Mới đây, Lễ ký kết triển khai Dự án Giảm phát thải Carbon tại vùng nguyên liệu mía Lam Sơn được vừa được tổ chức tại Thanh Hóa đã đánh dấu sự hợp tác chiến lược giữa Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn (Lasuco) và hai đối tác Nhật Bản là Công ty Idemitsu Kosan và Công ty Sagri.
Đây không chỉ là dự án tiên phong trong việc giảm phát thải khí nhà kính mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho hàng ngàn hộ nông dân địa phương, từ việc nâng cao năng suất, tăng thu nhập đến tiếp cận thị trường tín chỉ carbon toàn cầu.
Nông dân là trung tâm của dự án
Dự án giảm phát thải carbon tại Lam Sơn tập trung vào việc áp dụng mô hình nông nghiệp tái tạo môi trường, với sự hỗ trợ từ công nghệ phân tích vệ tinh tiên tiến của Sagri. Theo kế hoạch, giai đoạn thử nghiệm từ năm 2025 sẽ áp dụng trên 500 hecta vùng nguyên liệu mía, mở rộng quy mô lên 8.000 hecta vào năm 2026.
Ông Lê Văn Phương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn (Lasuco), khẳng định: “Được làm việc cùng các đối tác đến từ đất nước mặt trời mọc, chúng tôi học tập được rất nhiều từ các bạn Nhật. Toàn bộ lợi nhuận của dự án sẽ được chi trả cho nông dân, giúp họ không chỉ nâng cao năng suất cây mía mà còn cải thiện đáng kể đời sống kinh tế. Đây là cách chúng tôi đồng hành cùng nông dân, tạo ra giá trị bền vững và lâu dài.”
Lasuco hiện đang hợp tác với hơn 130.000 hộ nông dân tại 11 huyện phía Tây tỉnh Thanh Hóa. Với dự án lần này, công ty cam kết hỗ trợ các hộ nông dân cải thiện phương thức canh tác, hướng tới nền nông nghiệp bền vững hơn.
Thông qua công nghệ phân tích vệ tinh, các cánh đồng mía sẽ được giám sát chặt chẽ, tối ưu hóa quy trình bón phân về loại, lượng và thời điểm. Điều này không chỉ giúp giảm chi phí đầu vào mà còn tăng năng suất cây trồng.
Ông Phương chia sẻ thêm: “Việc ứng dụng công nghệ hiện đại giúp nông dân giảm phụ thuộc vào phân bón hóa học, từ đó không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn bảo vệ sức khỏe của chính họ. Chúng tôi tin rằng, năng suất mía sẽ tăng đáng kể, tạo thêm thu nhập ổn định và bền vững cho nông dân.”
Một điểm đột phá của dự án là tín chỉ carbon được tạo ra sẽ được đăng ký theo phương pháp “Cải thiện Quản lý Đất Nông nghiệp” (VM0042). Đây là cơ hội để nông dân tham gia vào thị trường tín chỉ carbon quốc tế, mở ra nguồn thu nhập mới.
Bên cạnh lợi ích kinh tế, dự án còn giúp nông dân tiếp cận mô hình canh tác tái tạo môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ tài nguyên đất và nước. Đây là yếu tố then chốt giúp ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển theo xu hướng xanh và bền vững.
Chia sẻ thêm với phóng viên Dân Việt, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn nhấn mạnh: “Tín chỉ carbon mà dự án tạo ra sẽ giúp nâng tầm thương hiệu “xanh” của sản phẩm mía đường Lam Sơn trên thị trường toàn cầu. Đây là xu hướng tất yếu, và Lasuco tự tin đáp ứng mọi tiêu chuẩn quốc tế từ Mỹ, Nhật Bản, đến châu Âu, thậm chí cả thị trường hồi giáo Hala,… Với sự hợp tác lần này, chúng tôi kỳ vọng đưa các sản phẩm của mình lên một tầm cao mới, góp phần khẳng định vị thế nông nghiệp Việt Nam trên bản đồ thế giới”.
Cái bắt tay vì một nền nông nghiệp Việt bền vững
Ông Egashira Hideaki, Tổng Giám đốc Idemitsu Việt Nam, khẳng định: “Tại Idemitsu Kosan, chúng tôi luôn xác định tầm nhìn dài hạn về phát triển các giải pháp bền vững tại Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp – một lĩnh vực tiềm năng không chỉ mang lại lợi ích môi trường mà còn tạo ra cơ hội kinh doanh từ tín chỉ carbon. Thông qua dự án này, chúng tôi không chỉ góp phần giảm phát thải carbon trong nông nghiệp bền vững của Việt Nam mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế địa phương. Điều này nằm trong lộ trình cân bằng việc cung cấp năng lượng ổn định và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu mà Idemitsu đang hướng tới.
