Cá hồi nổi tiếng là món ăn rất giàu dinh dưỡng. Trong 100 gram cá hồi có khoảng 180 calo, 22 đến 25 gram protein, a xít béo omega-3 cùng nhiều dưỡng chất khác như vitamin B6, B12, selenium, niacin, theo chuyên trang dinh dưỡng và sức khỏe Eat This, Not That! (Mỹ).
Sau khi nấu chín, cá hồi còn nóng không nên cho ngay vào tủ lạnh. Cá chín cần được để nguội đến nhiệt độ phòng, sau đó mới cho vào tủ lạnh. Một điều cần lưu ý là thời gian để cá ở nhiệt độ phòng không nên quá 2 giờ.
Bảo quản không đúng cách sẽ khiến cá hồi dù để trong tủ lạnh nhưng vẫn có thể bị hỏng. Sau khi để nguội, cá cần được bao bọc trong bịch kín rồi mới cho vào tủ lạnh. Cách này sẽ giúp giảm thiểu vi khuẩn từ các thực phẩm khác trong tủ lạnh lây lan và phát triển trên thịt cá hồi. Nếu cẩn thận, mọi người nên dán nhãn ngày bắt đầu bảo quản trong tủ lạnh để tiện theo dõi.
Nhiệt độ lý tưởng để bảo quản cá hồi là dưới 4,4 độ C, thậm chí lạnh hơn càng tốt. Nhiệt độ này sẽ giúp làm chậm sự phát triển của vi khuẩn và bảo quản cá lâu hơn. Cách bảo quản này sẽ giúp thịt cá hồi nấu chín có thể được lưu trữ an toàn trong tủ lạnh từ 3 đến 4 ngày.
Ngoài ra, còn một yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến thời gian lưu trữ của cá hồi nấu chín là độ tươi ban đầu của cá, điều kiện nhiệt độ của thịt khi còn tươi và cách chế biến. Nếu cá hồi có chất lượng cao và không có mùi hôi thì thịt cá sau khi nấu chín có thể để trong tủ lạnh đến 4 ngày. Nếu để trong ngăn đông, thịt cá hồi sau khi nấu chín có thể được bảo quản từ 2 – 3 tháng.
Khi lấy thịt cá hồi ra để chuẩn bị chế biến lại, mọi người cũng cần nhận biết được các dấu hiệu cá bị hỏng và khi nào nên bỏ. Dấu hiệu rõ nét nhất cảnh báo cá bị hỏng là có mùi chua hoặc thịt bị bở, màu sắc thay đổi.
Trong trường hợp bạn quên mất và đã để cá lâu quá 4 ngày trong ngăn mát tủ lạnh thì tốt nhất là nên bỏ. Đây là phương án an toàn nhất giúp tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm, theo Eat This, Not That!.