Từ câu chuyện buồn học sinh dồn cô giáo vào góc lớp, xúc phạm và ném dép ở Tuyên Quang, tôi càng thấy tầm quan trọng của việc đề cao hơn nữa giáo dục nhân cách cho học sinh.
ThS Đinh Văn Thịnh cho rằng cần tăng cường giáo dục nhân cách cho học sinh, nhất sau câu chuyện cô giáo bị ném dép, xúc phạm. (Ảnh: NVCC) |
Bạo lực học đường không phải là câu chuyện mới nhưng dư luận nổi sóng khi sự việc một cô giáo bị học sinh nhốt, chửi bới và ném dép. Là một thầy giáo, cũng từng là học trò, tôi nhìn vấn đề mà dư luận đã dậy sóng những ngày qua, lòng không khỏi bàng hoàng và nghi vấn về sự xuống cấp của văn hóa ứng xử học đường.
Tôi cảm thấy sợ hãi về những hành vi làm mất đi sự uy nghiêm, giảm uy tín của một nhà giáo và đồng thời, lo lắng cho một thế hệ trẻ dễ bị kích động và khó làm chủ cảm xúc và hành vi của mình. Ở nhà trường các em đã vậy thì về nhà và ra ngoài xã hội, các em sẽ như thế nào?
Hình ảnh, mối quan hệ giữ thầy và trò ngày càng có những rạn nứt, đánh mất dần sự cảm thông và thấu hiểu, bị mất đi kỹ năng kết nối và làm chủ cảm xúc ở mức hạn thấp.
Từ câu chuyện này, tôi càng thấy tầm quan trọng của việc đề cao hơn nữa việc giáo dục nhân cách cho học sinh. Xã hội sẽ xuống cấp và gặp nguy hiểm khi nền giáo dục không đề cao và chú trọng đào tạo nhân cách cho học sinh.
Trong một nghiên cứu Bàn về khái niệm nhân cách trong tâm lý học ngày nay của PGS. TS. Đinh Đức Hợi đã đề cập nhân cách là các nét tâm lý ổn định, được hình thành trong cuộc sống, trong hoạt động, giao tiếp, là những bản sắc riêng biệt của mỗi cá nhân, là thước đo giá trị của con người trong xã hội.
Ở độ tuổi mới lớn, việc giáo dục nhân cách là vô cùng quan trọng, vì trong độ tuổi này các em bước vào giai đoạn tuổi dậy thì, thay đổi về tâm sinh lý, thích thể hiện, dễ bị kích động. Vì thế trong giai đoạn này, cần được định hướng, quan tâm các em một cách sâu sắc hơn.
Rèn luyện nhân cách tốt là một trong những yếu tố tác động tới năng lực học tập. Nghiên cứu trên gần 300 học sinh lớp 3 tại Mỹ thực hiện bởi tạp chí Scholar Psychology cho thấy, các kỹ năng cảm xúc, xã hội ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng học tập của các em trên trường. Thống kê còn cho thấy, những đứa trẻ được trau dồi tốt về nhân cách cũng đạt số điểm tốt hơn từ 11 – 17% trong các bài kiểm tra trên trường.
Trẻ sẽ được người khác yêu mến hơn khi có một nhân cách tốt, biết yêu thương mọi người và giàu lòng vị tha, sự trung thực và biết tôn trọng người khác cũng cực kỳ cần thiết. Điều này không chỉ rèn luyện ngày một, ngày hai mà người lớn cần noi gương cho trẻ, đồng hành hướng dẫn và định hướng liên tục.
Đồng thời, cần xem tầm quan trọng của việc giáo dục nhân cách cho trẻ thông qua các trang mạng xã hội, chọn lọc và kiểm soát các nội dung kỹ càng hơn. Vì với trẻ mới lớn, nếu chưa được định hướng kỹ lưỡng, thì việc sử dụng điện thoại chơi game, lướt mạng xã hội sẽ dễ bị ảnh hưởng những hình ảnh bạo lực độc hại, tiêu cực.
Hơn thế, xây dựng một môi trường không bạo lực không thể chỉ dựa vào trừng phạt, mà phải đồng thời thay đổi từ mỗi cá nhân, đặc biệt là từ người lớn. Để giảm tình trạng bạo lực học trường, để thầy ra thầy, trò ra trò, chúng ta không chỉ dựa vào các hình thức kỷ luật, mà cần đi sâu vào việc làm cho trẻ biết yêu thương và cảm nhận những tổn thương về tâm lý và nỗi đau thể xác của người khác phải gánh chịu sau khi bị bạo lực.
