Ngày 6/1/2022, Thủ tướng phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06).
Mục tiêu tổng quát của Đề án là ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia phù hợp với Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Đề án 06 hướng tới phục vụ 5 nhóm tiện ích: Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; phục vụ công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.
Một cách ngắn gọn, với Đề án 06, ứng dụng VNeID hoặc thẻ CCCD gắn chip điện tử sẽ từng bước thay thế các giấy tờ của công dân trong một số giao dịch theo quy định của pháp luật, cung cấp các dịch vụ công, dịch vụ thương mại phục vụ tiện ích số của công dân như dịch vụ cư trú, thương mại điện tử, thanh toán điện tử và các dịch vụ khác như đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Trên cơ sở kết nối, chia sẻ giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác, cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã có như dữ liệu giáo dục, dữ liệu doanh nghiệp, dữ liệu thuế… các thủ tục phục vụ công dân, doanh nghiệp sẽ được bảo đảm giải quyết chính xác, thuận tiện và an toàn.
Không chỉ vậy, các tài khoản người dùng đều được xác thực bảo đảm đúng với danh tính của từng công dân, tạo sự minh bạch, hạn chế gian lận, lừa đảo trên không gian mạng.
Ngày 10/10/2023, Bộ Công an tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về Chuyển đổi số trong Công an nhân dân lần thứ hai năm 2023 đến Công an 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đặc biệt, liên quan đến Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).
Bộ Công an cho biết, năm 2023, Bộ triển khai mở rộng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng mạng máy tính diện rộng ngành công an, đầu tư nâng cấp, thiết kế, triển khai hệ thống mạng theo công nghệ MPLS (Multiprotocol Label Switching – chuyển mạch nhãn đa giao thức cho phép chuyển tiếp dữ liệu giúp tăng tốc và quản lý luồng lưu lượng mạng) thay thế công nghệ cũ đang sử dụng; phối hợp với Tập đoàn VNPT nâng cấp dung lượng kênh truyền số liệu phục vụ công an các địa phương.
Đồng thời, triển khai kết nối phần mềm bảo mật từ Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư tới 63 công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 705 đơn vị cấp quận, huyện, 10.611 đơn vị cấp xã, phường.
Ngoài ra, Bộ Công an cũng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Triển khai xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung (LGSP) và dự kiến hoàn thành trong năm 2023. Công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng, hợp tác, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực được triển khai hiệu quả, thực chất và có chiều sâu.
Về thực hiện dịch vụ công, Bộ Công an đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương chính thức triển khai 02 dịch vụ công liên thông “Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hỗ trợ mai táng phí, trợ cấp mai táng” từ ngày 10/7/2023.
Đối với nhóm tiện ích phát triển kinh tế, xã hội, Bộ Công an cung cấp dịch vụ làm sạch dữ liệu cho ngân hàng (CIC) tổng số 42 triệu dữ liệu; cung cấp dịch vụ làm sạch dữ liệu cho 3 nhà mạng viễn thông (VinaPhone, Viettel, MobiFone) với 120 triệu yêu cầu xác thực theo hình thức trực tuyến; hơn 12.500 cơ sở khám chữa bệnh triển khai khám chữa bệnh sử dụng Căn cước công dân gắn chip tích hợp bảo hiểm y tế (đạt 98.2%).
Thời gian qua, Bộ Công an cấp trên 83,76 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip cho công dân; thu nhận trên 61,3 triệu hồ sơ định danh điện tử, kích hoạt trên 39,3 triệu tài khoản; phối hợp Bộ Tài chính kết nối, triển khai sử dụng tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng thuế điện tử.
Về số hóa tạo lập dữ liệu dùng chung, Bộ Công an kết nối với 15 bộ, ngành, 1 doanh nghiệp nhà nước (EVN), 3 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương; tiếp nhận tổng số gần 1,2 triệu yêu cầu tra cứu, xác thực thông tin.
