Xuất phát từ vùng quê dân dã, qua công đoạn chế biến cầu kỳ, cá kho làng Vũ Đại mang hương vị đặc trưng, thơm mà không tanh, ngậy mà không béo.
Nổi tiếng trong tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao, làng Vũ Đại cũng chính là quê hương của tác giả. Hiện nay, làng Vũ Đại đã đổi tên là làng Nhân Hậu, thuộc địa phận xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Trong ảnh: Làng Vũ Đại ngày nay. (Ảnh: Kien1980v) |
Nơi đây nổi tiếng với món cá kho nức tiếng gần xa. Món ăn này đã có từ lâu đời, được người dân Hà Nam nấu vào mỗi dịp Tết. Còn ngày nay, cá kho làng Vũ Đại đã trở thành đặc sản, nhiều làng nghề chế biến để phục vụ nhu cầu của khách hàng. (Nguồn: Tạp chí Du lịch TP. Hồ Chí Minh) |
Ngoài tên cá kho Vũ Đại nổi tiếng, món cá kho này có nhiều tên gọi khác nhau như cá kho Bá Kiến, cá kho Đại Hoàng, cá kho Nhân Hậu, cá kho Hà Nam… (Nguồn: Hà Nam) |
Bí quyết để thực khách nhớ mãi không chỉ ở tên thương hiệu mà chính từ hương vị đặc trưng, hiếm nơi nào có được. (Nguồn: Wow Weekend) |
Theo lời kể của người dân địa phương thì món cá kho Làng Vũ Đại đã có từ rất nhiều năm về trước. Khi đó, vào dịp Tết đến Xuân về, người dân làng Vũ Đại không có điều kiện để mua các loại thực phẩm đa dạng cúng tổ tiên. Thế nhưng, họ vẫn mong muốn dâng lên bàn thờ món ăn ngon nhất, mâm cao cỗ đầy nên đã nghĩ ra cách kho cá. (Nguồn: Tạp chí Du lịch TP. Hồ Chí Minh) |
Cá kho để được lâu, hương vị thì đậm đà, càng kho lại nhiều lần càng ngon. Vì thế nên món ăn này rất hợp với thời kỳ người dân còn nhiều khó khăn. (Nguồn: Hà Nam) |
Cá kho làng Vũ Đại đặc biệt hơn cá kho ở những nơi khác bởi nguyên liệu hoàn toàn từ tự nhiên, không chất bảo quản, thơm mà không tanh, ngậy mà không béo, khúc cá kho có màu đen nâu thịt cứng săn chắc, xương mềm, khi ăn không phải bỏ đi chút nào. (Ảnh: Loan Trần) |
Các gia vị làm nên sự đặc trưng nồi cá kho truyền thống là riềng củ, gừng, ớt, chanh, hành củ, muối hạt, đường, nước cốt cua đồng, nước mắm cốt, nước hầm xương, nước dừa… bí quyết và hương vị của một nồi cá đạt chuẩn được quyết định chủ yếu ở khâu nêm nếm gia vị. (Nguồn: VOV) |
Việc làm ra nồi cá cơ bản có 3 công đoạn chính là làm cá, xếp cá vào nồi và kho cá, nhưng mỗi khâu đều có những yêu cầu khắt khe, nghiêm ngặt để tạo ra nồi cá kho đạt chất lượng. Sau đó được đưa đi kho liên tục từ 12 đến 14 tiếng, lửa luôn phải đều, không quá to cũng không quá nhỏ. Cuối cùng ủ trấu để giữ nhiệt cho nồi luôn sôi lục bục. (Nguồn: VTC News) |
Thứ củi dùng kho cá phải là củi nhãn, bởi củi nhãn cho lượng nhiệt cao khử mùi đất nung và giúp cá nhừ xương. Trong quá trình kho phải liên tục thêm nước khi cạn, đến khi nồi cá chỉ còn khoảng một thìa nước thì mới tắt bếp. (Nguồn: VTC News) |
Cá kho xong đạt chuẩn phải không còn mùi tanh, từng miếng thơm ngon, chắc thịt, còn nguyên thớ. (Nguồn: Hà Nam) |
Món ăn này “chinh phục” thực khách bởi sự bình dị, dân giã, hương vị quê nhà nồng đượm. Đấy chính là lý do khiến đặc sản này nức tiếng gần xa. Thậm chí, nhiều ngôi làng ở Hà Nam đã phát triển nghề làm cá kho, phân phối đi khắp các địa phương trên cả nước. (Nguồn: VTC News) |
Với người dân nơi đây, cá kho là ký ức thấm đượm tình làng nghĩa xóm mỗi độ xuân về, thấm đượm nỗi niềm thương nhớ mâm cơm đầu năm của một thời cơ cực. Món ăn dân dã, mộc mạc, tự bao giờ đã vang danh, đem lại tiếng thơm, góp phần không nhỏ vào quá trình “thay da đổi thịt” của làng Vũ Đại xưa. (Nguồn: VOV) |
Nguồn: https://baoquocte.vn/ca-kho-lang-vu-dai-dac-san-nuc-tieng-gan-xa-cua-ha-nam-297949.html