(CT) – Ngày 23-6, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ, tính từ đầu năm 2023 đến 20-6, Cần Thơ ghi nhận 1.067 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), so với cùng kỳ 2022 số ca mắc giảm 247 ca; bệnh tay chân miệng (TCM) ghi nhận 442 ca, giảm 469 ca so với cùng kỳ 2022.
Mặc dù số ca mắc giảm nhưng số ca nặng ghi nhận tăng so với cùng kỳ 2022, SXH Dengue độ 3 là 39 ca. TCM độ 2b ghi nhận là 13 ca và độ 3 là 3 ca.CDC Cần Thơ khuyến cáo người dân không nên lơ là, chủ quan trong việc phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là bệnh TCM và SXH.
CDC Cần Thơ giám sát phòng, chống SXH ở phường Thới An, quận Ô Môn. Ảnh: CTV
Bệnh TCM, SXH là những bệnh thường gặp ở trẻ, hầu hết các ca bệnh diễn biến nhẹ có thể điều trị ngoại trú tại nhà. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Lưu ý, cần đưa trẻ nhập viện ngay khi có những dấu hiệu chuyển nặng như: sốt cao từ 39 độ C trở lên; thở nhanh, khó thở; giật mình, lừ đừ, run chi, quấy khóc, bứt rứt khó ngủ, nôn nhiều; đi loạng choạng; da nổi vân tím, vã mồ hôi, tay chân lạnh; co giật, hôn mê…
Để chủ động phòng ngừa bệnh TCM, CDC Cần Thơ khuyến cáo: Giữ vệ sinh cá nhân, bàn tay sạch. Người lớn có thể mang mầm bệnh và lây cho trẻ (do đó khi đi ra ngoài về, phải vệ sinh tay sạch sẽ trước khi tiếp xúc với trẻ); ăn uống sạch; ở sạch.
Các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và hộ gia đình có trẻ dưới 6 tuổi thường xuyên theo dõi sức khỏe của trẻ. Trẻ bị bệnh TCM phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác.
Đối với phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết, mỗi người dân, mỗi gia đình cần diệt lăng quăng, diệt muỗi, dọn dẹp vật phế thải, vệ sinh trong và ngoài nhà, ngủ mùng kể cả ban ngày…
Đậy kín dụng cụ chứa nước. Ảnh: H.HOA
Tin, ảnh: H.HOA