(Dân trí) – “Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ là cắt giảm số lượng, loại bỏ những phần không còn phù hợp, mà còn phải tái sắp xếp, tích hợp và nâng cao năng lực vận hành của bộ máy”, TS Nguyễn Sĩ Dũng nói.
Nhìn nhận đúng về bản chất của cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, đưa ra nguyên tắc trong việc sắp xếp tổ chức và xây dựng cơ chế, chính sách cho đội ngũ cán bộ thuộc diện sắp xếp, theo TS Nguyễn Sĩ Dũng (nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội), là những điểm mấu chốt để tạo ra bước đi lịch sử trong lần tái thiết bộ máy này.
“Cuộc cách mạng này chính là một bước đi lịch sử, tạo nền tảng cho một bộ máy Nhà nước gọn nhẹ, thông minh, hiệu quả”, TS Nguyễn Sĩ Dũng nhận định trong cuộc trao đổi với phóng viên Dân trí.
Tổng Bí thư Tô Lâm ví lần sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy này như một cuộc cách mạng. Lâu nay, chúng ta thường hiểu cách mạng là “thay cũ đổi mới”, “loại bỏ cái cũ để xây dựng cái mới”, vậy với cuộc cách mạng lần này, theo ông, nên hiểu thế nào cho đúng?
– Cuộc cách mạng mà Tổng Bí thư Tô Lâm đề cập không chỉ đơn thuần là “thay cũ đổi mới” hay “loại bỏ cái cũ để xây dựng cái mới” một cách cứng nhắc. Thay vào đó, cuộc cách mạng này cần được hiểu như một quá trình tái cấu trúc và tối ưu hóa nhằm tạo ra một bộ máy vận hành hiệu quả, minh bạch và phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Trước hết, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ là cắt giảm số lượng, mà còn là nâng cao chất lượng và hiệu quả của các thiết chế. Chúng ta không chỉ nói đến việc loại bỏ những phần không còn phù hợp, mà còn phải tái sắp xếp, tích hợp và nâng cao năng lực vận hành của bộ máy để đáp ứng tốt hơn các yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, cũng như thách thức toàn cầu.
Điều đặc biệt ở đây là cuộc cách mạng này mang tính kế thừa và phát triển. Chúng ta phải giữ lại những giá trị, kinh nghiệm đã được chứng minh là hiệu quả trong quá khứ, đồng thời mạnh dạn loại bỏ những yếu tố cản trở sự đổi mới. Điều này đòi hỏi tầm nhìn xa, tư duy hệ thống và quyết tâm chính trị rất lớn, bởi đây không chỉ là thay đổi bề mặt, mà còn là thay đổi tư duy và văn hóa lãnh đạo, quản lý.
Hơn nữa, cuộc cách mạng lần này còn gắn liền với việc tạo ra một hệ sinh thái quản trị hiện đại, minh bạch và hướng tới người dân, trong đó mọi cơ chế vận hành đều phải đặt trọng tâm vào phục vụ lợi ích công. Đây là sự thay đổi không chỉ ở cấu trúc tổ chức mà còn ở cách chúng ta tiếp cận và thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước.
Do đó, tôi cho rằng, cuộc cách mạng này chính là một bước đi lịch sử, tạo nền tảng cho một bộ máy Nhà nước “gọn nhẹ, thông minh, hiệu quả”, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân trong bối cảnh mới.
Để cải cách trong tổ chức bộ máy, ngoài sự đoàn kết, quyết tâm cao, dũng cảm, lãnh đạo Đảng cho rằng cần cả sự hy sinh lợi ích cá nhân, vì lợi ích chung. Sự hy sinh này, theo ông cụ thể là gì?
– Sự hy sinh lợi ích cá nhân để cải cách tổ chức bộ máy, theo tôi, cần được hiểu ở nhiều khía cạnh cụ thể, và nó gắn liền với trách nhiệm, đạo đức công vụ, cũng như tầm nhìn của mỗi cán bộ, đảng viên.
Thứ nhất là sự hy sinh trong việc từ bỏ những lợi ích trực tiếp hoặc gián tiếp gắn liền với chức vụ, quyền hạn. Khi tinh gọn tổ chức bộ máy, một số vị trí lãnh đạo, quản lý có thể bị sáp nhập hoặc cắt giảm.
Điều này đồng nghĩa với việc một số cán bộ phải chấp nhận từ bỏ vị trí hiện tại hoặc không tiếp tục giữ chức vụ trong bộ máy mới. Đây là sự hy sinh về quyền lợi cá nhân, nhưng lại cần thiết để phục vụ lợi ích chung lớn hơn, đó là một bộ máy hoạt động hiệu quả, tiết kiệm, và minh bạch hơn.
