Gấp rút “dẹp loạn” chợ tự phát
Tình trạng chợ tự phát xung quanh chợ đầu mối TPHCM là vấn đề nhức nhối chưa được giải quyết suốt thời gian dài, thậm chí có dấu hiệu bùng phát nhiều hơn.
Bày tỏ sự lo ngại về tình trạng này, ông Nguyễn Đăng Phú – Phó Giám đốc Công ty chợ Bình Điền (Quận 8) cho biết, tuyến đường Nguyễn Văn Linh – Quản Trọng Linh đang diễn ra tình trạng buôn bán trái phép, chưa được giải tỏa triệt để, hàng hóa kinh doanh không rõ nguồn gốc xuất xứ, không tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường…
Tình trạng này cũng diễn ra tại chợ đầu mối Thủ Đức và Hóc Môn. Phía UBND các quận, huyện, thành phố đã phối hợp cùng các đơn vị khác kiểm tra, thu giữ nhiều xe ba gác, xe thô sơ cũng như xử phạt nhiều trường hợp lấn chiếm lòng lề đường quanh chợ đầu mối. Tuy nhiên, đến nay tình trạng này vẫn tái diễn.
Đánh giá về hoạt động của các chợ đầu mối trong thời gian qua, ông Cao Thanh Bình – Trưởng ban Văn hóa – Xã hội Hội đồng Nhân dân TPHCM – cho biết, chợ đầu mối giúp giải quyết các chợ nhỏ lẻ trong nội thành, tập trung gom về một mối, đảm bảo kiểm soát nguồn hàng chặt chẽ để cung ứng vào thành phố. Việc này giúp tạo vành đai an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như các thực phẩm, nguyên vật liệu vào chợ đảm bảo sức khỏe cho người dân.
“Tuy nhiên, trong quá trình hình thành và hoạt động vẫn còn một số tồn tại điển hình như tình trạng tự phát xung quanh các chợ đầu mối. Đồng thời, giúp giảm lực rất lớn nếu chỉ tập trung lực kiểm soát ở 3 chợ đầu mối. Tất cả các điểm bán hàng, chợ truyền thống lấy hàng từ chợ đầu mối sẽ không phải kiểm tra lại” – ông Cao Thanh Bình cho hay.
Trước thực trạng buôn bán tự phát xung quanh các chợ đầu mối trên, để công tác quản lý, giám sát an toàn thực phẩm được đảm bảo, Ban Văn hóa – Xã hội kiến nghị UBND TPHCM chỉ đạo UBND TP Thủ Đức, Quận 8, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn có giải pháp hiệu quả để giải quyết tình trạng buôn bán tự phát, trái phép xung quanh chợ đầu mối. Điều này tạo sự công bằng cho các tiểu thương trong chợ, đồng thời giúp công tác kiểm soát an toàn thực phẩm tại các chợ đầu mối hoạt động hiệu quả hơn.
Đơn vị cũng kiến nghị lắp đặt các bảng cấm dừng, cấm đỗ xe và camera giám sát tại các khu vực xung quanh chợ đầu mối và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đối với các phương tiện xe ba gác, xe thô sơ, xe tự chế và xe lôi.
Hướng đi mới cho các chợ đầu mối
Theo Sở Công Thương TPHCM, hiện nay, 3 chợ đầu mối đang chuyển đổi số nhưng mới ở mức thấp và trung bình. Các chợ đang hiện đại hóa quản trị nội bộ, thông tin chung về chợ công khai trên website, thực hiện chuyển đổi số quản trị quan hệ khách hàng.
Do đó, Sở cũng đề nghị các chợ tập trung đầu tư cơ sở vật chất, chuẩn hóa quy trình vận hành và tiến đến chuyển đổi số trong mô hình hoạt động kinh doanh hiện nay của 3 chợ đầu mối. Với quy trình chuyển đổi số này thì có thể dễ dàng kiểm tra nguồn gốc từ các điểm bán hàng có phải lấy từ chợ đầu mối hay không.
Ông Nguyễn Nguyên Phương – Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM – khẳng định, nếu xử lý được các điểm kinh doanh tự phát xung quanh chợ đầu mối thì Sở có thể nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số quản lý các chợ đầu mối. Việc này sẽ giúp đề án chuyển đổi số quản lý chợ đầu mối và tất cả các chợ truyền thống, điểm bán hàng trên địa bàn TPHCM sẽ được dễ dàng thực hiện.
Trước đó, Sở Công Thương đã đề xuất phát triển thêm 1 chợ đầu mối theo mô hình hiện đại, tạo sự kết nối, thúc đẩy lưu thông hàng hóa giữa TPHCM với các địa phương. Địa điểm để xây dựng ngôi chợ đầu mối thứ 4 đã được xác định tại khu đất khoảng 100ha ở xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TPHCM.
Nguồn: https://laodong.vn/thi-truong/buon-ban-tu-phat-kim-ham-cho-dau-moi-phat-trien-1389332.ldo