Trước đó 1 ngày, 4 dự án (DA) thành phần với tổng chiều dài 188 km của dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng cũng đồng loạt “nóng máy”, bắt đầu hành trình mở đường phát triển kinh tế vùng ĐBSCL sau nhiều năm bị kìm hãm bởi hạ tầng. Đồng thời, DA nâng cấp, mở rộng đường ven biển Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT) nối Bình Thuận cũng được khởi công.
Một dải xương sống và các đại công trường trải từ Bắc vào Nam tiếp tục được khởi động, kỳ vọng tạo nên cú hích cho kinh tế VN nửa cuối năm 2023.
Con đường khát vọng
Theo kế hoạch của Văn phòng Chính phủ về việc tổ chức khởi công các DA đường bộ cao tốc và đường Vành đai 3, lễ khởi công 3 DA đường Vành đai 3 TP.HCM, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu và cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 hôm nay sẽ được kết nối trực tuyến từ điểm cầu chính TP.HCM với các điểm cầu tại tỉnh Đắk Lắk và BR-VT. Tại mỗi điểm cầu sẽ có 3 màn hình LED, trong đó có 1 đèn LED tại khu vực tổ chức nghi thức khởi công, để các đại biểu cùng chứng kiến nghi thức khởi công tại các điểm cầu khác và đảm bảo tất cả điểm cầu cùng thực hiện nghi thức khởi công đồng loạt cùng thời điểm. Hôm qua (17.6), lễ khởi công DA cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng cũng đã được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại bốn đầu cầu các địa phương.
“Từ công tác chuẩn bị đã phải thật long trọng, chỉn chu như vậy bởi đây đều là những công trình mang ý nghĩa rất quan trọng. Không chỉ là một buổi lễ khởi công, đây là hành trình đặt viên gạch đầu tiên cho những con đường khát vọng”, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý DA đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (TCIP), chủ đầu tư DA Vành đai 3 TP.HCM, chia sẻ với Thanh Niên trước “giờ G” khởi công các DA.
Điểm lại cụ thể 22 cột mốc của Vành đai 3 TP.HCM kể từ ngày 29.7.2021 khi Bộ GTVT có Công văn số 7770 bàn giao hồ sơ DA cho TP.HCM phục vụ công tác chuẩn bị đầu tư cho tới hôm nay (18.6) – ngày đường Vành đai 3 chính thức khởi công, ông Lương Minh Phúc không giấu nổi xúc động cho biết đó là cả một hành trình nhiều khó khăn nhưng đầy cảm xúc. Đây là DA đặc biệt quan trọng với TP.HCM bởi không chỉ rút ngắn thời gian lưu thông giữa các địa phương, tuyến đường còn giúp tăng tính kết nối liên vùng nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển các cụm công nghiệp, dịch vụ du lịch, đô thị hóa nông thôn dọc tuyến, kết nối các TP vệ tinh của TP.HCM, góp phần hình thành trung tâm theo hướng đô thị đa tâm.
Đáng nhớ, giai đoạn rục rịch chuẩn bị làm Vành đai 3 cũng là thời điểm cả nước đang thực hiện giãn cách xã hội để chiến đấu với đại dịch Covid-19. Thời gian gấp gáp bởi mục tiêu đặt ra là bằng mọi cách trong tháng 6.2022 phải trình được Quốc hội thông qua DA. Từ đầu cầu Hà Nội và đầu cầu TP.HCM, các nhóm chat hoạt động cả đêm, vừa làm hồ sơ, vừa làm tờ trình DA, góp ý, chỉnh sửa… Tất cả mọi người đều nhiễm Covid-19, nói không ra hơi nhưng vẫn họp, vẫn làm việc rất hăng say. Quá trình hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, rồi lên kế hoạch thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) của DA cũng là chuỗi tháng ngày xuyên qua những cuộc họp thông trưa, suốt tối.
