Từ “tay trắng” so với Âu châu, ngành đường sắt Trung Quốc đã gặt hái nhiều thành tựu với nhiều cái nhất…
Trung Quốc sở hữu mạng lưới đường sắt cao tốc với quy mô lớn nhất thế giới. (Nguồn: Tân Hoa xã) |
Theo CNN, thời điểm đầu thế kỷ XXI, Trung Quốc còn chưa có đường sắt cao tốc.
Những chuyến tàu chạy chậm và bất tiện vẫn dọc ngang trên khắp đất nước rộng lớn này. Tốc độ trung bình thấp khiến các tuyến hành trình như Bắc Kinh – Thượng Hải trở thành “bài kiểm tra” sự kiên nhẫn của hành khách đi tàu.
Ngày nay, tình hình đã hoàn toàn khác: Quốc gia đông dân hàng đầu thế giới đang sở hữu mạng lưới đường sắt cao tốc “khủng” nhất thế giới.
Theo dữ liệu từ mạng trực tuyến Statista của Đức chuyên thu thập và cung cấp số liệu thống kê, hiện mạng lưới đường sắt cao tốc ở Trung Quốc lớn nhất thế giới với tổng chiều dài lên tới 40.000 km.
Mạng lưới đường sắt này trải ra khắp đất nước, kết nối tất cả các cụm thành phố lớn. Những tuyến đường đầu tiên đã được triển khai xây dựng từ năm 2008. Khoảng 20.000km đã được hoàn thiện trong năm năm qua. Theo dự kiến, mạng lưới đường sắt cao tốc Trung Quốc sẽ tăng lên 70.000 km vào năm 2035.
Giao thông siêu cao tốc
Trung Quốc hiện là quốc gia duy nhất trên thế giới có đường sắt cao tốc với tốc độ thực tế lên tới 350km/h.
Theo hãng thông tấn Tân Hoa xã, đoạn nối Bắc Kinh – Vũ Hán thuộc tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh – Quảng Châu gần đây vừa được nâng cấp từ tiêu chuẩn 310km/h lên tiêu chuẩn cao 350km/h.
Kể từ năm 2017, đây là tuyến đường sắt cao tốc thứ năm ở Trung Quốc đạt tốc độ 350km/h, sau các tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh – Thượng Hải, Bắc Kinh – Thiên Tân, Bắc Kinh – Trương Gia Khẩu (tỉnh Hà Bắc), và Thành Đô – Trùng Khánh.
Cũng theo Statista, Trung Quốc chiếm hai trên bảng xếp hạng 10 đoàn tàu nhanh nhất thế giới. Trong đó, vị trí Top 1 là tàu đệm từ Thượng Hải, đạt tốc độ lên tới 460km/h. Tiếp theo là tàu CR400 Fuxing, 350km/h.
Chính phủ Trung Quốc những năm gần đây đã đầu tư hàng tỷ USD vào hệ thống đường sắt cao tốc tại nước này. “Họ đang nỗ lực tạo ra những thay đổi”, ông Zhenhua Chen, Phó giáo sư về Quy hoạch vùng và đô thị tại Đại học bang Ohio (Mỹ) nhận xét.
Trung Quốc còn tự phát triển công ty sản xuất tàu, đó là công ty CRRC. Hiện CRRC là một trong những nhà sản xuất tàu lớn nhất thế giới.
Các công ty Trung Quốc là một trong những đơn vị đầu tiên trên thế giới giới thiệu công nghệ tàu mới như tàu tự vận hành (không người lái), sử dụng công nghệ điều khiển và tín hiệu tiên tiến.
Tàu cao tốc nối Bắc Kinh và Trương Gia Khẩu có khả năng đạt vận tốc 350 km/h, hiện là tàu tự hành nhanh nhất thế giới. Được khai trương vào tháng 12/2019 để phục vụ cho Thế vận hội Olympic và Paralympic mùa Đông Bắc Kinh 2022, tuyến đường sắt Bắc Kinh – Trương Gia Khẩu đã rút ngắn thời gian di chuyển cho quãng đường 174km từ ba giờ xuống chưa đầy một giờ.
