Tháng 7.2021, chính phủ Trung Quốc triển khai chiến dịch mạnh mẽ nhằm ngăn chặn tình trạng dạy thêm, theo đó cấm giáo viên lẫn gia sư mở lớp dạy các môn theo chương trình giảng dạy ở trường vì lợi nhuận.
Chiến dịch trên nhằm vào hai mục đích: giảm gánh nặng cho các gia đình, từ các học sinh phải vắt kiệt sức để học tập và cha mẹ phải oằn mình trả tiền học thêm; đồng thời xóa sổ tình trạng trục lợi dẫn đến sự hình thành thị trường giáo dục trực tuyến trị giá khoảng 100 tỉ USD ở nước này.
Được biết đến với cái tên “Song giảm”, chiến dịch đã đẩy một số công ty cung cấp dịch vụ dạy thêm vào tình trạng phá sản.
Tuy nhiên, khi tiếp xúc với một vài phụ huynh ở những thành phố lớn như Thượng Hải và Thâm Quyến, Hãng tin Bloomberg phát hiện chi phí cho con học thêm vẫn tăng mạnh ở nhiều gia đình, đặc biệt vào những tháng nghỉ hè.
Để con điểm cao hơn bạn bè và có cơ hội thi đậu các trường đại học danh tiếng, nhiều phụ huynh Trung Quốc tích cực săn lùng các dịch vụ dạy thêm chui, hiện mọc lên như nấm trên toàn quốc.
“Gánh nặng mà chúng tôi phải chịu đựng vẫn còn đó”, Bloomberg hôm nay 21.7 dẫn lời bà Sarah Wang, một bà mẹ 40 tuổi làm việc cho một công ty thương mại điện tử ở Thượng Hải.
Số tiền bà Wang phải thuê gia sư cho con hiện tăng hơn 50% so với thời điểm chưa có chính sách “Song giảm”, trong khi đứa bé chỉ mới học lớp 5. Sau khi con chuyển cấp, bà tính toán số tiền học thêm phải tăng hơn mức 300-400 nhân dân tệ/buổi học (1 đến 1,3 triệu đồng) như hiện tại.
Bloomberg ước tính chi phí học thêm cho mỗi học sinh hiện có thể dễ dàng vượt ngưỡng 100.000 nhân dân tệ/năm (hơn 330 triệu đồng) ở những thành phố lớn như Thượng Hải.
Các bậc cha mẹ tầng lớp trung lưu ở những thành phố khác của Trung Quốc cũng chia sẻ kinh nghiệm tương tự. Nhiều gia sư trước đây dạy cho những trung tâm lớn hiện chuyển sang mở các nhóm nhỏ, hoặc một kèm một, để tránh bị giới hữu trách phát hiện.
Chi phí dạy kèm nhóm nhỏ hoặc một kèm một vì thế tăng cao hơn, nhưng các phụ huynh Trung Quốc vẫn cắn răng trả tiền để con được học thêm.