Người thầy cần kiểm soát bản thân tốt hơn từ lời nói đến hành vi, trong tương quan người thầy cần noi gương cho trẻ, trau dồi về phương pháp giáo dục và kỷ luật tích cực, trang bị những kỹ năng và tâm lý khi làm việc với từng giai đoạn tuổi.
Nhà trường, thầy cô cần thiết lập các nguyên tắc giao tiếp ứng xử với học sinh. Trong lớp học, người thầy cần tôn trọng học sinh, tránh việc chỉ trích quá đáng, làm tổn thương tâm lý trẻ, hãy lấy tình yêu thương để chinh phục đứa trẻ.
Gia đình cũng phải có trách nhiệm lớn trong việc giáo dục trẻ. (Nguồn: TT) |
Như vậy, giáo dục gia đình trong “chân kiềng” gia đình – nhà trường – xã hội ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Giáo dục trẻ, cần sự phối hợp đồng bộ rất chặt chẽ từ “3 chân kiềng” này. Trong gia đình, cha mẹ cần là gương sáng cho trẻ trong sự hình thành và phát triển nhân cách, giáo dục trẻ về lòng yêu thương và quý sự sống, tôn trọng người khác. Giáo dục và giúp trẻ rèn luyện sự tự tin, biết bao dung và vị tha, giải quyết các vấn đề trong cuộc sống bằng giao tiếp và đối thoại, tìm kiếm sự hỗ trợ từ người khác.
Nhà trường cần có những nguyên tắc giao tiếp ứng xử trong dạy và học, cần có sự giám sát khắt khe và tạo các hoạt động kết nối giữa thầy và trò, giúp hiểu nhau và chia sẻ những giá trị tốt đẹp cho nhau. Các chương trình kỹ năng sống và tư vấn tâm lý phải được đầu tư và có chiều sâu hơn nữa, là cơ hội cho học sinh học tập và trang bị, biết cách ứng xử. Đây cũng là cơ hội để trẻ giải quyết vấn đề, kiểm soát cảm xúc, học biết được những giá trị sống ý nghĩa như giá trị hoà bình, yêu thương, tôn trọng, trách nhiệm, hợp tác.
Phòng tư vấn tâm lý là nơi các em được chia sẻ, giải bày những câu chuyện thầm kín trong lòng, những áp lực đè nặng chồng chất có thể đến từ phía gia đình, từ các mối quan hệ bạn bè, tình yêu, học tập. Xã hội cần có những hoạt động giáo dục tuyên truyền pháp luật tại nhà trường, địa phương gửi các tờ thông báo về các hộ gia đình, tạo các hoạt động giáo dục như huy động các em đến sinh hoạt chuyên đề tại khu phố, quản lý giám sát các em trong quá trình học tập, làm việc…
Hãy để trẻ thấy sự văn minh, tử tế trong ứng xử nơi gia đình, nhà trường và xã hội, đừng để những lối sống thiếu văn minh và đầy bạo lực làm ảnh hưởng đến trẻ, chính những điều này làm ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ.
Trường học hạnh phúc khi học sinh và cả giáo viên đều hạnh phúc. Ở đó phải là môi trường an toàn, thân thiện, giáo viên mong chờ luật Nhà giáo với những căn cứ pháp lý cụ thể, chặt chẽ để bảo vệ chính mình, để thầy cô không còn là nạn nhân của tình trạng bạo lực học đường.
Trả lời chất vấn về bạo lực học đường ngày 7/11 vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu thống kê từ 1/9/2021 đến 5/11/2023, cả nước xảy ra 699 vụ bạo lực học đường, liên quan hơn 2.016 học sinh, trong đó có 854 học sinh nữ, bình quân 50 cơ sở giáo dục xảy ra 1 vụ bạo lực học đường. Thêm đó, qua quá trình dịch bệnh kéo dài, học sinh học online lâu dẫn đến vấn đề tâm lý. Tâm sinh lý của tuổi đang trưởng thành cũng là yếu tố góp phần. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn dẫn thống kê của Tòa án nhân dân tối cao về việc hằng năm có 220.000 vụ ly hôn, trong đó 70-80% có liên quan bạo lực gia đình. Học sinh trong các gia đình này có thể vừa chứng kiến bạo lực gia đình, vừa bị bạo lực, bỏ rơi. Môi trường như vậy dẫn đến tỉ lệ học sinh liên quan bạo lực học đường rất lớn. Việc ngăn chặn bạo lực gia đình là rất quan trọng. Bên cạnh đó, mạng xã hội, phim ảnh liên quan bạo lực tập thể, cũng là nguyên dẫn đến vấn đề bạo lực học đường. Tư lệnh ngành Giáo dục mong các ngành liên quan phối hợp để giải quyết. |