Những năm qua, Yoko Tawada là một trong những nhà văn Nhật Bản được đánh giá cao ở nước ngoài. Năm nay, cùng với Tàn Tuyết (Trung Quốc), bà được kỳ vọng là nữ văn sĩ mang Nobel Văn chương về cho châu Á (trước khi kết quả thuộc về Han Kang – nữ nhà văn của Hàn Quốc). Bà đã sinh sống nhiều năm ở Đức và viết bằng 2 ngôn ngữ. Trong suốt văn nghiệp, bà nhận được nhiều giải thưởng quan trọng như giải Sách quốc gia Mỹ cho tác phẩm dịch Hiến đăng sứ, Huy chương Goethe danh giá của Đức, giải Akutagawa lừng danh của Nhật. Bà giành giải này vào năm 1993 cho chính truyện ngắn Chàng chó.
Chia sẻ tại tọa đàm, dịch giả Nguyễn Thị Ái Tiên cho biết Chàng chó là tác phẩm vô cùng đặc sắc của Yoko Tawada, khi đặt điển tích cũ về câu chuyện một con chó mực được hứa gả cho công chúa vào xã hội Nhật Bản hiện đại. Dịch giả Ái Tiên cho biết tác phẩm gồm 2 truyện ngắn tiếp tục cho thấy khả năng chơi chữ “bậc thầy” của nữ nhà văn, cùng với đó là việc phá bỏ truyền thống khi thay vì viết những câu ngắn, gọn, như văn viết Nhật Bản thì Tawada lại thể nghiệm triển khai những câu văn dài (có khi lên đến cả trang giấy) nhưng vẫn vô cùng hấp dẫn.
Về phần mình, Yoko Tawada cho biết bà viết Chàng chó khi đang sinh sống ở Đức và tự phản tư trở lại quê hương khi thấy nước Nhật mình vừa rời khỏi có phần gò bó cũng như khép kín. Chó là loài vật nhiệt tình, vì vậy bà đã lẩy ra ý tưởng nói trên.
Tại buổi chia sẻ, nữ tác giả bày tỏ đã mong muốn có một ngày nào đó được đến VN, bởi đây cũng là nơi chốn xuất hiện rất nhiều trong các tác phẩm của bà, từ tiểu thuyết Mắt trần đến truyện ngắn Bản nguyên cũng thuộc cuốn sách. Tawada cho biết cũng như Chàng chó, theo bà tìm hiểu, truyện cổ VN có nhiều mô típ người kết hôn với động vật, từ đó gửi gắm những thông điệp ý nghĩa.
Ngoài những đề tài nói trên, tác giả còn mở rộng bàn luận về căn tính Nhật Bản ngày nay trong văn chương trước thực tế bà hiện sinh sống và làm việc tại Đức cũng như bàn luận về yếu tố giới trong việc sáng tác…
Nguồn: https://thanhnien.vn/buoc-vao-the-gioi-sang-tao-cua-yoko-tawada-185241124230011984.htm