Bước nước rút của “đầu tàu” giải ngân vốn đầu tư công ngành giao thông
Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) đang đứng trước cơ hội rất lớn để lần đầu tiên hoàn thành 100% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, ngay cả khi vừa được bổ sung hơn 13.000 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách trong nước.
Kỷ lục giải ngân mới
“Chúng tôi đang tăng tốc đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng tuyến Chợ Mới – Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn, với mục tiêu là khởi công công trình vào cuối tháng 12/2024 theo đúng chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GTVT”, ông Cao Việt Hùng, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án 2 cho biết.
Nếu kịp khởi công dự án trên như kế hoạch, thì đây sẽ là công trình có thời gian chuẩn bị đầu tư nhanh bậc nhất trong ngành GTVT, bởi Dự án mới được Bộ GTVT phê duyệt vào cuối tháng 5/2024.
Theo ông Cao Việt Hùng, để Dự án khởi công vào tháng 12/2024, chủ đầu tư cần hoàn thành 2 điều kiện tiên quyết.
Điều kiện đầu tiên là phải hoàn tất công tác lựa chọn nhà thầu tư vấn thiết kế trong tháng 8/2024, hoàn tất công tác thiết kế kỹ thuật trong tháng 10/2024, để kịp phát hành hồ sơ mời thầu các gói thầu xây lắp trong tháng 11/2024; hoàn tất công tác lựa chọn nhà thầu xây lắp trước ngày 31/12/2024.
Các công việc liên quan chặt chẽ với nhau nói trên gần như không có thời gian dự phòng, nên đây là một thách thức lớn với Ban Quản lý dự án 2, ngay cả khi đơn vị này được đánh giá là có bề dày kinh nghiệm, năng lực điều hành dự án bậc nhất trong ngành giao thông.
Thi công Dự án cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn |
Điều kiện cần thứ hai là công tác giải phóng mặt bằng do UBND tỉnh Bắc Kạn là chủ đầu tư phải được đẩy nhanh hơn nữa để có thể bàn giao khoảng 80% mặt bằng trong tổng số 28,8 km chiều dài tuyến đường được xây dựng theo quy mô 4 làn xe, với bề rộng nền đường lên tới 22 m.
Với công việc luôn đòi hỏi phải đi trước nêu trên, cuối tháng 7/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn đã ký quyết định phê duyệt Tiểu dự án Giải phóng mặt bằng thuộc Dự án Đầu tư xây dựng tuyến Chợ Mới – Bắc Kạn với tổng mức đầu tư khoảng 574,73 tỷ đồng.
Lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Kạn cũng quyết tâm bàn giao khoảng 255,14 ha mặt bằng chính tuyến cao tốc cho chủ đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng tuyến Chợ Mới – Bắc Kạn trong thời gian nhanh nhất để kịp khớp với kế hoạch khởi công công trình.
Nếu nỗ lực chạy nước rút của Ban Quản lý dự án 2 và tỉnh Bắc Kạn thành công, sẽ mở ra cơ hội để Dự án Đầu tư xây dựng tuyến Chợ Mới – Bắc Kạn hoàn thành, đưa vào khai thác trước tháng 12/2026 và còn giải ngân thêm được khoảng 1.500 tỷ đồng vốn đầu tư công trước ngày 31/1/2024 từ việc tạm ứng các hợp đồng xây lắp.
Được biết, Dự án Đầu tư xây dựng tuyến Chợ Mới – Bắc Kạn chỉ là một trong nhiều dự án hạ tầng sử dụng vốn đầu tư công được Bộ GTVT yêu cầu hoàn thành sớm công tác chuẩn bị để có thể triển khai trên thực địa, qua đó thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Quan điểm được Bộ GTVT đặt ra là phải tận dụng mọi cơ hội để đưa vốn nhiều nhất ra công trường.
