Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh chúng ta chỉ có thể vững vàng bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc VN, với một nền tảng tri thức phong phú và vững chắc, dựa trên trí tuệ, bản lĩnh, tầm vóc của con người VN.
Tối 29.11, lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7, năm 2024 được tổ chức tại Hà Nội.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa; Bộ trưởng TT-TT, Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Mạnh Hùng dự chương trình.
Phát biểu tại lễ trao giải, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa biểu dương, đánh giá cao những kết quả quan trọng đạt được của đội ngũ những người làm xuất bản; chúc mừng các tác giả, nhà xuất bản, nhà phát hành nhận Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7 năm 2024.
Theo Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, chúng ta chỉ có thể vững vàng bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc VN, với một nền tảng tri thức phong phú và vững chắc, dựa trên trí tuệ, bản lĩnh, tầm vóc của con người VN. Lĩnh vực xuất bản phải góp phần đáng kể trong việc khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước giàu mạnh. Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa tin tưởng thời gian tới, lĩnh vực xuất bản sẽ tiếp tục có những bước phát triển mới, đột phá mới.
Giải A cho những tháng năm dài
Cuốn sách Cẩm nang chẩn đoán và điều trị bệnh nội khoa, do PGS-TS-BS Đào Xuân Cơ chủ biên, giải A Giải thưởng Sách quốc gia 2024, là cuốn cẩm nang của nhiều chuyên gia đầu ngành y tế viết nhân kỷ niệm 111 năm thành lập Bệnh viện Bạch Mai. Cuốn sách hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh thường gặp trong lĩnh vực nội khoa, với kiến thức cập nhật quốc tế và kinh nghiệm thực tiễn triển khai thành công tại bệnh viện này. Một cuốn sách để chuyển giao kiến thức vừa hiện đại, vừa được tích lũy qua những tháng năm dài. Chủ biên cuốn sách hiện là Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược (ĐHQG Hà Nội).
Hai giải A còn lại cũng là những cuốn sách dày công, nhìn lại những dặm dài lịch sử. Cuốn Gia Định – Sài Gòn – TP.HCM: Dặm dài lịch sử (1698 – 2020), gồm 2 tập được nhà nghiên cứu 104 tuổi Nguyễn Đình Tư thai nghén trong suốt hơn 20 năm, giúp hình dung hơn 300 năm lịch sử của một vùng đất với nhiều tài liệu hành chính, kinh tế, văn hóa… có nguồn gốc đáng tin cậy. Còn bộ Tổng tập Nhà văn Quân đội – Kỷ yếu – Tác phẩm (5 tập) được ban giám khảo đánh giá là “bộ sử bằng văn” về đất nước, con người VN trong suốt chiều dài lịch sử đầy biến động từ chiến tranh đến hoà bình.
Những xu hướng mới
Giải thưởng Sách quốc gia 2024 cũng cho thấy sự ghi nhận của thế hệ người viết mới. Đó là giải B cho cuốn Thời thanh xuân của tân nhạc ái quốc của Nguyễn Trương Quý, giải C cho cuốn Vì sao ta yêu của Hiền Trang. Cả hai cuốn sách đều cho thấy hướng nghiên cứu phê bình, cũng như kiến văn sâu rộng của tác giả. Đây cũng là hai tác giả được PGS-TS Phạm Xuân Thạch (ĐHQG Hà Nội) xếp vào làn sóng thứ ba của Đổi mới trong sáng tác văn học nghệ thuật, cùng với các tác giả khác như Nguyễn Vĩnh Nguyên, Trần Nhã Thụy… Trong quá trình viết của mình, họ không chỉ khai thác vốn sống mà còn lao động trên những trải nghiệm văn hóa, xác lập những đối thoại với những phối cảnh khác với thế hệ của Bảo Ninh, Nguyễn Bình Phương…
Thanhnien.vn
Nguồn:https://thanhnien.vn/buoc-vao-ky-nguyen-moi-voi-nen-tang-tri-thuc-185241129231253102.htm