Hãng Yonhap ngày 28.11 dẫn lời Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cho hay chiến dịch tổng lực của chính phủ nước này nhằm đưa World Expo 2030 đến thành phố Busan là nhằm mang lại sự phát triển cân bằng và tăng trưởng nhanh chóng.
Phát biểu được đưa ra tại cuộc họp nội các Hàn Quốc và vài giờ trước cuộc bỏ phiếu chọn thành phố đăng cai được tiến hành bởi Tổ chức Triển lãm quốc tế trong hôm nay 28.11 (giờ địa phương) tại thủ đô Paris của Pháp.
Các thành phố ứng viên gồm Busan (Hàn Quốc), Riyadh (Ả Rập Xê Út) và Rome (Ý).
Busan sẵn sàng
Trong những ngày này, thành phố Busan tràn ngập những băng rôn, biểu ngữ cổ động cho nỗ lực đăng cai World Expo 2030, sự kiện toàn cầu có ý nghĩa và tác động lớn khi quy tụ những ý tưởng, giải pháp, sáng kiến, thành tựu… của các nước trên thế giới.
Sự kiện 5 năm một lần được Hàn Quốc vận động đăng cai năm 2030 với chủ đề “Thay đổi thế giới của chúng ta, hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn”, dự kiến được tổ chức tại Busan, thành phố cảng lớn nhất nước.
Từng đăng cai hàng loạt sự kiện quốc tế quy mô lớn như World Cup 2002, Asian Game 2002, Hội nghị APEC 2005, Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt ASEAN-Hàn Quốc 2014 và 2019, thành phố Busan hiện sẵn sàng tổ chức World Expo 2030. Theo trang Expo 2030 Busan, ngoài bề dày kinh nghiệm tổ chức sự kiện, Busan hiện còn ở vị thế sẵn sàng nhờ sự phát triển và vị trí thuận lợi.
Về phát triển, Busan đã đóng vai trò quan trọng giúp Hàn Quốc từ một nước nhận hỗ trợ kinh tế trở thành một nước tài trợ trong vòng nửa thế kỷ. Busan hiện đóng vai trò dẫn dắt quá trình chuyển đổi trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần 4.
Vào ngày 23.7.2019, Busan được chỉ định là khu vực không có quy định giới hạn đối với công nghệ blockchain để thử nghiệm các công nghệ tiên tiến và thúc đẩy các doanh nghiệp liên quan.
Là trung tâm cho các ngành công nghiệp tương lai của Hàn Quốc, thành phố thông minh Busan Eco Delta đang trở thành trung tâm hậu cần của khu vực Đông Bắc Á. Busan hiện là trung tâm khoa học hàng hải, nghiên cứu, phát triển và là nơi có trụ sở Viện Hàng hải Hàn Quốc (KMI) và Viện Khoa học và Công nghệ đại dương Hàn Quốc (KIOST).
“Sân chơi” lớn
Trong giai đoạn đầu, World Expo là nơi ra mắt các phát minh mới như điện thoại, xe hơi, máy đánh chữ, ti vi, thang máy… Chẳng hạn nhà phát minh Alexander Graham Bell ra mắt điện thoại tại World Expo 1876 tại Philadelphia (bang Pennsylvania, Mỹ), còn nhà phát minh Philo Taylor Farnsworth ra mắt truyền hình tại World Expo 1939 ở New York (Mỹ), theo The Diplomat.
Theo BIE, World Expo là sự kiện quốc tế không có đối thủ về quy mô, thời gian và số lượng khách tham quan. Các sự kiện này là những nền tảng giáo dục và tiến bộ quy mô lớn, đóng vai trò là cầu nối giữa các chính phủ, công ty, tổ chức quốc tế và công dân.
Về vị trí, Busan là trung tâm vận tải và hậu cần, tuyến đường kết nối từ đại lục Á – Âu với châu Á – Thái Bình Dương, tạo điều kiện tiếp cận dễ dàng với cơ sở hạ tầng được trang bị tốt như sân bay, đường sắt cao tốc và các cảng hàng đầu.
Thành phố này với 7 bãi biển, cùng những con sông và ngọn núi này là nơi sôi động và nằm ở tuyến đầu trong việc thúc đẩy văn hóa Hàn Quốc qua hàng loạt sự kiện như Liên hoan phim quốc tế Busan, lễ hội Busan One Asia và các sự kiện khác.
Nhiều lợi ích
Theo Yonhap, chính quyền địa phương ước tính sự kiện tại Busan sẽ mang lại lợi ích về kinh tế trị giá 47 tỉ USD (1,140 triệu tỉ đồng). Sự kiện có thể thu hút hơn 50 triệu du khách và tạo hơn 500.000 việc làm.
Bên cạnh đó, Hàn Quốc cam kết cung cấp nhiều hình thức hỗ trợ khác nhau cho những nước đang phát triển tham gia nếu World Expo 2030 diễn ra ở Busan. Theo đó, các đối tác có thể được hỗ trợ xây dựng gian hàng, cung cấp các hoạt động trước sự kiện, hỗ trợ hoạt động kết nối, liên lạc, cũng như các khoản chi phí liên quan điều hành, đi lại, chỗ ở. Với nhiều quốc gia là đối tác, có nhiều quan hệ hợp tác với Hàn Quốc thì cơ hội từ việc nước này đăng cai World Expo 2030 đáng để kỳ vọng.
TP. Busan sẵn sàng cho cơ hội đăng cai sự kiện quy mô tầm cỡ World Expo 2030
Chủ đề chính của World Expo 2030 của Hàn Quốc đưa ra để vận động sự ủng hộ đăng cai được chia thành các chủ đề phụ, đề cập các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, mặt trái của chuyển đổi số và tình trạng bất bình đẳng trong nội bộ quốc gia và giữa các nước. Mỗi chủ đề phụ tương ứng với 3 trụ cột trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc là con người, hành tinh và sự thịnh vượng.
Trong khi sự phát triển của công nghệ và kinh tế được coi là con đường dẫn đến cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc hơn, nhân loại cũng đang phải đối diện những thách thức toàn cầu chưa từng có về khủng hoảng khí hậu, đại dịch và cách biệt về kỹ thuật số. “Do đó, cần có sự thay đổi mạnh mẽ và cơ bản để giải quyết chúng”, theo ủy ban vận động đăng cai World Expo 2030 của Hàn Quốc.
Sự kiện lâu đời
Kể từ sau khi World Expo đầu tiên diễn ra tại London vào năm 1851, ý tưởng này trở nên phổ biến và được lặp lại trên toàn cầu. Kể từ khi Tổ chức Triển lãm quốc tế (BIE) được thành lập vào năm 1928 để quản lý và giám sát những sự kiện lớn này, World Expo được tổ chức xoay quanh chủ đề nỗ lực nâng cao kiến thức của nhân loại, trong đó có tính đến kỳ vọng của con người và xã hội, cũng như nêu bật tiến bộ khoa học, công nghệ, kinh tế và xã hội.
World Expo gần đây nhất diễn ra tại Dubai, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), từ ngày 1.10.2021 đến ngày 31.3.2022. World Expo tiếp theo sẽ diễn ra tại Osaka (Nhật Bản) từ ngày 13.4-13.10.2025.