Với các dự án đang triển khai thi công, đặc biệt là các dự án đường cao tốc, các chủ đầu tư thuộc Bộ GTVT đều đã nhận được văn bản có nội dung nhắc nhở tương tự, với chi tiết khối lượng vốn đầu tư công còn tại từng dự án cần phải giải ngân trong từng tháng, từng quý.
Ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, trong bối cảnh sức ép về tiến độ thực hiện, giải ngân đang rất căng thẳng, bất kỳ đơn vị nhà thầu nào không đáp ứng tiến độ, sẽ bị cảnh cáo, khiển trách, thậm chí là điều chuyển khối lượng, chấm dứt hợp đồng, đặc biệt tại các công trình trọng điểm như các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông.
Để tránh tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, lãnh đạo Bộ GTVT đã tăng cường đi kiểm tra hiện trường, trực tiếp chỉ đạo điều hành, kịp thời tháo gỡ khó khăn; chỉ đạo chủ đầu tư, tư vấn, các nhà thầu huy động tối đa nhân lực, thiết bị, nguồn tài chính, thi công tăng ca, tăng kíp để đẩy nhanh tiến độ; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ có các chỉ đạo tháo gỡ, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu xây dựng cho các dự án khu vực phía Nam.
Nhờ các giải pháp quyết liệt nói trên, đến nay, đa số các dự án triển khai thi công đang đáp ứng tiến độ đề ra, trong đó nhiều dự án đã được chủ đầu tư rà soát và đăng ký rút ngắn tiến độ từ 3 – 6 tháng. Những chuyển động tích cực trên công trường đã mang lại kết quả giải ngân rất ấn tượng cho các chủ đầu tư và cho chính Bộ GTVT.
Cụ thể, đến hết tháng 7/2024, Bộ GTVT đã giải ngân khoảng 30.794 tỷ đồng, đạt 49,2% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 đã được giao và kéo dài (62.604 tỷ đồng), cao hơn so với mức tỷ lệ giải ngân bình quân chung của cả nước (31,6%).
Nếu tiếp tục duy trì đà giải ngân nói trên trong 6 tháng còn lại, Bộ GTVT có thể giải ngân được khoảng 74.680 tỷ đồng, bằng 119% kế hoạch vốn được giao lần đầu (kỷ lục giải ngân của Bộ GTVT) và đạt 98,5% kế hoạch vốn đầu tư công sau khi được giao bổ sung (4.428 tỷ đồng vốn ODA, 70.252 tỷ đồng vốn trong nước).
“Kết quả này đáp ứng yêu cầu giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch 2024 theo chỉ đạo của Thủ tướng là ‘phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch được giao’, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu chỉ đạo của Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ GTVT là năm 2024 phấn đấu giải ngân 100% vốn đầu tư công”, ông Lưu Quang Thìn, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết.
Gỡ những đường găng tiến độ
Tại cuộc họp đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024 và xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2025 được Bộ GTVT tổ chức vào tuần trước, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng một lần nữa yêu cầu các chủ đầu tư/ban quản lý dự án, các nhà thầu thi công phải hết sức tập trung, nỗ lực chỉ đạo thực hiện với quyết tâm cao nhất, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là.
Ngoài việc bám sát tiến độ, kế hoạch đã đăng ký theo từng tháng, quý, quyết liệt đôn đốc đảm bảo đáp ứng đúng yêu cầu, các chủ đầu tư/ban quản lý dự án phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan để tháo gỡ khó khăn, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng, nguồn cung vật liệu để đẩy nhanh tiến độ dự án.
“Người đứng đầu các chủ đầu tư/ban quản lý dự án chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng nếu kết quả giải ngân không đạt yêu cầu”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chỉ đạo và nhấn mạnh, các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021 – 2025 phải giải ngân 100% vốn được giao.
Bộ trưởng Bộ GTVT lưu ý, các ban quản lý dự án có khả năng đẩy nhanh tiến độ phải bổ sung đăng ký theo nhu cầu. Quan điểm của Bộ GTVT là không hạn chế khối lượng đăng ký bổ sung.
