Không nằm ngoài dự báo, với 52,14% số phiếu ủng hộ trong vòng 2 của cuộc bầu cử tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã đánh bại đối thủ Kemal Kilicdaroglu, cho phép ông kéo dài hai thập niên cầm quyền thêm 5 năm nữa.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan phát biểu trước những người ủng hộ sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống vòng hai, tại Ankara ngày 29-5-2023. Ảnh: AFP/TTXVN |
Phát biểu sau khi giành chiến thắng, Tổng thống Erdogan đã cảm ơn các cử tri đã tin tưởng giao trọng trách cho ông quyền điều hành đất nước tới năm 2028, đồng thời kêu gọi người dân đoàn kết. Ông Kilicdaroglu, lãnh đạo đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP) đối lập và cũng là ứng cử viên của Liên minh quốc gia đối lập gồm 6 đảng, cũng đã thừa nhận thất bại và chấp nhận kết quả bỏ phiếu.
Trong bối cảnh kinh tế nước này đang suy thoái, đồng lira mất giá và quan hệ tương đối căng thẳng với phương Tây, trong chiến dịch vận động bầu cử, Tổng thống Erdogan đã tuyên bố nếu ông chiến thắng, Thổ Nhĩ Kỳ “sẽ hoàn toàn thay đổi và tương lai sẽ được nhìn nhận theo một cách khác”.
Lý giải chiến thắng của ông Erdogan, các nhà quan sát chính trị quốc tế cho rằng mong muốn cơ bản của người dân Thổ Nhĩ Kỳ lúc này là vượt qua những khó khăn trong đời sống xã hội do khủng hoảng kinh tế và thiệt hại khổng lồ sau thảm họa động đất tháng 2 vừa qua. Hơn lúc nào hết, nhà lãnh đạo mới của Thổ Nhĩ Kỳ phải thực sự là người có đủ khả năng vực dậy sự thịnh vượng của đất nước. Tổng thống Erdogan được xem là “Ataturk của thời đại mới” do những đóng góp to lớn của ông đối với sự phát triển của Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như nâng cao vị thế quốc tế của nước này. Trong 20 năm cầm quyền (thủ tướng trong giai đoạn 2003-2014 và tổng thống từ năm 2014), ông Erdogan là nhà lãnh đạo có những thành tựu, nỗ lực cụ thể để hiện thực hóa các tham vọng vươn tầm của đất nước. Nhờ những cải cách kinh tế triệt để, Thổ Nhĩ Kỳ đạt được vị thế nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2020 và tỷ lệ nghèo của nước này đã giảm gần một nửa, xuống còn 9,8%. Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ hiện đứng thứ 18 trên thế giới về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) danh nghĩa, đạt 1.029 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt 11.932 USD. Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong top 5 về tốc độ tăng trưởng GDP trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).
Cũng trong hơn 20 năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã từ một “cường quốc khu vực” vươn lên thành “cường quốc toàn cầu” trong nền chính trị thế giới. Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành cường quốc quân sự lớn thứ hai trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tổng thống Erdogan đã tham gia giải quyết các vấn đề an ninh toàn cầu. Mới đây nhất là vai trò trung gian hòa giải, tổ chức đối thoại Nga – Ukraine và đạt được thỏa thuận xuất khẩu lúa mỳ, giải quyết cuộc khủng hoảng thiếu lương thực nghiêm trọng của các quốc gia Trung Đông và châu Phi. Đồng thời, với việc tiếp nhận và cưu mang khoảng 4 triệu người tị nạn Syria, ông Erdogan cũng đã giúp châu Âu tránh được một cuộc khủng hoảng di cư lớn.
Kết quả bầu cử trên cho thấy cử tri Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Tổng thống Erdogan – người đã giúp Thổ Nhĩ Kỳ phát triển các dự án cơ sở hạ tầng, ngành công nghiệp quốc phòng và các kế hoạch năng lượng quan trọng. Ông cũng được cử tri ủng hộ khi theo đuổi đường lối đối ngoại tự chủ, không cố núp dưới một “chiếc ô” an ninh và tìm cách duy trì quan hệ tốt với mọi cường quốc.
Emre Erdogan, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Bilgi ở Istanbul, cho rằng thành công của Tổng thống Erdogan là nhờ những người ủng hộ ông “tin vào khả năng giải quyết vấn đề của ông”. Còn nhà quan sát quốc tế kỳ cựu Timothy Ash nhận xét rằng rất nhiều cử tri Thổ Nhĩ Kỳ tin tưởng Tổng thống Erdogan vẫn sẽ thể hiện sức mạnh trên trường quốc tế, đấu tranh cho những gì mà ông và nhiều người khác nữa xem là lợi ích thiết yếu của Thổ Nhĩ Kỳ.
