay trở lại tấn công lần nữa. Theo Naylor, nếu cá mập bị kích động và đang kiếm ăn ở nơi có những con cá mập khác cạnh tranh nguồn thức ăn hạn chế, nó có thể trở nên hung dữ và đeo bám dai dẳng hơn.
An Khang (Theo Live Science)