Sơ đồ chuỗi dự án khí điện Lô B – Ô Môn. (Ảnh: PVN) |
(PLVN) – Dự án Lô B – Ô Môn có tổng mức đầu tư khoảng 12 tỷ USD, đang được Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và các đơn vị liên quan đặt quyết tâm thực hiện.
Dự án được đẩy nhanh
Theo PVN, dự án điện khí Lô B – Ô Môn bao gồm dự án phát triển mỏ Lô B (thượng nguồn), dự án đường ống Lô B – Ô Môn (trung nguồn) và 4 nhà máy điện khí Ô Môn I, II, III, IV ở hạ nguồn, quy mô đầu tư gần 12 tỷ USD. Sản lượng khai thác khí dự kiến khoảng 5,06 tỷ m3 khí/năm, cung cấp cho tổ hợp 4 nhà máy điện tại Trung tâm Điện lực Ô Môn với tổng công suất lắp đặt dự kiến lên đến 3.800MW.
Theo tìm hiểu, sau gần 20 năm với nhiều lần đàm phán, chuẩn bị đầu tư gặp khó khăn, vướng mắc, tháng 6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định để PVN là chủ đầu tư tiếp tục triển khai dự án. Cuối tháng 10/2023, PVN và các đối tác đã tiến hành ký kết các văn bản quan trọng như: Thỏa thuận khung Lô B; Biên bản thống nhất nội dung Hợp đồng bán khí Ô Môn I; trao thầu Hợp đồng EPC#1.
Theo đó, liên doanh Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) và McDermott (Mỹ) đã được trao gói thầu EPCI#1 (Thiết kế, xây dựng, lắp đặt cụm giàn công nghệ trung tâm và giàn nhà ở cho dự án phát triển mỏ Lô B), trị giá xấp xỉ 1,1 tỷ USD. Ngoài ra, Công ty TNHH MTV Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC (PTSC M&C), công ty con của PVS cũng vừa trúng thầu gói thầu EPCI#2 dự án thượng nguồn, liên quan đến việc xây dựng một số giàn đầu giếng và hệ thống đường ống nội mỏ.
Gói thầu EPCI#2 có giá trị khoảng 400 triệu USD, bao gồm các cấu kiện chính là 4 giàn thu gom, giàn đầu giếng với tổng khối lượng gần 15.000 tấn; 3 đường ống nội mỏ 20 inch, 1 đường ống 8 inch với tổng chiều dài gần 50km.
Quyết tâm của PVN
Mới đây, ông Lê Mạnh Hùng – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc PVN đã có buổi làm việc với Công ty Điều hành Dầu khí Phú Quốc (PQPOC), Công ty Điều hành Đường ống Tây Nam (SWPOC) và Ban Quản lý dự án Điện lực Dầu khí Sông Hậu 1 về tình hình triển khai chuỗi dự án Lô B.
Tại buổi làm việc, Tổng Giám đốc PQPOC Bùi Vạn Thuận; Tổng Giám đốc SWPOC Trần Thanh Hải và Trưởng Ban Quản lý dự án Điện lực Dầu khí Sông Hậu 1 Nguyễn Mạnh Tưởng đã báo cáo cụ thể các công việc liên quan đến chuỗi dự án ở khâu thượng nguồn, trung nguồn và hạ nguồn; các khó khăn, vướng mắc và kiến nghị với Tập đoàn. Các công việc trong chuỗi dự án đang được PVN và các đơn vị triển khai tích cực với quyết tâm, nỗ lực cao. Hiện nay, đường găng tiến độ của chuỗi dự án đang nằm ở khâu hạ nguồn, liên quan đến thời điểm đưa nhà máy điện Ô Môn IV vào hoạt động, nhằm bảo đảm hiệu quả sử dụng khí, đồng thời phù hợp với tiến độ dòng khí đầu tiên đã đề ra.
Theo ông Lê Mạnh Hùng, dự án Lô B – Ô Môn là dự án rất lớn và quan trọng của quốc gia, có ảnh hưởng lớn đến động lực phát triển kinh tế của đất nước, an ninh năng lượng khu vực Tây Nam Bộ; cũng là dự án lớn và quan trọng bậc nhất của PVN. Trong năm 2023, sau rất nhiều năm, dự án đã vượt qua những khó khăn mang tính chất quyết định và đạt được những bước tiến quan trọng cùng với sự quyết tâm thúc đẩy triển khai dự án của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan và PVN. “Với tầm quan trọng đó, Tập đoàn xác định triển khai dự án với tinh thần, ý thức, trách nhiệm cao nhất và tập trung nguồn lực để chỉ đạo và triển khai thực hiện”, ông Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Người đứng đầu PVN cho rằng, cần kiên quyết giữ mục tiêu phát triển chuỗi dự án Lô B. Để thực hiện được mục tiêu này, ông Hùng cho rằng cần mô hình quản lý dự án theo kiểu mới, phân cấp tối đa, giao đúng người, đúng việc; phân công công việc, trách nhiệm rõ ràng; tăng cường cập nhật, áp dụng công nghệ và quản trị để tăng hiệu quả, tối ưu tổng mức đầu tư dự án; bảo đảm đồng bộ mục tiêu của các khâu từ thượng nguồn, trung nguồn đến hạ nguồn.
Chủ tịch PVN cũng đề nghị các đơn vị liên quan tập trung tháo gỡ các vướng mắc, thúc đẩy tiến độ khâu hạ nguồn đang nằm trên đường găng tiến độ, đặc biệt là dự án nhiệt điện Ô Môn IV; tập trung giải quyết các điều kiện để có được Quyết định đầu tư cuối cùng (FID) dự án khí Lô B theo kế hoạch vào tháng 4/2024.