Ngày 9/2, hai cựu thủ tướng đối địch của Pakistan Nawaz Sharif và Imran Khan, đều tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội căng thẳng với hàng loạt cuộc đánh bom đẫm máu 1 ngày trước đó, khiến cho tương lai chính trị tại quốc gia Nam Á này càng trở nên khó lường.
3 ứng viên chính trong cuộc bầu cử ở Pakistan, từ trái sang: cựu thủ tướng Nawaz Sharif, cựu thủ tướng Imran Khan và cựu bộ trưởng ngoại giao Bilawal Bhutto Zardari. (Nguồn: the Dawn) |
Với 69 ghế, chính đảng Liên minh Hồi giáo – Nawaz (PML-N) của cựu thủ tướng Nawaz Sharif giành được nhiều ghế nhất với tư cách một khối chính trị đơn lẻ.
Tuy nhiên những người ủng hộ cựu thủ tướng đang chịu án tù Imran Khan, những người tham gia tranh cử với tư cách ứng viên độc lập sau khi chính đảng của ông (PTI) bị cấm tham gia tranh cử, giành được tổng cộng 98 ghế tại cơ quan lập pháp có tổng cộng 265 ghế của Pakistan.
Trong khi đó, Đảng Nhân dân Pakistan (PPP) của ông Bilawal Bhutto Zardari, con trai cố thủ tướng Benazir Bhutto, giành được 51 ghế.
Các nhà phân tích từng dự đoán sẽ không có chính đảng nào giành chiến thắng rõ ràng trong cuộc tổng tuyển cử căng thẳng lần này, trong bối cảnh Pakistan vẫn đang vật lộn để khôi phục sau khủng hoảng kinh tế, đồng thời tình trạng bạo lực và phân cực chính trị ngày càng gia tăng.
Trước đó, ông Nawaz Sharif từng tuyên bố nếu chính đảng của mình không giành đủ đa số ghế trong Quốc hội để thành lập chính phủ, ông sẽ liên minh với các chính đảng khác để đạt mục đích này.
Trong khi đó, những ứng cử viên độc lập ủng hộ ông Imran Khan cho biết sẽ nhóm họp đồng thời tham vấn với vị cựu thủ tướng đang bị giam giữ này để xác định bước đi tiếp theo.
Theo luật pháp Pakistan, các ứng cử viên độc lập không được quyền lập chính đảng mới để thành lập chính phủ dù giành được tổng số ghế đa số, nhưng có quyền gia nhập bất kỳ chính đảng nào tham gia tranh cử với tư cách nghị sĩ.