Số lượng thành viên NATO đáp ứng tiêu chuẩn chi tiêu quốc phòng mà liên minh quân sự đề ra có thể đạt tới con số 23 trong năm nay, và đây là mức cao nhất mọi thời đại, được thúc đẩy bởi cuộc xung đột Nga-Ukraine, Đại sứ Julianne Smith, Đại diện thường trực của Mỹ tại NATO, cho biết.
Theo ước tính của Đại sứ Smith, hơn 20 quốc gia trong tổng số 32 thành viên của liên minh xuyên Đại Tây Dương sẽ chi ít nhất 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quân đội của mình vào năm 2024, sau một thập kỷ cam kết.
“Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ có khoảng 20, 21, 22, có thể là 23 đồng minh đạt mốc 2%”, bà Smith nói với các phóng viên hôm 3/6, tại một sự kiện của Defense Writers Group, một hiệp hội phóng viên quốc phòng và an ninh quốc gia với 50 tổ chức tin tức thành viên trên toàn cầu.
“Đó là bước nhảy vọt kể từ điểm chúng tôi bắt đầu cách đây 10 năm”, Đại sứ Mỹ cho hay. NATO sẽ công bố con số cuối cùng trong một báo cáo vào cuối tháng này, trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh NATO vào tháng 7 tại Washington D.C., đánh dấu kỷ niệm 75 năm thành lập liên minh.
Ngược dòng thời gian, chỉ có 3 quốc gia thành viên chi 2% GDP cho quốc phòng vào năm 2014, khi mục tiêu chi tiêu được đặt ra. Con số đó tăng lên thành 7 vào năm 2022, năm mà Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine.
Bà Smith cho biết, việc chia sẻ gánh nặng trong liên minh phòng thủ chung sẽ là chủ đề thảo luận hàng đầu tại cuộc họp tháng 7 khi xung đột Nga-Ukraine đang ở năm thứ 3 và Mỹ tiếp tục là nhà tài trợ quân sự lớn nhất cho Kiev.
Vấn đề này đặc biệt được chú ý trong năm 2024 với cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, trong đó bao gồm khả năng ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng. Hồi tháng 2, ông Trump từng tuyên bố sẽ để Nga “làm bất cứ điều gì họ muốn” với các đồng minh NATO không thực hiện nghĩa vụ chi tiêu quân sự của họ.
Điều này làm dấy lên lo ngại rằng Mỹ có thể từ bỏ liên minh mà nước này đã giúp thành lập sau Thế chiến II nếu ông Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.
Vào thời điểm đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã phản ứng bằng cách nói rằng những bình luận của ông Trump về liên minh này khiến binh lính châu Âu và Mỹ gặp nguy hiểm.
“Bất kỳ cuộc tấn công nào vào NATO sẽ gặp phải phản ứng thống nhất và mạnh mẽ. Bất kỳ ý kiến nào cho rằng các đồng minh sẽ không bảo vệ lẫn nhau sẽ làm suy yếu toàn bộ an ninh của chúng ta, bao gồm cả an ninh của Mỹ, đồng thời khiến binh lính Mỹ và châu Âu gặp nguy hiểm cao hơn”, ông Stoltenberg cho biết trong một tuyên bố.
Đại sứ Smith cho biết, người châu Âu đang theo dõi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ “rất cẩn thận” và cố gắng tưởng tượng ra một loạt kịch bản tùy thuộc vào ai là người chiến thắng. Nhưng họ cũng nhận thức được thực tế rằng các cuộc thảo luận trong chiến dịch tranh cử không phải lúc nào cũng chuyển thành chính sách chính thức, bà nói.
“Ngay bây giờ, các đồng minh cảm thấy cần tập trung vào Ukraine, tình hình trên chiến trường”, Đại sứ Mỹ tại NATO nói.
Nga đã tận dụng triệt để khoảng thời gian các chuyến hàng vũ khí của Mỹ cho Ukraine bị gián đoạn để đạt được những bước tiến trên thực địa.
Kiev mong muốn có được tư cách thành viên trong NATO để được bảo vệ, mặc dù điều đó khó có thể xảy ra khi Ukraine vẫn đang chìm trong xung đột. Điều 5 của NATO tuyên bố một cuộc tấn công nhằm vào một quốc gia thành viên là cuộc tấn công vào tất cả các quốc gia đó.
Bà Smith cho biết, bà không mong đợi các đồng minh sẽ đưa ra lời mời phù hợp cho Ukraine tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO vào tháng 7, thay vào đó, liên minh sẽ đưa ra một gói các điều có thể thực hiện được, đóng vai trò là “cầu nối cho tư cách thành viên”.
Động thái này được cho là sẽ khiến nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelensky, người dự kiến sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Mỹ, thất vọng. Trong hội nghị ở Litva năm ngoái, ông Zelensky cho rằng thật “chưa từng có và vô lý” khi chưa ấn định mốc thời gian cho việc mời Ukraine tham gia liên minh hoặc tư cách thành viên của liên minh này.
Minh Đức (Theo Stars and Stripes, CNN)
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/buoc-nhay-vot-ve-cam-ket-chi-tieu-quoc-phong-cua-nato-a666989.html