Được biết, tính đến đầu tháng 8/2024, đã có ít nhất 2 ban quản lý dự án thuộc Bộ GTVT đăng ký bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công, trong đó mỗi đơn vị đăng ký giải ngân thêm từ 1.000 tỷ đồng đến 1.200 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ GTVT), khối lượng vốn phải giải ngân các tháng cuối năm 2024 còn lớn (45.030 tỷ đồng), bình quân mỗi tháng phải giải ngân khoảng 7.500 tỷ đồng.
“Trong điều kiện một số dự án đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư, vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, mỏ vật liệu xây dựng tại một số dự án đến nay chưa được xử lý dứt điểm, điều kiện thời tiết bất lợi cuối năm… sẽ tiềm ẩn thách thức đối với mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2024”, vị lãnh đạo này nhận định.
Để có thể cán đích mục tiêu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024, Bộ GTVT đã yêu cầu các chủ đầu tư/ban quản lý dự án chỉ đạo nhà thầu tập trung giải quyết để tổ chức thi công các hạng mục có khối lượng lớn là đường găng của dự án trước mùa mưa năm 2024; triển khai ngay việc tập kết các vật liệu làm móng, mặt đường, tránh tình trạng khan hiếm khi các dự án đồng loạt thi công lớp móng, mặt đường; chỉ đạo nhà thầu phát huy và duy trì nhịp độ thi công, tăng cường thi công “3 ca 4 kíp” để bảo đảm kế hoạch đề ra.
Với các dự án có xử lý nền đất yếu, cần hoàn thành công tác đắp nền, gia tải trước tháng 10/2024, làm cơ sở hoàn thành dự án vào cuối năm 2025. Các chủ đầu tư chỉ đạo các nhà thầu bố trí đầy đủ nhân lực thực hiện công tác nội nghiệp (hồ sơ hoàn công, nghiệm thu, thanh toán); cải cách thủ tục, giảm bớt các khâu để kịp thời giải ngân cho nhà thầu thi công.
“Với các dự án đã đăng ký rút ngắn tiến độ, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án cần chủ động kiểm soát chặt chẽ, không chủ quan; tăng cường công tác quản lý chất lượng, bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh môi trường. Các chủ đầu tư căn cứ kết quả thực hiện, điều kiện hợp đồng để kịp thời thay thế, điều chuyển khối lượng các nhà thầu không đáp ứng yêu cầu”, lãnh đạo Bộ GTVT chỉ đạo.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Phạm Quang Khôi, Tổng giám đốc Công ty Xây dựng Phương Thành – một trong các nhà thầu chính thi công Dự án thành phần cao tốc Bùng – Vạn Ninh cho biết, nhà thầu đã huy động đầy đủ nhân lực và thiết bị cho đợt nước rút trước khi mùa mưa lũ bắt đầu.
“Trong bối cảnh nguồn vốn luôn sẵn sàng, thời gian thanh toán đã được rút ngắn tối đa, nên nếu điều kiện thời tiết thuận lợi, thì chúng tôi sẽ giải ngân vượt mức kế hoạch vốn đã đăng ký với chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án 6”, ông Khôi cho biết.
Bộ GTVT đã khởi công 7 dự án đường bộ, 1 dự án đường sắt gồm: Rạch Sỏi – Bến Nhất; Gò Quao – Vĩnh Thuận; cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 28B qua tỉnh Bình Thuận và tỉnh Lâm Đồng; đường tránh phía Đông TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị; nâng cấp tuyến Cao Lãnh – Lộ Tẻ; nâng cấp đoạn Km18 – Km80, Quốc lộ 4B Lạng Sơn; nâng cấp mặt đường tuyến Lộ Tẻ – Rạch Sỏi; Chợ Chu – Ngã ba Trung Sơn; cải tạo tuyến đường sắt khu vực đèo Khe Nét.
Nguồn: https://baodautu.vn/buoc-nuoc-rut-cua-dau-tau-giai-ngan-von-dau-tu-cong-nganh-giao-thong-d221928.html