Thanh tra, Giám sát ngân hàng (TTGS), NHNN Chi nhánh tỉnh Đồng Nai mới đây công bố kết luận thanh tra đối với Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển Chi nhánh tỉnh Đồng Nai (PGBank Đồng Nai).

Đến 31/7/2024, số dư huy động vốn của PGBank Đồng Nai đạt 276,240 tỷ đồng, tăng 4,4% so với thời điểm 31/12/2023. 

Tổng dư nợ cho vay của chi nhánh đến 31/7/2024 là 762,303 tỷ đồng, tăng 8,4% so với thời điểm 31/12/2023. Trong đó, nợ quá hạn chiếm đến 5,9% tổng dư nợ. Nợ xấu (nhóm 3-5) chiếm 4,4% tổng dư nợ.

Trong 3 năm từ 2021-2023 PGBank Đồng Nai chỉ hoàn thành trên 50% kế hoạch tăng trưởng do Hội sở giao.

pgbank pgd.jpg
Công bố kết luận thanh tra đối với PGBank Đồng Nai. Ảnh:PGBank

Theo kết luận của TTGS, chất lượng tín dụng (nợ nhóm 2 và nợ xấu) của PGBank Đồng Nai trong thời kỳ thanh tra luôn vượt quá phạm vi an toàn (trên 3%) đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả hoạt động kinh doanh của chi nhánh. Ngoài ra, còn một số tồn tại.

Công tác thẩm định, xét duyệt cho vay chưa đầy đủ theo quy định tại Điều 17 Thông tư 39/2016/TT-NHNN của NHNN (Thông tư 39) và các quy định nội bộ đối với 16 khách hàng (20 hợp đồng tín dụng) với tổng dư nợ hơn 130 tỷ đồng. 

Thực hiện cho vay nhưng chưa thu thập, bổ sung hồ sơ vay vốn đầy đủ theo quy định tại Điều 9 Thông tư 39 và quy định nội bộ của PGBank đối với 5 khách hàng (5 HĐTD) với tổng dư nợ 16,911 tỷ đồng. 

Công tác kiểm tra, giám sát vay vốn chưa thực hiện đầy đủ theo quy định tại Điều 24 Thông tư 39 và quy định nội bộ của PGBank đối với 22 khách hàng (31 HĐTD) với tổng dư nợ 165,639 tỷ đồng.

Về sử dụng vốn sai mục đích, khách hàng vay vốn nhưng không sử dụng vốn đúng mục đích theo thoả thuận của hợp đồng tín dụng, vi phạm về nguyên tắc cho vay, vay vốn theo quy định tại Điều 4 Thông tư 39 đối với 3 khách hàng (3 HĐTD) với tổng dư nợ 12,70 tỷ đồng.

Đối với điều kiện phê duyệt yêu cầu cam kết trả nợ thay của công ty mẹ, TTGS chỉ ra tiềm ẩn rủi ro trong việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay công ty vay vốn của công ty mẹ khi tình hình tài chính công ty mẹ hoặc khi nhiều công ty con, công ty liên kết khác gặp vấn đề về kinh doanh, phát sinh nợ quá hạn/nợ xấu. 

TTGS cũng cảnh báo rủi ro về khoản cấp tín dụng công ty mua bán ô tô được đảm bảo bằng hàng tồn kho là ô tô mới các loại do khách hàng quản lý (hàng hoá được hình thành từ vốn vay). 

Hàng tồn kho này được khách hàng giao dịch hằng ngày (bán ra) nên dễ phát sinh trường hợp khách hàng tự ý bán xe mà không báo cho ngân hàng, dẫn đến khách hàng đã bán xe và sử dụng vốn vào mục đích khác mà không trả nợ cho ngân hàng.

TTGS khuyến nghị PGBank Đồng Nai ngoài kiểm tra định kỳ theo quy định nội bộ, cần chủ động, thường xuyên kiểm tra đột xuất tài sản đảm bảo để đảm bảo việc giải chấp hàng tồn kho theo đúng quy định và giá trị hàng tồn kho luôn đủ đảm bảo cho nghĩa vụ của khách hàng tại mọi thời điểm; đồng thời cần giám sát chặt chẽ tài chính của khách hàng, thường xuyên đánh giá tình hình hoạt động kinh doanh, theo dõi nguồn thu của khách hàng để có biện pháp tín dụng phù hợp, hạn chế tối đa rủi ro cho PGBank.

TTGS yêu cầu Giám đốc PGBank Đồng Nai rà soát toàn bộ những tồn tại, rút kinh nghiệm về những tồn tại, vi phạm trong hoạt động của chi nhánh. Yêu cầu PGBank tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với Chi nhánh Đồng Nai; tổ chức họp kiểm điểm trách nhiệm đối với những người có liên quan.

PGBank là ngân hàng có cơ cấu cổ đông khá cô đặc. Theo danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên do PGBank công bố gần nhất, 3 cổ đông tổ chức và 13 cổ đông cá nhân nắm giữ tổng cộng 97,416% vốn điều lệ của ngân hàng. 

Trong đó, 3 cổ đông tổ chức nắm giữ 40% vốn điều lệ PGBank sau khi mua lại 120 triệu cổ phần PGBank từ tay Petrolimex hồi tháng 4/2023 gồm: CTCP Quốc tế Cường Phát (13,541%), CTCP Thương mại Vũ Anh Đức (13,360%), và Công ty TNHH XNK và Phát triển thương mại Gia Linh (13,099%).

Cả 3 pháp nhân nói trên đều có lãnh đạo là những người ít nhiều liên quan đến Tập đoàn Thành Công (TC Group) của Chủ tịch Nguyễn Anh Tuấn, một tập đoàn lắp ráp và phân phối xe ô tô nhãn hiệu Hyundai tại thị trường Việt Nam.