Phát triển kinh tế tuần hoàn
Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam Julien Guerrier cho rằng, cần nhận thức tài nguyên thiên nhiên là hữu hạn. Nhu cầu về các nguồn tài nguyên này tiếp tục gia tăng trên toàn cầu. Trong môi trường đầy cạnh tranh, việc tối đa hóa các nỗ lực tái chế trở nên tối quan trọng vì lợi ích chung. Mô hình “khai thác – sản xuất – thải bỏ” ngày nay đã lỗi thời và không còn bền vững.
“Ở EU, chúng tôi muốn việc tạo ra các sản phẩm bền vững. Tuần hoàn trở thành một tiêu chuẩn. Mục tiêu đến năm 2030, ít nhất 15% lượng tiêu thụ nguyên liệu thô thiết yếu hằng năm ở EU đến từ việc tái chế. Điều này thậm chí còn cấp bách hơn do giá nguyên liệu thô biến động, chuỗi cung ứng gián đoạn những năm qua. Không có cách nào khác ngoài việc tăng cường sản xuất vật liệu tái chế.
EU và Việt Nam có chung lợi ích trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, ít phát thải. Tất nhiên, những lợi ích chung như vậy có tầm quan trọng đặc biệt trong việc định hình sự hợp tác song phương thông qua cơ chế Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP). Qua đó, EU sẽ cung cấp các nguồn lực đáng kể để đồng hành cùng Việt Nam” – ông Guerrier cho biết.
Vị đại sứ đánh giá Việt Nam đã thể hiện vai trò dẫn đầu về năng lượng sạch ở Đông Nam Á. Để duy trì vị thế này, phải đảm bảo an ninh và tính bền vững của hệ thống năng lượng, đặc biệt bằng cách tăng cường điện tái tạo nhằm đa dạng cơ cấu năng lượng, tăng cường đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo, thúc đẩy các biện pháp tiết kiệm năng lượng và thiết lập các khung pháp lý mạnh mẽ, thuận lợi để thu hút các khoản đầu tư rất cần thiết.
Với yếu tố an ninh lương thực, cần thực hành nông nghiệp bền vững, quản lý tài nguyên có trách nhiệm và đầu tư vào nghiên cứu – phát triển. Qua quá trình đó, Việt Nam có thể đảm bảo sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên trong khi vẫn duy trì vai trò đóng góp quan trọng cho thương mại lương thực toàn cầu.
Đẩy mạnh đầu tư công
Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, bà Carolyn Turk cho biết: Quy hoạch điện VIII cần mức đầu tư khoảng 135 tỉ USD. Trong đó, 20 – 30 tỉ USD nên được dành cho đầu tư công. Đó là tiền đề trong việc dùng đầu tư công để thúc đẩy đầu tư tư nhân.
“Chúng ta cần phải có các nhà máy truyền tải điện phù hợp. Nếu không có đầu tư công, thì sẽ không có đầu tư tư nhân. Hãy xây dựng cơ chế để dòng tiền được lưu thông, không nằm trên giấy, để thúc đẩy đầu tư tư nhân” – bà Turk nói.
Ông Olivier Rousselet – CEO BNP PARIBAS tại Việt Nam – phân tích, các cơ chế tài chính đã bắt đầu nâng cao vai trò trong một thập kỷ qua. Các ngân hàng toàn cầu, nhà đầu tư, công ty quản lý tài sản… hiện đều xác định, cam kết về mục tiêu chuyển đổi năng lượng… Đây là khung quan trọng để xác định cơ chế tài trợ dự án. Điều này cần phải được thống nhất với chiến lược và phù hợp với quá trình chuyển đổi năng lượng.
“Ở Việt Nam, tôi thấy chuyển đổi năng lượng có đà tiến tích cực trong 2 năm qua. Ngân hàng Nhà nước đã nắm bắt tốt tình hình, đưa được khung tài trợ xanh với mục tiêu có thể đi đúng hướng để đưa ra được khung tài chính xanh” – ông đánh giá.