Về dài hạn, chúng tôi cam kết trở thành đơn vị tiên phong trong lĩnh vực năng lượng và giải pháp trung hòa carbon, với mục tiêu hiện thực hóa xã hội tuần hoàn vào năm 2050. Chúng tôi cũng nhận thấy nông nghiệp và lâm nghiệp là những lĩnh vực quan trọng khi xem xét đến mục tiêu trung hòa carbon tại Việt Nam. Nếu dự án thí điểm lần này chứng minh được tính hiệu quả trong việc tạo ra tín chỉ carbon, đó sẽ là cơ hội để chúng tôi mở rộng và phát triển thêm các lĩnh vực kinh doanh tiềm năng.”
Tổng Giám đốc Idemitsu Việt Nam cũng nhấn mạnh vai trò chiến lược của dự án trong định hướng đầu tư của tập đoàn: “Dự án giảm phát thải carbon tại vùng nguyên liệu mía Lam Sơn là một bước tiến quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp tái tạo môi trường tại Việt Nam. Idemitsu đánh giá cao tiềm năng của Việt Nam trong việc phát triển các mô hình nông nghiệp bền vững và giảm phát thải carbon. Chúng tôi tin rằng, nông nghiệp tái sinh là một lĩnh vực có tiềm năng rất lớn trong tương lai. Do đó, Idemitsu cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy lĩnh vực này song song với các dự án năng lượng sạch và năng lượng tái tạo mà chúng tôi đang triển khai.”
“Bên cạnh việc xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả từ các dự án nông nghiệp, chúng tôi sẽ tận dụng kinh nghiệm và bí quyết kinh doanh tích lũy trong suốt hơn 30 năm hoạt động tại Việt Nam, từ năm 1992 đến nay, để phát triển thêm các ứng dụng mới liên quan đến giảm phát thải carbon. Hiện tại, Idemitsu đã có 8 dự án trải dài từ Bắc vào Nam, và với dự án tại Lam Sơn, chúng tôi không chỉ dừng lại ở cây mía – đối tượng chính của dự án – mà còn nghiên cứu các loại cây trồng khác như cà phê và lúa, vốn có tiềm năng triển khai trên quy mô lớn. Chúng tôi tin rằng những loại cây này sẽ mở ra những hướng đi mới trong việc tạo tín chỉ carbon, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của nông nghiệp Việt Nam trong tương lai.”, ông Egashira Hideaki khẳng định.
Trong khi đó, ông Hiroya Ishitsubo, Giám đốc Tài chính Toàn cầu của Sagri, chia sẻ: “Việt Nam không chỉ là cường quốc nông nghiệp mà còn là điểm đến lý tưởng để phát triển các dự án tín chỉ carbon. Sau dự án tại Lam Sơn, chúng tôi kỳ vọng sẽ mở rộng sang các loại cây trồng khác như lúa gạo và các khu vực khác, đưa mô hình nông nghiệp bền vững lên một tầm cao mới.”
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, nhấn mạnh: “Dự án này không chỉ mở ra hướng đi mới cho ngành nông nghiệp Thanh Hóa mà còn góp phần vào mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam. Chúng tôi kỳ vọng, với năng lực của Lasuco, sự tiến bộ của Sagri và sự đầu tư từ Idemitsu, dự án sẽ đạt được thành công và trở thành hình mẫu để nhân rộng.”
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hỗ trợ nông dân: “Nông dân không chỉ là đối tượng hưởng lợi mà còn là trung tâm của mọi dự án. Chúng tôi hy vọng, thông qua dự án này, đời sống kinh tế của nông dân sẽ được nâng cao, đồng thời đóng góp tích cực vào bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.”
Dự án tại Lam Sơn không chỉ dừng lại ở cây mía mà còn mở ra cơ hội để phát triển tín chỉ carbon từ các loại cây trồng khác như tre luồng – loại cây trồng đang có dư địa rất lớn tại Thanh Hóa.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định: “Chúng tôi sẵn sàng tạo điều kiện để các doanh nghiệp như Idemitsu và Sagri nghiên cứu, mở rộng dự án sang các lĩnh vực khác. Thanh Hóa có đủ tiềm năng để trở thành trung tâm phát triển tín chỉ carbon tại Việt Nam.”
Lễ ký kết dự án không chỉ là bước tiến quan trọng trong phát triển nông nghiệp bền vững mà còn là minh chứng cho mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam và Nhật Bản. Với công nghệ tiên tiến, sự đồng hành của các doanh nghiệp và sự ủng hộ từ chính quyền địa phương, dự án hứa hẹn sẽ tạo nên những thành quả vượt mong đợi.
Lễ ký kết triển khai Dự án Giảm phát thải Carbon tại vùng nguyên liệu mía Lam Sơn là bước khởi đầu quan trọng, không chỉ mang lại lợi ích kinh tế to lớn cho nông dân mà còn góp phần khẳng định vị thế của nông nghiệp Việt Nam trên bản đồ thế giới. Dự án hứa hẹn sẽ là hình mẫu để nhân rộng sang các khu vực và lĩnh vực khác, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0, đồng thời xây dựng nền nông nghiệp bền vững, hiện đại, phù hợp với xu thế toàn cầu.
Nguồn: https://danviet.vn/nong-dan-lam-son-thanh-hoa-se-ban-tin-chi-carbon-tu-cay-mia-buoc-tien-de-nong-nghiep-viet-phat-trien-ben-vung-20241219212257954.htm