Doanh nhân Lê Như Thạch, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bcons: Cá bơi ngược dòng mới là cá sống”
Đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt và bối cảnh thị trường không mấy thuận lợi, doanh nhân Lê Như Thạch đã chèo lái “con thuyền” Bcons chạy ngược dòng, đồng thời ấp ủ kế hoạch “vươn ra biển lớn”.
Doanh nhân Lê Như Thạch, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bcons. |
Từ giảng đường đến thương trường
“Em ơi! Anh còn đi xây nhiều nhà khắp nơi. Nhiều tổ ấm sống vui tình lứa đôi… Anh càng yêu em, càng hăng say, xây cho nhà cao, cao mãi…”. Lời bài hát này chính là nguồn cảm hứng khiến ông Lê Như Thạch (sinh năm 1977) ước mơ trở thành kỹ sư xây dựng. Để thực hiện ước mơ, năm 1995, ông quyết định thi vào Khoa Xây dựng, Trường đại học Bách khoa TP.HCM.
Sau khi tốt nghiệp, ông được nhà trường giữ lại làm giảng viên, rồi được đi tu nghiệp ở nước ngoài. Trong suốt thời gian này, ông đã được trải nghiệm trong một xã hội phát triển, văn minh, những đô thị có nhiều mảng xanh và không gian sống, nhiều công ty trường tồn qua hàng trăm năm…
Ông luôn trăn trở việc làm sao tạo ra những công ty và tập đoàn trường tồn; xây dựng các khu nhà đảm bảo cho cư dân được tận hưởng không gian sống xanh, sạch, đẹp… “Chính khát vọng đó đã thôi thúc tôi chuyển từ giảng đường sang thương trường. Năm 2013, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Bcons chính thức ra đời”, ông Thạch chia sẻ.
Ở giai đoạn đầu hình thành và phát triển, Bcons chủ yếu thi công cho các đơn vị khác. Sau khi tích lũy “đủ vốn”, hoạt động xây dựng chủ yếu phục vụ thi công dự án do chính Công ty làm chủ đầu tư. Năm 2018, những “đứa con” đầu tiên ra đời, như Bcons Suối Tiên (653 căn hộ), Bcons Miền Đông (768 căn hộ)…
Doanh nhân Lê Như Thạch chia sẻ: “Khởi điểm, tôi đam mê lĩnh vực xây dựng, chứ không phải bất động sản. Nhưng hai ngành này lại có mối liên kết và gắn chặt với nhau, nên duyên số đã đưa đẩy tôi đến với bất động sản”.
Với kinh nghiệm nghiên cứu và giảng dạy, ông tìm tòi, áp dụng những kinh nghiệm và công nghệ mới trong ngành xây dựng để phát triển các dự án của Công ty.
“Muốn giá thành bất động sản thấp, ngoài những yếu tố giá đất, lãi vay…, thì cái quan trọng nhất là thiết kế phải tối ưu, thi công phải được quản lý tốt và tiết giảm chi phí. Vì vậy, sản phẩm của Bcons tung ra thị trường thường có giá thấp và phù hợp với người tiêu dùng. Đó là lý do tôi khởi nghiệp trong lĩnh vực bất động sản từ nghề xây dựng”, ông Thạch nói.
Tự tin với lối đi riêng
Là “tân binh” trên thị trường bất động sản phía Nam, nhưng đến nay, Bcons đã phát triển và cung cấp ra thị trường hơn chục dự án chung cư và các sản phẩm khác, với hơn 12.000 căn hộ. Ngoài ra, Bcons có 9 dự án đang trong giai đoạn phát triển. Đây được xem là con số khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành ao ước.
– Doanh nhân Lê Như Thạch
Điều đáng chú ý là, dự án của Bcons chủ yếu tập trung ở tỉnh Bình Dương, khu vực lân cận TP.HCM, với giá bán ở phân khúc tầm trung. Giải thích lý do chọn Bình Dương làm thị trường chính của Công ty, ông Thạch cho biết, quỹ đất ở TP.HCM ngày càng khan hiếm và giá cao, nên Bình Dương đang là điểm đến hấp dẫn.
Hơn nữa, kết nối giữa Bình Dương và TP.HCM ngày càng thuận lợi, việc di chuyển đến trung tâm TP.HCM nhanh chóng hơn. Việc đẩy mạnh đầu tư công của Bình Dương cũng là động lực thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, đặc biệt là các đề án về hạ tầng giao thông, nâng cấp đô thị.
Dẫu vậy, thành công của Bcons được ông Thạch đánh giá là nhờ lối đi khác biệt. Ngay từ ngày đầu thành lập, ông không ngừng học hỏi, tiếp nhận và chắt lọc những kiến thức, công nghệ mới. Đặc biệt, để làm được sản phẩm dành cho đối tượng trung bình khá, người đứng đầu Bcons luôn nghĩ cách để hạ giá thành.
“Bcons chỉ tập trung vào công năng của sản phẩm và sự tiện dụng cho khách hàng, chứ không quá tập trung để tạo hình ảnh hào nhoáng bên ngoài. Tất cả sự đẹp đẽ bề ngoài cũng chỉ làm tăng giá thành mà thôi. Với phương châm đó, chúng tôi tập trung xây dựng nhà chung cư để đáp ứng và tạo điều kiện cho nhiều đối tượng có nhu cầu ở thực”, ông Thạch khẳng định.
