Trong bộ ảnh lấy cảm hứng từ tranh của các họa sĩ Lê Phổ và Mai Trung Thứ còn có sự xuất hiện của hai bé Triệu Mẫn (8 tuổi), Triệu Minh (4 tuổi). Tuy tuổi còn rất nhỏ nhưng hai bé vẫn diễn xuất “thần sầu” để cho ra bộ ảnh gia đình cực đẹp mắt.
Người chụp bộ ảnh này là Minh Sơn (hay còn gọi là Zim Lục, 32 tuổi, sống tại Hà Nội). Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, anh cho biết một lần qua nhà bạn chơi thì tình cờ xem tranh của cụ Lê Phổ và Mai Trung Thứ. Lúc đó, anh thực sự bất ngờ và thu hút bởi một bức tranh với khổ rất nhỏ nhưng lại có giá trị quá lớn, mang đậm tính Việt.
Về nhà, anh tìm hiểu thêm các tác phẩm cũng như cuộc đời của hai danh họa và quyết định tái hiện các bức danh họa triệu đô theo một phiên bản mới.
Để hoàn thành bộ ảnh, ê kíp đã trải qua nhiều công đoạn như chọn tác phẩm phù hợp để chuyển thể sang ảnh nhưng vẫn giữ tinh thần về bố cục, tỉ lệ, màu sắc; thống nhất layout trang điểm, làm tóc… Cuối cùng là xử lý đồ họa để bức ảnh chụp mà cứ như là tranh vẽ. Ánh sáng cũng phải được tính toán kỹ sao cho giống nhất với từng nguyên tác.
Theo nhiếp ảnh gia, tạo hình và diễn xuất của các người mẫu là một câu chuyện đặc biệt khó. “Không phải cứ bắt chước y chang là được vì bản chất tỉ lệ cơ thể trong tranh và ảnh là khác nhau. Ê kíp phải sắp xếp từng tà áo dài, từng nếp quần để tạo ra được những nét vẽ mềm mại, đường cong nhẹ nhàng thanh thoát đặc trưng của tranh các cụ”, Minh Sơn chia sẻ.
Hải Yến (mẫu nữ trong bộ ảnh) cho biết gia đình chị là người yêu thích và sưu tầm những bức tranh của “Tứ kiệt Đông Dương”. Chị rất vui khi thấy mình trong hình trẻ trung chứ không quá đằm như tưởng tượng.
Ánh mắt của người phụ nữ trong tranh Lê Phổ và Mai Trung Thứ có chút mơ mộng, xa xăm, u sầu tư lự nhưng lại sang trọng đến lạ kỳ. Chị Hải Yến phải diễn nhiều lần để ra được thần thái đẹp như trong tranh.
Kể về hai con chim trong ảnh, chị cho biết đây là hai chú chim hoàng khuyên mắt đỏ rất hiếm và quý của chồng chị. Giá trị của cặp chim lên đến 700 triệu đồng. Khi nghe kể về cặp chim này, cả ê kíp không ai dám xách lồng, phải bật nhỏ nhạc, tìm các bài nhạc nhẹ nhàng để hai “mẫu chim” được tĩnh tâm, không hoảng sợ vì bị lạ không gian.
“Khi chụp ảnh, các con cũng rất vui khi biết được thêm nhiều kiến thức về hội họa, lịch sử. Các con quyến luyến đến tận cuối buổi chụp mãi không chịu về. Đây sẽ là kỷ niệm đáng nhớ của gia đình”, chị nói.
Nhiếp ảnh gia Minh Sơn tâm tình, anh và các bạn muốn góp một phần nhỏ vào việc bảo tồn, gìn giữ và tiếp lửa cho những giá trị truyền thống Việt Nam để truyền cảm hứng cho Gen Z.
“Có nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện nhưng rào cản lớn nhất vẫn là nỗi sợ. Cộng đồng yêu tranh rất khắt khe, nhất là về tranh cổ, chưa kể đây còn là các tác phẩm quá nổi tiếng. Mình khá lo lắng việc tái hiện tranh bằng hình thức khác sẽ gây ra nhiều ý kiến trái chiều.
Nghĩ đi nghĩ lại, tụi mình vẫn muốn thực hiện để làm sống lại những giá trị nghệ thuật to lớn mà ông cha để lại theo cách nhìn của thế hệ trẻ hiện đại. Văn hóa nghệ thuật là sống mãi với thời gian”, anh chia sẻ.