Về đối nội, Tổng thống Erdogan chủ trương bảo vệ các giá trị gia đình và tôn giáo truyền thống, dựa vào đạo Hồi và tập trung quyền lực vào tổng thống, với chính quyền trung ương mạnh mẽ và kiểm soát chặt chẽ việc quản lý kinh tế và xã hội.
Nền kinh tế đang suy thoái của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là phép thử tức thời nhất đối với Tổng thống Erdogan, người đã tuyên bố rằng lạm phát là vấn đề cấp bách nhất của nước này. Đồng nội tệ của Thổ Nhĩ Kỳ sớm rơi vào tình trạng rơi tự do và tỷ lệ lạm phát hằng năm lên tới 85% trong năm 2022.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Bùi Xuân Mai, thành viên Trung tâm nghiên cứu chiến lược SASAM của Thổ Nhĩ Kỳ, nhận định tổng thống mới phải nhanh chóng bình ổn giá trong nước bởi hiện nay tỷ lệ lạm phát rất cao, ảnh hưởng tới người dân. Thứ hai, Thổ Nhĩ Kỳ cần phải có chính sách tiền tệ để can thiệp, nâng giá đồng lira bị trượt giá mạnh do dự trữ ngoại hối của Thổ Nhĩ Kỳ đang thấp kỷ lục. Thổ Nhĩ Kỳ đã chi hàng chục tỷ USD để cố gắng hỗ trợ đồng lira khỏi sụt giá. Biện pháp vực dậy nền kinh tế trong khu vực thảm họa động đất cũng là một gánh nặng của chính phủ mới, trong bối cảnh ông Erdogan cần đẩy mạnh chính sách đoàn kết dân tộc, giúp các đảng phái có tiếng nói chung, giúp Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục phát triển, khi kết quả bỏ phiếu vòng hai cho thấy sự chia rẽ sâu sắc ở nước này.
Về đối ngoại, dưới thời ông Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường sức mạnh quân sự ở Trung Đông và xa hơn, củng cố quan hệ chặt chẽ hơn với Nga, đồng thời chứng kiến quan hệ với Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ ngày càng trở nên căng thẳng. Thổ Nhĩ Kỳ cũng có quan điểm cứng rắn với bất cứ mối đe dọa nào tới lợi ích quốc gia.
Tuy nhiên, có khả năng trong nhiệm kỳ mới, ông Erdogan sẽ tìm cách cải thiện quan hệ với các nước phương Tây để thu hút đầu tư, vực dậy nền kinh tế. Thứ hai là bình thường hóa quan hệ với các nước trong khu vực, Đông Địa Trung Hải, Bắc Phi… để tạo môi trường ổn định, giúp phát triển kinh tế. Trong quan hệ với các quốc gia lớn như Nga, Trung Quốc, Mỹ, dường như Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục thực hiện chính sách cân bằng lợi ích của mình. Hiện Thổ Nhĩ Kỳ đang nhập khẩu 56% khí đốt từ Nga, cùng với dầu lửa và lượng khách du lịch rất lớn từ Nga. Bên cạnh đó, Trung Quốc đã đầu tư 32 tỷ USD vào Thổ Nhĩ Kỳ, một đối tác quan trọng trong Sáng kiến Vành đai con đường (BRI).
Tổng thống Erdogan đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, mà theo lời chính ông, là “quan trọng nhất” đối với Thổ Nhĩ Kỳ trong kỷ nguyên hiện đại và cũng là một trong những cuộc bầu cử quan trọng nhất thế giới trong năm 2023. Chiến thắng này giúp ông trở thành nhà lãnh đạo cầm quyền lâu nhất kể từ khi nhà lãnh đạo Mustafa Kemal Ataturk thành lập nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại từ đống đổ nát của Đế chế Ottoman một thế kỷ trước (tháng 10-1923).
Cuộc bầu cử này mang tính bước ngoặt, không chỉ quyết định người lãnh đạo, mà còn ảnh hưởng tới những quyết sách tương lai nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế và định hình chính sách đối ngoại mới, cũng như tham vọng gia nhập EU và nâng cao vị thế, tầm ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng vẫn cần chờ xem, liệu chiến thắng ngày 28-5 của ông Erdogan có đúng là chiến thắng của tất cả 85 triệu người dân Thổ Nhĩ Kỳ hay không.
Theo TTXVN