Không những thế, yếu tố truyền lửa được người lãnh đạo này nuôi dưỡng mỗi ngày tại doanh nghiệp. Ngọn lửa nhiệt huyết, niềm hy vọng luôn được ông “thổi bùng” qua lối phân công và chịu trách nhiệm, hưởng theo năng suất. Việc này thôi thúc mỗi cá nhân luôn cố gắng làm tốt nhất công việc của mình.
Theo ông Thạch, việc xây dựng nền tảng ý thức hệ có vai trò quan trọng và ý nghĩa với sự sống còn của một doanh nghiệp. Vậy nên, bản thân ông luôn dành thời gian để chia sẻ với nhân viên về những ước mơ, qua đó gợi lên niềm đam mê cho người lao động.
“Kinh doanh muốn bền vững phải giữ chữ tín”
Khẩu hiệu trên của Bcons cho thấy, vị doanh nhân này lấy chữ “Tín” làm kim chỉ nam cho hoạt động của doanh nghiệp. Song, theo chia sẻ của ông, chữ “Tín” của Bcons rất đơn giản. Đó là, hàng ngày, đưa ra mục tiêu nào thì phải làm được, nói đi đôi với làm, từ đó truyền cảm hứng cho mọi người và từng bước xây dựng tập thể làm việc trên tinh thần giữ chữ “Tín” trong mọi hoàn cảnh.
Người đứng đầu Bcons cũng xác định, phải đầu tư cho công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân sự một cách bài bản để cán bộ, nhân viên nói đi đôi với làm, giữ được chữ “Tín” với chính mình và với mọi người. Từ đó, chữ “Tín” sẽ mang lại kết quả công việc tốt đẹp. Dự án ban đầu tốt, được mọi người tin cậy, thì các dự án sau càng làm tốt hơn nữa.
“Giữ được chữ “Tín” như giữ cả mỏ vàng. Nếu thực hành tốt, thì có nhiều cơ hội đến với mình, công ty phát triển mạnh. Đó cũng chính là nền tảng tạo dựng nên thương hiệu Bcons hôm nay. Chữ “Tín” chính là khác biệt của chúng tôi, là một trong các giá trị cốt lõi của Tập đoàn trong quá trình hoạt động, giúp Bcons có bước phát triển mạnh mẽ trong những năm vừa qua.
Đối với khách hàng, chữ “Tín” rất cụ thể. Đó là các nội dung cam kết, hứa hẹn về thủ tục pháp lý, chất lượng, tiến độ sản phẩm… Công ty nỗ lực đáp ứng tốt nhất, đúng thời gian, từ đó tạo niềm tin cho đối tác”, ông Thạch khẳng định.
Kiên trì thực hiện mục tiêu
Trong lĩnh vực bất động sản, năm 2023 là thời gian khó khăn, được xem là “chạm đáy” của thị trường. Tuy nhiên, Bcons vẫn triển khai xây dựng loạt dự án mới và bàn giao những dự án thi công trước đó cho khách hàng.
Nói về hoạt động của Bcons, ông Thạch lấy hình ảnh con cá bơi ngược dòng làm dẫn chứng: “Cá trôi xuôi dòng là con cá ngợp. Cá bơi ngược dòng mới là cá sống, người nỗ lực vượt qua nghịch cảnh mới là người thành công. Bcons cũng vậy, phải luôn vận động, học hỏi, kiên trì thực hiện mục tiêu và hướng mình đến vị trí dẫn đầu ở từng lĩnh vực kinh doanh”.
Thậm chí, với định hướng phát triển đa ngành, ông Thạch còn lái “con thuyền” Bcons đầu tư vào lĩnh vực giáo dục. Theo đó, Bcons Education đã được thành lập với tổng vốn điều lệ 20 tỷ đồng và đang triển khai nhiều dự án giáo dục, như xây dựng hệ thống giáo dục B.School, gồm nhiều cấp học, từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và tiến tới đại học…
Ngoài ra, Bcons cũng “rót tiền” vào lĩnh vực dịch vụ và kho vận. Với mảng dịch vụ, Bcons Group hiện có 2 khách sạn ba sao ở Bình Dương và Đồng Nai đã đi vào hoạt động, cùng 3 khách sạn khác đang được xây dựng. Dự kiến đến năm 2025, Bcons Group sẽ có hơn 1.000 phòng khách sạn…
Trước kế hoạch đầy tham vọng đã đặt ra, doanh nghiệp cần nguồn lực lớn. Vì vậy, Bcons đã nộp hồ sơ để chuẩn bị phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). “Chỉ thông qua IPO thì mới có cơ hội thu hút vốn đầu tư. Nếu không có thay đổi, trong năm 2024, Bcons sẽ niêm yết trên sàn HoSE”, ông Thạch nói.
Ông cho biết thêm, tổng vốn điều lệ của Bcons hiện nay là 4.200 tỷ đồng, trong đó, công ty mẹ 1.300 tỷ đồng. Bcons dự kiến phát hành 20 triệu cổ phần.
Để đạt được mục tiêu trên, Bcons đã chuẩn bị sẵn sàng quỹ đất với tổng diện tích 35 ha để triển khai các dự án đưa ra thị trường từ nay đến năm 2030. Trong đó, 2/3 số dự án tọa lạc tại Bình Dương, còn lại là quỹ đất ở Lâm Đồng và TP.HCM. Bên cạnh đó, Bcons Group cũng có kế hoạch xây 1.000 căn hộ cho thuê thương hiệu Bhome ở gần Làng đại học quốc gia TP.HCM.