Thứ hai là hy sinh lợi ích về tài chính và nguồn lực gắn liền với tổ chức bộ máy cũ. Những bộ phận, đơn vị thừa hoặc hoạt động kém hiệu quả có thể đã tạo ra các nguồn lợi ích kinh tế không minh bạch cho một số cá nhân. Việc loại bỏ những đơn vị này sẽ làm mất đi các đặc quyền, đặc lợi, nhưng đây là bước cần thiết để nâng cao hiệu quả quản lý và giảm gánh nặng ngân sách quốc gia.
Thứ ba là sự hy sinh về tâm lý và thói quen quản trị cũ. Thay đổi tổ chức bộ máy không chỉ là thay đổi cấu trúc, mà còn là thay đổi cách tư duy và phương thức làm việc. Điều này đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải vượt qua tâm lý ngại đổi mới, thoát khỏi lối mòn tư duy cũ để thích nghi với mô hình quản trị hiện đại và minh bạch hơn. Đây cũng là một dạng hy sinh, đòi hỏi sự dũng cảm để đối mặt với những bất tiện và thách thức trong ngắn hạn.
Cuối cùng, sự hy sinh lớn nhất chính là đặt lợi ích chung của đất nước, của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân hoặc nhóm. Điều này yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải có ý thức trách nhiệm cao, sẵn sàng từ bỏ những gì không còn phù hợp, không còn đóng góp tích cực vào sự phát triển chung.
Câu hỏi hóc búa nhất khi sắp xếp cán bộ sau hợp nhất có lẽ là ai ở, ai đi, ai giữ cấp trưởng, ai xuống làm phó. Sẽ có người phải chịu thiệt thòi, hy sinh, đang từ trưởng xuống phó, đang phó thường trực thành phó thường, đang làm ở cấp thành phố giờ về quận, huyện. Hẳn là việc điều động cán bộ sẽ rất khó khăn. Ông có gợi ý gì về việc kiện toàn tổ chức và xây dựng chính sách vượt trội cho đội ngũ cán bộ thuộc diện sắp xếp?
– Đúng. Việc điều động, sắp xếp cán bộ trong quá trình tinh gọn bộ máy luôn là bài toán khó, bởi nó không chỉ liên quan đến vị trí, chức vụ mà còn ảnh hưởng đến tâm lý và động lực làm việc của đội ngũ cán bộ. Tuy nhiên, nếu có cách tiếp cận phù hợp, chúng ta hoàn toàn có thể biến thách thức này thành cơ hội để xây dựng một đội ngũ cán bộ đoàn kết, có năng lực và sẵn sàng phụng sự nhân dân.
Thứ nhất, cần tiêu chí công bằng và minh bạch trong sắp xếp cán bộ, khi sắp xếp cần xét đến năng lực, kinh nghiệm, kết quả công tác và sự phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong bộ máy mới. Quy trình này phải đảm bảo tính khách quan, tránh sự thiên vị hay bất công, giúp giảm thiểu tâm lý bất mãn.
Thứ hai, đánh giá dựa trên hiệu quả công việc và phẩm chất chính trị. Những cán bộ thực sự có năng lực, tâm huyết cần được trọng dụng, dù vị trí công việc có thay đổi.
Thứ ba, chính sách bù đắp và động viên hợp lý. Đối với những cán bộ phải “xuống cấp” hoặc chuyển đến các vị trí công tác mới, cần có chế độ đãi ngộ vượt trội, tạo cơ hội thăng tiến và tái sắp xếp trong tương lai.
Tinh gọn bộ máy không có nghĩa là “đóng cửa” cơ hội thăng tiến. Những cán bộ không giữ vai trò cấp trưởng hiện tại vẫn cần được xem xét và quy hoạch để đảm nhận các vị trí cao hơn trong tương lai, nếu họ có năng lực và thành tích xứng đáng.
Bên cạnh việc xây dựng văn hóa tổ chức hướng tới lợi ích chung, cần lắng nghe và giải quyết thấu đáo các ý kiến, tâm tư của cán bộ bị ảnh hưởng bởi quá trình sắp xếp. Một sự động viên kịp thời, một lời giải thích hợp lý sẽ giúp cán bộ cảm thấy được tôn trọng và thấu hiểu.
Chỉ khi nào mỗi cán bộ cảm thấy sự hy sinh của mình được ghi nhận, được bù đắp xứng đáng và nhìn thấy cơ hội phát triển trong tương lai, họ mới sẵn sàng đồng hành cùng công cuộc cải cách này.
