“Cả đêm tôi không ngủ được, thương trò Trọng lắm”
Sáng nay (25/7), cùng dòng người lặng lẽ vào Nhà tang lễ Quốc gia viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thầy giáo Nguyễn Ngọc Sơn (89 tuổi), giảng viên khoa Văn – Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học quốc gia Hà Nội) vô cùng xúc động.
Thầy Sơn thuộc lớp sinh viên Khoá 1 khoa Văn – Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, từng là giảng viên được giao nhiệm vụ đi cùng lớp Văn Khoá 8 – khóa học có sinh viên Nguyễn Phú Trọng, đi sơ tán ở huyện Đại Từ, tỉnh Bắc Thái (bây giờ là tỉnh Thái Nguyên) năm 1965.
Hôm nay, thầy Sơn cùng 15 cựu sinh viên lớp Văn Khoá 8 có mặt tại Nhà tang Lễ Quốc gia đưa tiễn học trò Nguyễn Phú Trọng. Những ngày Tổng Bí thư nằm viện, thầy giáo cập nhật tin tức về ông qua các học trò cũ lớp Văn.
Trong tâm trí thầy Sơn, “học trò Trọng là người chân chất, hiền lành, một người sống rất chân thành, trong sáng”. Ngày đi học, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Bí thư Chi đoàn, được mọi người tín nhiệm. Ông là người rất chịu khó, ham học với dáng vẻ thư sinh.
Nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, thầy Sơn vô cùng hụt hẫng, thương xót cho người học trò. Thầy Sơn nhớ những lần hội ngộ lớp Văn chủ yếu hỏi thăm sức khỏe nhau, nói chuyện xoay quanh chữ “tình”, là tình thầy trò, tình bạn, tình đồng nghiệp, tình người.
Trong một lần gặp mặt, thầy Sơn nói: “Anh Trọng ơi, hôm nay về họp lớp, anh nói chữ tình nặng lắm. Thầy tặng anh đôi câu đối chữ Hán sưu tầm được: Thế gian vạn sự giai bào ảnh/ Thiên kiếp duy dư nhất điểm tình. Nghĩa là mọi sự trên thế gian chỉ là ảo ảnh, cái còn lại mọi kiếp người là chữ tình, đó là “tình đời, tình người”. Đọc xong Tổng Bí thư rất thích và không quên gửi lời: Em cảm ơn thầy”.
“Đêm nay là đêm thứ 3 tôi không ngủ được, thương trò Trọng lắm. Tối qua tôi thức trắng đêm. Hôm nay, tôi đi cùng các học trò lớp Văn Khoá 8, chờ đợi đến giờ vào thắp nén nhang cho Trọng. Chúng tôi đã mất đi một người thân yêu nhất – của thầy và trò”, thầy Sơn xúc động nói.
Ký ức về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong lòng bạn bè lớp Văn Khoá 8
Nghệ sĩ, nhiếp ảnh Vũ Huyến, cựu sinh viên Văn Khoá 8 vô cùng ấn tượng về người bạn học. Ông kể, hồi mới nhập học, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “gầy ơi là gầy, quần áo chỉnh tề, áo bỏ trong quần và cái dây lưng thắt đến nấc cuối cùng mới vừa”.
Trong tiềm thức của ông Huyến, người bạn thân quý Nguyễn Phú Trọng khi ấy rất chỉn chu, chỉn chu từ chữ viết đến tác phong, nền nếp.
“Anh là Bí thư Chi đoàn, tất cả các cuộc họp anh đều đến rất đúng giờ, cứ ngồi đó cùng cây bút và quyển sổ. Chúng tôi có nhiều lúc mải đá bóng đến muộn mươi mười lăm phút nhưng đồng chí Bí thư Chi đoàn không bao giờ phê bình hay nặng lời.
Sau nhiều lần như thế, về sau chúng tôi đã tạo được thói quen đúng giờ cho bản thân. Cái chất này của anh Trọng đã theo suốt thời sinh viên và trở thành nổi tiếng cùng với tài viết chữ đẹp của anh. Anh Trọng không phải người có nhiều tài lẻ, nhưng anh tổ chức phong trào thì tuyệt vời, ví dụ như trong quá trình thực tập ở Lạng Sơn, anh cũng tổ chức cho anh em tham gia làm đường giúp dân. Khi sơ tán ở Vạn Thọ, Đại Từ, Thái Nguyên, anh tổ chức nhiều hoạt động bổ ích khác nhằm giúp đỡ nhân dân nơi sơ tán”, ông Huyến kể lại.
Theo ông Huyến, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một trong số rất ít sinh viên ưu tú thời bấy giờ được kết nạp Đảng tại trường. “Thời gian chúng tôi sơ tán về xóm Tràng Dương, xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ (1965 – 1967), tỉnh Thái Nguyên là quãng thời gian để lại ấn tượng sâu sắc nhất. Sau này khi có điều kiện, lớp chúng tôi đã quay lại Vạn Thọ để thăm lại mảnh đất ân tình ấy.
Năm 2005, tôi là một trong những thành viên tổ chức cuộc trở về này. Anh Nguyễn Phú Trọng khi ấy là Bí thư Thành ủy Hà Nội đã nói với tôi: Ông Huyến nhớ nhé, đừng có giới thiệu mình là gì cả, đây là mình về thăm làng Tràng Dương, sinh viên cũ về thăm lại nơi bà con đã nuôi mình để cảm ơn, nên không cần giới thiệu chức danh bất kỳ ai cả. Theo mình là nên thế”, ông Huyến xúc động kể.
Ông Huyến nhớ như in, trong một lần tổ chức họp lớp nhưng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi ấy xin phép vắng mặt vì lý do đã hứa với các thầy giáo Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (nơi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng theo học 6 năm phổ thông) rằng, ngay sau khi có quyết định của Trung ương giao nhiệm vụ mới sẽ về thăm trường cũ, nên không thể đến họp lớp được.
“Sau đó chúng tôi biết là vợ chồng anh Trọng đã đèo nhau bằng xe máy về thăm các thầy. Dù ở cương vị nào anh luôn giản dị, gần gũi như vậy. Chúng tôi thực sự cảm động! Lớp chúng tôi rất gắn kết với nhau, việc vui việc buồn đều chia sẻ. Anh Nguyễn Phú Trọng bận bịu như vậy nhưng vẫn dành thời gian cho bạn bè. Chúng tôi tổ chức đám cưới cho con, anh Trọng vẫn đến chia vui với các cháu. Anh đã đến nhà riêng của nhiều người trong lớp, trong đó có nhà tôi những khi cưới con. Anh rất tình cảm, quan tâm và chu đáo với mọi người.
Mấy ngày nay, cùng với nhân dân cả nước, lớp VănKhóa 8 chúng tôi thương tiếc một người bạn vô cùng đặc biệt, một nhân cách tuyệt vời. Thương tiếc anh vô cùng! Anh Trọng ơi, xin bái biệt!”, ông Huyến nói lời tiễn biệt.
Nguồn: https://danviet.vn/thay-giao-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-ca-dem-toi-khong-ngu-duoc-thuong-tro-trong-lam-20240725090953882.htm