Kết nối với láng giềng
Không chỉ phát triển đường sắt nội địa, Trung Quốc còn đẩy mạnh đầu tư vào hệ thống đường sắt kết nối các quốc gia láng giềng. Gần đây, Trung Quốc vừa tiếp tục rót 300 triệu Nhân dân tệ từ ngân sách để hỗ trợ Campuchia phát triển ngành đường sắt, cũng như thúc đẩy xây dựng tuyến đường sắt cao tốc nối thủ đô Phnom Penh của Campuchia với Lào, Thái Lan và Trung Quốc.
Trước Campuchia, Trung Quốc đã tích cực hợp tác với Lào, nổi bật là tuyến đường sắt tốc độ cao nối thủ đô Vientiane của Lào và thủ phủ Côn Minh của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), khai trương cuối năm 2021.
Đối với chính phủ Trung Quốc, đường sắt cao tốc là công cụ mạnh mẽ để kết nối xã hội, hợp nhất những khu vực có nền văn hóa khác nhau. Tương tự hệ thống tàu Shinkansen của Nhật Bản vào thập niên 1960, đường sắt cao tốc được Trung Quốc kỳ vọng trở thành biểu tượng cho sức mạnh kinh tế quốc gia, thúc đẩy quá trình hiện đại hóa.
“Xây dựng các tuyến đường sắt mới là một phần trong kế hoạch hợp nhất thị trường toàn quốc rộng lớn của ông Tập Cận Bình, phản ánh triết lý phát triển mới của Chủ tịch Trung Quốc, trong đó mô hình chủ chốt là phát triển đồng bộ giữa các địa phương”, Tiến sĩ Olivia Cheung, chuyên gia của Trường Nghiên cứu phương Đông và châu Phi (SOAS) thuộc Đại học London (Anh), cho biết.
Để đạt được thành tựu như hiện nay, các đơn vị kỹ thuật Trung Quốc phải xử lý hàng loạt thách thức to lớn, do diện tích quá rộng của đất nước cùng đặc điểm địa hình, địa chất và khí hậu đa dạng, từ vùng Cáp Nhĩ Tân băng giá ở phía Bắc đến khí hậu nóng ẩm ở đồng bằng sông Châu Giang, hay tuyến Lan Châu – Urumqi dài tới 1.776 km xuyên sa mạc Gobi.
Với nhiều tuyến đường sắt có tốc độ tối đa lên tới 350km/h, hoạt động di chuyển giữa các tỉnh thành Trung Quốc đã hoàn toàn thay đổi. Vị thế “áp đảo” của ngành hàng không bị phá vỡ. Tính đến năm 2020, 75% các thành phố của Trung Quốc có đường sắt cao tốc.
Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng “núi liền núi, sông liền sông” nên việc phát triển đường sắt Việt – Trung cũng được chính phủ hai nước chú trọng.
Trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra từ ngày 30/10 – 1/11/2022, hai bên ra “Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc về tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc”. Tuyên bố chung đề cập việc hai bên tập trung trao đổi thống nhất phương án kết nối đoạn đường sắt giữa ga Lào Cai (Việt Nam) – ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc).
Việc kết nối đường sắt Lào Cai (Việt Nam) – Hà Khẩu (Vân Nam, Trung Quốc) được Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam đưa vào kế hoạch phát triển đường sắt đến năm 2030.
Tân Hoa xã hôm 9/9 đưa tin, tuyến đường sắt cao tốc trực tiếp đầu tiên đến biên giới Việt – Trung được phía Trung Quốc lắp đặt đường ray từ ngày 8/8. Tuyến đường sắt này từ thành phố Phòng Thành Cảng đến thành phố Đông Hưng (tỉnh Quảng Tây) sẽ được lắp đặt hơn 100 km đường ray dự kiến đưa vào hoạt động từ tháng 12 năm nay.
Đường sắt cao tốc Phòng Thành Cảng – Đông Hưng sẽ giảm thời gian di chuyển giữa hai nơi này từ 60 phút xuống còn 20 phút, và kết nối Đông Hưng – thành phố biên giới giáp Móng Cái của Việt Nam, với mạng lưới đường sắt cao tốc dài 42.000km của Trung Quốc.
Khi đưa vào hoạt động, tuyến đường này sẽ chấm dứt thời kỳ không có vận tải đường sắt giữa Phòng Thành Cảng và Đông Hưng, đồng thời thúc đẩy kết nối giữa hai nước láng giềng.