Ông có nhận xét gì về phương án sắp xếp hiện nay, nhất là với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ; các cơ quan thuộc Quốc hội?
– Phương án sắp xếp hiện nay cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ và các cơ quan thuộc Quốc hội là một bước tiến quan trọng nhằm xây dựng bộ máy Nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Tuy nhiên, để đánh giá một cách toàn diện, cần nhìn nhận từ cả hai khía cạnh tích cực và những vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện.
Về khía cạnh tích cực, phương án sắp xếp hiện nay tập trung vào việc giảm thiểu đầu mối, loại bỏ sự chồng chéo chức năng giữa các cơ quan.
Điều này không chỉ tiết kiệm nguồn lực mà còn giúp bộ máy hoạt động hiệu quả hơn. Việc sáp nhập hoặc tái cấu trúc các đơn vị theo hướng chuyên môn hóa cao hơn sẽ giúp nâng cao năng lực quản lý và thực thi. Việc cải cách ở cấp các cơ quan Trung ương, vốn được coi là “khó khăn và nhạy cảm”, đã thể hiện quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện những thay đổi cần thiết.
Về những vấn đề cần quan tâm, dù giảm được số lượng đơn vị, nếu việc phân công chức năng không rõ ràng, cụ thể, nguy cơ chồng chéo hoặc bỏ sót nhiệm vụ vẫn có thể xảy ra, dẫn đến sự kém hiệu quả. Quá trình sắp xếp cũng có thể ảnh hưởng đến tâm lý và động lực làm việc của cán bộ, nhất là những người bị thay đổi vị trí hoặc quyền hạn.
Tôi cho rằng, cần rà soát kỹ lưỡng để bảo đảm các nhiệm vụ, quyền hạn của từng bộ, ngành được phân định rành mạch, tránh việc trùng lặp hoặc thiếu sót. Để tạo sự đồng thuận, việc công bố tiêu chí, lộ trình và kết quả sắp xếp cần được thực hiện một cách minh bạch.
Đặc biệt với các cơ quan thuộc Quốc hội, việc tái cấu trúc cần bảo đảm không làm suy yếu chức năng giám sát và thẩm định chính sách, vì đây là yếu tố cốt lõi trong một Nhà nước pháp quyền.
Những năm qua nhiều nước đã thực hiện tinh gọn bộ máy, ví dụ Nhật Bản tái cơ cấu từ 23 tổ chức cấp bộ xuống còn 13 tổ chức cấp bộ. Theo ông đâu là những kinh nghiệm thế giới mà Việt Nam có thể tham khảo?
– Kinh nghiệm quan trọng nhất của Nhật Bản nằm ở việc phân quyền theo nguyên tắc bổ trợ (subsidiarity). Đây là nguyên tắc cốt lõi giúp Nhật không chỉ tinh gọn bộ máy Trung ương, mà còn nâng cao hiệu quả quản trị.
Theo nguyên tắc này, chính quyền Trung ương chỉ tập trung vào những nhiệm vụ chiến lược, vĩ mô, còn các nhiệm vụ cụ thể và trực tiếp liên quan đến đời sống người dân sẽ được giao về cho chính quyền địa phương cấp tỉnh, thành phố.
Chính quyền cấp tỉnh ở Nhật Bản được giao quyền rất lớn trong các lĩnh vực như giáo dục, y tế, xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế địa phương. Điều này giúp giảm tải khối lượng công việc cho các cơ quan Trung ương, từ đó cho phép tinh gọn bộ máy Trung ương mà vẫn đảm bảo hiệu quả quản lý.
Việt Nam có thể học hỏi mô hình này để thúc đẩy quá trình tinh gọn bộ máy một cách bền vững và hiệu quả, theo hướng phân cấp và phân quyền mạnh hơn; Trung ương tập trung vào chiến lược thay vì can thiệp vào các công việc chi tiết tại địa phương; cải thiện năng lực địa phương.
Một kinh nghiệm khác của Nhật Bản là sáp nhập, tích hợp các cơ quan có chức năng tương đồng. Ví dụ, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp được hình thành từ việc sáp nhập ba bộ nhỏ hơn. Việt Nam có thể áp dụng mô hình này để giảm số lượng đầu mối, đặc biệt ở các lĩnh vực có chức năng giao thoa như kinh tế, tài chính, hoặc văn hóa – xã hội. Việc này cần dựa trên sự đánh giá kỹ lưỡng về nhiệm vụ và hiệu quả hoạt động của từng cơ quan.