Bên cạnh đó, việc hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch bồi thường GPMB (giai đoạn 1) và đảm bảo khởi công DA đúng tiến độ đề ra sau 1 năm phấn đấu là kết quả của sự quan tâm, hỗ trợ từ các lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành T.Ư cùng sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo TP, ban chỉ đạo, ban chỉ huy các DA thành phần… và cả hệ thống chính trị 4 địa phương mà DA đi qua. Đặc biệt là sự đồng thuận, đồng hành của người dân trong vùng triển khai DA.
“Đến thời điểm này, có thể nói gần như cả TP.HCM đang cùng chung tay làm Vành đai 3 một cách rất cảm xúc, không chỉ là nhiệm vụ đơn thuần. DA không chỉ là giấc mơ, là khát vọng của TP.HCM suốt hơn 1 thập niên qua mà còn là niềm tin cho ngành giao thông TP trong giai đoạn tới. Đây là lần đầu tiên TP.HCM được Quốc hội, Chính phủ giao làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai DA trọng điểm quốc gia và TP đã chứng minh được thành quả bằng cách làm mới, tiếp cận mới, tâm thế mới, tâm thế Vành đai 3, khát vọng Vành đai 3. Từ đây, cách làm mới sẽ được nhân rộng cho các DA khác, giao thông TP.HCM sẽ chứng kiến những bước đột phá trong tương lai”, ông Lương Minh Phúc kỳ vọng.
Cũng theo phía chủ đầu tư, để có thể hoàn thành DA vào cuối 2025 như mục tiêu đã đề ra, giai đoạn sau lễ khởi công, chủ đầu tư cùng các đơn vị phải tiếp tục cùng nhau vượt qua những khó khăn, thách thức vô cùng lớn, đó là đạt tỷ lệ 100% công tác bồi thường GPMB trước 31.12; đảm bảo tiến độ, chất lượng, an toàn thi công trên 47 km Vành đai 3 đoạn qua TP.HCM; giải quyết thật tốt bài toán vật liệu; phối hợp đồng bộ với các tỉnh Long An, Đồng Nai, Bình Dương trong quá trình triển khai và hoàn thành DA.
Trục giao thông xương sống vùng Đông Nam bộ thành hình
Háo hức không kém, người dân tỉnh BR-VT và Đồng Nai cũng đã trải qua 13 năm chờ đợi mỏi mòn để chứng kiến lễ khởi công tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu hôm nay.
Nói chờ đợi mỏi mòn là bởi hiện nay, giao thông kết nối đang là nỗi ám ảnh của các phương tiện thường xuyên lưu thông qua 2 địa phương này. BR-VT nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam và Đông Nam bộ. Đây là vùng kinh tế sôi động nhất của cả nước, dù dân số chỉ chiếm 18% nhưng đóng góp tới 50% tổng giá trị sản xuất công nghiệp, 36% tổng thu ngân sách quốc gia, 33% GDP cả nước. Tuy nhiên, hiện việc vận chuyển hàng hóa, hành khách trên hành lang TP.HCM – Vũng Tàu, kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía nam với cảng cửa ngõ quốc tế Vũng Tàu chủ yếu bằng giao thông đường bộ thông qua QL51 và đường thủy nội địa. Không chỉ riêng ngành công nghiệp chịu ảnh hưởng, du lịch tại BR-VT cũng bị ùn tắc giao thông gây tác động nghiêm trọng. Khách du lịch từ TP.HCM và các tỉnh khác đến Vũng Tàu chủ yếu thông qua QL51, đối mặt với kẹt xe liên tục khiến lượng khách đến với Vũng Tàu đang có xu hướng giảm đi đáng kể.
Tương tự, Đồng Nai vốn là thủ phủ cả về công nghiệp lẫn chăn nuôi nên nhu cầu kết nối giao thông phục vụ phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH) giữa hai địa phương và với TP.HCM là rất lớn, rất quan trọng. Nhưng cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây (HLD) từ lâu đã thành thấp tốc, các xe tải, xe container từ TP.HCM đi Đồng Nai, BR-VT đang bị “ám ảnh” với tuyến QL51. Thế nên cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu gánh trên mình nhiều mục tiêu và kỳ vọng.
Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ VN thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu kết nối trực tiếp với các cụm cảng Cái Mép – Thị Vải, sân bay Long Thành và vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Cụm cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu sau khi hoàn thành theo dự kiến vào năm 2025 sẽ kết nối các tuyến cao tốc HLD, cao tốc Bến Lức – Long Thành (đang triển khai), các tuyến đường kết nối vào sân bay Long Thành để hình thành trục giao thông xương sống giải quyết kẹt xe trên QL51. Thời gian chạy xe từ TP.HCM đến BR-VT sẽ được rút ngắn, chỉ còn khoảng
70 phút thay vì 150 phút như hiện nay. Đồng thời, tuyến đường sẽ phát huy tối đa tiềm năng của cảng biển Cái Mép – Thị Vải, sân bay quốc tế Long Thành, thúc đẩy phát triển KT-XH của các tỉnh Đồng Nai, BR-VT nói riêng và vùng Đông Nam bộ nói chung.
Cú hích cực mạnh đột phá kinh tế
Từ đầu cầu Đắk Lắk, lễ khởi công DA cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 cũng diễn ra sau những ngày tất bật cho công tác chuẩn bị của lãnh đạo UBND tỉnh. Cao tốc này được coi là tuyến đường nối rừng với biển, kỳ vọng hình thành trục ngang kết nối vùng Tây nguyên với duyên hải Nam Trung bộ, kết nối các trục dọc, phát huy hiệu quả DA đã và đang đầu tư. Đồng thời kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển, đáp ứng nhu cầu vận tải, động lực phát triển vùng Tây nguyên và duyên hải Nam Trung bộ.
“Đã lâu lắm rồi, khu vực Nam Trung bộ, đặc biệt là miền Nam, mới chứng kiến những bước chuyển động mạnh mẽ như vậy về hạ tầng giao thông”, TS Nguyễn Hữu Nguyên (Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN) chia sẻ.
Theo TS Nguyên, nhiều năm qua vùng kinh tế trọng điểm phía nam, vùng ĐBSCL có phần “thiệt thòi” hơn so với các tỉnh phía bắc về mạng lưới giao thông kết nối. Hạ tầng giao thông ì ạch suốt nhiều năm “trói chân” kinh tế, kìm hãm tốc độ hình thành và phát triển đô thị. Vì thế, việc đồng loạt khởi công các DA trọng điểm phía nam, Nam Trung bộ là hiện thực hóa chủ trương tăng cường mạng lưới giao thông cho miền Nam, miền Tây. Đây là hướng đi đúng đắn mà Quốc hội và Chính phủ cũng đã xác định cho một tầm nhìn phát triển bền vững, lâu dài.
“Những DA này còn có ý nghĩa hơn rất nhiều khi được triển khai vào đúng giai đoạn kinh tế của đầu tàu TP.HCM cũng như của cả nước đang trải qua khó khăn. Những đại công trường bắt đầu hoạt động, đồng nghĩa với vật liệu xây dựng đồng loạt được huy động, công nhân, nhà thầu đồng loạt có công ăn việc làm, hệ thống vận tải đồng loạt có đơn hàng… Đằng sau đó còn cả đội ngũ phục vụ hậu cần. Nhiều ngành nghề khác sẽ được kích hoạt, như một cú hích cực mạnh đột phá kinh tế”, TS Nguyễn Hữu Nguyên nhận định.
Mở rộng đường ven biển BR-VT nối Bình Thuận
Tỉnh BR-VT đã hoàn thành tuyến đường ven biển đầu tiên từ TP.Vũng Tàu đến H.Xuyên Mộc vào năm 2005. Tại Nghị quyết số 24 ngày 7.10.2022 của Bộ Chính trị về phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định đầu tư hoàn thiện hệ thống đường ven biển qua tỉnh BR-VT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà tỉnh này cần thực hiện. Đường ven biển BR-VT nối Bình Thuận được khởi công ngày 17.6 có chiều dài toàn tuyến là 76,86 km, đi qua 5 huyện, thị xã, thành phố là TX.Phú Mỹ, TP.Vũng Tàu và các huyện Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc, với tổng mức đầu tư trên 6.500 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Công Vinh, Phó chủ tịch UBND tỉnh BR-VT
Nguyễn Long (ghi)