Hiện nay, Bộ Công an hoàn thành cung cấp 224/224 dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền trên Cổng Dịch vụ công Bộ Công an, trong đó có 11 dịch vụ công thiết yếu thuộc Đề án 06; tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến đạt 78%.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ, qua 1 năm thực hiện chuyển đổi số trong công an nhân dân, lực lượng công an cung cấp nhiều tiện ích cho người dân và doanh nghiệp, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại; công khai, minh bạch góp phần phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng vặt, qua đó xây dựng, tạo lập và khai thác dữ liệu đã tạo hiệu quả tốt.
Cơ sở dữ liệu về dân cư được bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống” và ngày càng được làm “giàu” phục vụ quản lý dân cư, tạo nền tảng cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu nghiệp vụ, đáp ứng các yêu cầu phòng chống tội phạm; hoạch định chính sách của Chính phủ; chăm sóc sức khỏe người dân, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển giáo dục, thanh toán không dùng tiền mặt… khẳng định vai trò tạo nền tảng cho phát triển Chính phủ số, xã hội số, kinh tế số.
Để việc triển khai thực hiện chuyển đổi số trong công an nhân dân đạt kết quả cao hơn nữa trong thời gian tới, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị lãnh đạo công an các đơn vị, địa phương cần tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đưa nội dung chuyển đổi số vào nghị quyết, trở thành kế hoạch, nhiệm vụ thường xuyên ở đơn vị.
Thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 13 của Đảng ủy Công an Trung ương về tăng cường lãnh đạo đẩy mạnh thực hiện Đề án 06 trong lực lượng công an nhân dân, nhất là việc sơ kết 01 năm thực hiện Nghị quyết 13 tới đây.
Cũng trong ngày Chuyển đổi số quốc gia (10/10) mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2023 là năm Dữ liệu số quốc gia, với thông điệp “Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị”, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách cho hạ tầng số, nền tảng số và nguồn nhân lực số để thúc đẩy dữ liệu số phát triển ổn định, bền vững.
Đẩy mạnh việc tạo lập dữ liệu thông qua triển khai xây dựng, phát triển, kết nối, chia sẻ, khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành là yếu tố quan trọng trong chuyển đổi số, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, tạo ra giá trị mới.
“Các bộ, ngành, địa phương cần chung tay tháo gỡ những điểm nghẽn trong triển khai Đề án 06 và xác định, đây là yếu tố quyết định mọi sự thành công của chuyển đổi số quốc gia trong thời gian tới mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp”, Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển, nâng cấp, hiện đại hóa hạ tầng số, nhất là hạ tầng dùng chung, hạ tầng thanh toán, hạ tầng thông tin tín dụng…; bảo đảm năng lực tính toán, truyền tải, tính ổn định, tin cậy và an toàn trong xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến thông qua tái cấu trúc quy trình, tái sử dụng dữ liệu sẵn có.
Đồng thời, đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; xây dựng, vận hành hiệu quả hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh đáp ứng yêu cầu số hóa, tái sử dụng dữ liệu; kết nối, tích hợp, chia sẻ với Cổng dịch vụ công quốc gia và các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành.
“Cung cấp dịch vụ công trực tuyến phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, tạo sự thuận lợi và cắt giảm chi phí tuân thủ”, Thủ tướng nhắc nhở.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ đạo, phải hỗ trợ các doanh nghiệp tích cực chuyển đổi hoạt động sản xuất, kinh doanh lên môi trường số, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và doanh nghiệp.
Với quan điểm đầu tư cho nghiên cứu, phát triển công nghệ số, nhất là dữ liệu số là đầu tư cho tương lai, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tập trung nghiên cứu, phát triển các giải pháp công nghệ số để tạo ra giá trị bền vững trong tạo lập và khai thác dữ liệu; chú trọng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D); tăng cường thúc đẩy hợp tác quốc tế, tìm kiếm, phát hiện các mô hình, công nghệ, giải pháp hiện đại, áp dụng phù hợp ở Việt Nam.
Yến Hiền