Ngoài Nhật Bản, chúng ta cũng có thể tham khảo kinh nghiệm của New Zealand trong tập trung giám sát kết quả thay vì quy trình; kinh nghiệm của Singapore trong đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và số hóa dịch vụ công, giảm thiểu công việc thủ công và các đầu mối hành chính, chú trọng đào tạo cán bộ đáp ứng yêu cầu quản trị hiện đại…
Để tránh lặp lại bài học “sắp xếp chưa triệt để” như trong quá khứ, việc xây dựng phương án tinh gọn tổ chức bộ máy lần này cần rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ; lấy hiệu quả làm trung tâm; công khai, minh bạch và đồng thuận.
Ông có nghĩ đây sẽ là một cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy chưa từng có tiền lệ? Và với những định hướng lớn về sắp xếp, tinh gọn được đưa ra vừa qua, ông mường tượng tổ chức bộ máy mới của hệ thống chính trị trong nhiệm kỳ mới sẽ khoác tấm áo mới như thế nào?
– Tôi tin rằng cuộc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy lần này thực sự có thể xem là một cuộc cách mạng chưa từng có tiền lệ, bởi không chỉ quy mô và mức độ quyết tâm chính trị cao, mà còn ở cách tiếp cận toàn diện, bài bản hơn trước.
Lần này, việc tinh gọn không chỉ diễn ra ở các cấp địa phương, mà còn bao trùm toàn bộ hệ thống chính trị, từ các bộ, cơ quan ngang bộ đến các tổ chức của Quốc hội và cả Đảng.
Đây là một bước đi lớn chưa từng có trong lịch sử cải cách tổ chức bộ máy. Tinh thần của lần sắp xếp này không chỉ là giảm số lượng hay loại bỏ cơ cấu cũ, mà còn hướng đến xây dựng một bộ máy hiện đại, tinh gọn, minh bạch, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh mới.
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh rằng đây không chỉ là “cải cách,” mà là một cuộc “cách mạng”, điều này thể hiện ý chí rất mạnh mẽ trong việc vượt qua những rào cản cũ, từ tư duy bảo thủ đến lợi ích cục bộ.
Tôi mường tượng rằng tổ chức bộ máy mới trong nhiệm kỳ tới sẽ mang những đặc điểm sau:
Thứ nhất là tinh gọn nhưng mạnh mẽ. Số lượng đầu mối sẽ giảm đi đáng kể, đặc biệt là các cơ quan có chức năng trùng lặp hoặc hoạt động kém hiệu quả. Tuy nhiên, việc tinh gọn không làm suy giảm sức mạnh quản trị, mà ngược lại, các cơ quan được sắp xếp lại sẽ hoạt động hiệu quả hơn nhờ vào sự chuyên môn hóa và tinh giản quy trình.
Thứ hai là hướng tới sự liên thông và tích hợp. Các cơ quan sẽ được tổ chức lại theo hướng tích hợp cao hơn, giảm thiểu tình trạng phân tán hoặc “cục bộ hóa” trong quản lý Nhà nước.
Thứ ba là ứng dụng mạnh mẽ công nghệ. Bộ máy mới sẽ phải “khoác chiếc áo số hóa,” với công nghệ thông tin đóng vai trò là xương sống trong quản lý, điều hành và cung cấp dịch vụ công. Đây sẽ là bước đi quan trọng để xây dựng một chính phủ số, phù hợp với xu thế toàn cầu.
Thứ tư là đề cao trách nhiệm cá nhân và minh bạch hóa. Trách nhiệm của từng cá nhân trong hệ thống sẽ được quy định rõ ràng hơn, giảm tình trạng “trách nhiệm tập thể” gây mơ hồ. Sự minh bạch trong hoạt động của bộ máy sẽ được nâng cao, từ đó tăng cường niềm tin của người dân vào Nhà nước.
Tóm lại, cuộc cách mạng này không chỉ là một thay đổi về cấu trúc, mà còn là một bước chuyển quan trọng trong tư duy và văn hóa quản trị của hệ thống chính trị Việt Nam.
Nếu thực hiện thành công, tổ chức bộ máy mới sẽ khoác lên mình “tấm áo mới” gọn gàng hơn, minh bạch hơn, hiệu quả hơn, và xứng đáng với kỳ vọng của nhân dân trong thời đại mới.
Xin cảm ơn ông!
Nội dung: Hoài Thu, Võ Văn Thành
Thiết kế: Thủy Tiên
Nguồn:https://dantri.com.vn/xa-hoi/buoc-di-lich-su-de-xay-dung-bo-may-gon-nhe-thong-minh-hieu-qua-20241219224402968.htm