Ngày xưa má vẫn kể, trong ký ức tuổi thơ của má, những chú cá diếc đồng mắt đỏ quạch thơm ngon, béo ngậy mà mấy chị em má bắt được mỗi khi lụt về là món quà vô giá.
“Khi trời mưa lụt, ngồi trong nhà nhìn ra, thấy nước vừa vô đồng là rải lưới bắt cá, rồi đếm cá…” – má kể. Có lẽ, đó đều là những kỷ niệm vô cùng ý nghĩa với một người đã từng trải qua bao sóng gió cuộc đời như má. Vậy ra, món quà đó có ý nghĩa trong nhiều thế hệ của gia đình tôi.
Má bảo nếu ai cảm thấy mệt mỏi, nóng trong người thì mua cá diếc về ăn sẽ mát mẻ, khỏe khoắn hẳn. Má nói đó là những lời trong dân gian truyền miệng lâu nay, ai muốn thí nghiệm thì cứ ăn thử, bởi chưa nói đến chuyện… giải nhiệt thì cá diếc còn là món ngon được khá nhiều người ưa thích.
Cá đồng ở quê tôi có nhiều loại như cá rô, cá sặc, cá mại, cá trê,… Cá nào cũng đều ngon và mang một dư vị riêng. Nhưng thơm ngon mà dân dã nhất có lẽ là món canh cá diếc nấu rau răm.
Cá diếc có con to bằng cả lòng bàn tay, thịt thơm ngon không kém gì các loại cá khác nhưng lại có rất sẵn ở vùng quê tôi. \
Sau khi đem làm sạch để ráo nước, tranh thủ ra vườn sau nhà vặt nắm rau răm nữa là có thể bắt đầu chế biến.
Tô canh cá diếc rau răm. Ảnh: Mỹ Liên
Cá diếc không cần ướp quá cầu kỳ, màu mè chỉ cần thêm chút tiêu, bột ngọt, muối là đủ. Để canh cá khỏi tanh, sau khi đun nước thật sôi mới thả cá vào.
Đợi cá chín xong, tiếp tục thả chút gia vị, cà chua, rau răm đã lặt nhỏ bẻ thêm vài trái ớt thì được một nồi canh cá diếc mê ly.
Điều quan trọng khi chế biến là phải canh sao cho cá diếc chín mềm nhưng không bị nát. Một phần bởi loại cá này xương vụn rất nhiều ăn không cẩn thận dễ bị hóc xương, một phần để bộ trứng béo ngậy trong bụng cá không bị nát hòa tan vào nước.
Khi nước sôi trở lại thì nhấc xuống khỏi bếp thế là đã có món cá diếc kho ngót với rau răm dịu ngọt, tỏa hương thơm phức. Theo kinh nghiệm của người dân quê tôi, canh cá diếc nấu rau răm hòa vào nhau sẽ giúp cơ thể thanh mát, giải nhiệt, xua đi mệt mỏi sau công việc bộn bề.
Tuổi thơ ấu ra sao, lớn lên cũng thế. Dù đi xa nơi đâu tôi vẫn thấy bát canh cá diếc đậm đà, dân dã… là nhất.
Tuy ở phố đôi khi cũng khó kiếm được mớ cá diếc tươi ngon như khi xưa ở quê nhà, nhưng cái vị ngon ngọt của món canh cá này với tôi là một ao ước, hơn bất cứ món “sơn hào hải vị” nào mà tôi từng được thấy ở các nhà hàng cao cấp.
Có lẽ cũng bởi nó chan chứa dư vị quê hương, chan chứa cái hồn của đất, của con người dân dã, mộc mạc quê tôi.
Cá diếc đồng, cá diếc ao xưa kia là loài cá bình thường, thậm chí nhiều nơi dân ít ăn, nay loại cá quê mùa này trở thành cá đặc sản không phải muốn ăn là có, muốn mua là sẵn…
Giờ đây, quê tôi đất ruộng bây giờ phần nào đang bị thu hẹp dần và ô nhiễm bởi thuốc, phân hóa học khiến cho loài cá diếc không còn nêm chặt cái lờ, tấm lưới như ngày xưa lũ trẻ chúng tôi hay đội mưa gió bão bùng đi gỡ cá.
Nhưng quên sao được cái dư vị thân thương ấm áp của bát canh cá diếc rau răm mang hồn quê. Miếng thịt cá ngọt mềm dần tan trong miệng mang hương vị phù sa sông nước, đồng quê hòa quyện với hương thơm của rau răm nơi vườn nhà.
Trong những ngày mưa gió dầm dề se lạnh, ta chịu khó vào bếp để được thưởng thức tô canh cá diếc nấu rau răm ngọt mát thì thích thú biết bao.
Cá diếc trong nồi canh được gắp riêng ra dĩa rồi lấy đũa dẻ từng miếng thịt trắng phau, thơm phức. Thưởng thức tô canh cá diếc kiểu này, những người sành ăn thường kèm thêm chén nước mắm “rin” dầm mấy trái ớt xanh để chấm thịt cá diếc mới đậm đà khẩu vị.
Má vẫn dặn, nấu cá diếc với rau răm tuy làm đơn giản nhưng cần cẩn thận vì sợ tanh. Không phải là món cao lương mĩ vị nào đó, chỉ là món ăn được làm từ những sản vật đồng quê nhưng với chúng tôi – những đứa con của má thì món ăn chính là món quà vô giá mà má dành tặng.
Và chắc hẳn, bây giờ và sau này, có đi đâu, thưởng thức những món sơn hào hải vị trong những nhà hàng sang trọng nào đó, thì mỗi khi cái se lạnh đầu đông ùa về, một tô canh cá diếc nấu rau răm ăn với bát cơm trắng cùng những câu chuyện và tình cảm của má vẫn làm tôi nhớ da diết…
Nguồn: https://danviet.vn/ca-diec-dong-xua-cau-la-liet-giat-moi-tay-an-chan-che-nay-ca-dac-san-nha-giau-dang-san-lung-2024050618322447.htm